
Bà Nguyễn Thị Màu (78 tuổi, xóm 9, Nga Liên, Nga Sơn, Thanh Hóa), ngồi buồn thiu trước ruộng cói bên nhà, nói như khóc: “Mùa màng thu hoạch xong mà không bán được, lấy đâu ra tiền đong gạo ăn. Sống sao đây!”. Mấy sào cói nhà bà đã được thu hoạch, cói phơi khô, bó gọn gàng nằm xếp lớp trước sân nhưng không có ai hỏi mua. Những năm trước nhờ thương hiệu chiếu cói Nga Sơn mà không ít người đã có của ăn của để. Vậy mà năm nay...
Lao đao với cói

Một vài hộ dân đang thu hoạch cói.
Vùng cói Nga Sơn của tỉnh Thanh Hóa gồm 8 xã: Nga Liên, Nga Thanh, Nga Tiến, Nga Tân, Nga Thái, Nga Điền, Nga Thủy, Nga Phú với tổng diện tích gieo trồng là 315,9ha, sản lượng cói hàng năm bình quân đạt 20.000 tấn. Cói ở đây chủ yếu được dùng để sản xuất chiếu và hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu.
Thế nhưng năm nay những ruộng cói mênh mông ấy chẳng mấy người buồn ngó ngàng đến. Những cây cói cứ dần quắt queo vì quá tuổi và vì cái nắng như thiêu đốt của miền Trung. “Cắt về rồi lại để đó chứ có bán được đâu!”, những người trồng cói nói giọng ngao ngán thế.
Bà Màu nếu có việc gì làm cho khuây khỏa thì thôi chứ rời ra là bà lại ngồi nhìn những bó cói. Anh Nguyễn Văn Hải, con trai bà Màu, nói với chúng tôi: “Cói không bán được mẹ tôi cứ ngồi thừ người ra. Người ta trồng lúa không bán được thì để xát gạo ăn dần chứ chúng tôi trồng cói, không bán được thì chỉ còn cách đốt thôi”.
Ông Mai Bá Luyến, Chủ tịch huyện Nga Sơn tỏ ra lo ngại: “Trước đây 1kg cói mua được 2 – 3kg gạo còn bây giờ 5kg cói mới mua được 1kg gạo. Không biết người dân vùng cói chúng tôi sẽ sống ra sao nữa. Mặc dù huyện đã có những chính sách hỗ trợ chuyển đổi từ trồng cói sang trồng lúa nhưng đến thời điểm hiện nay cũng chỉ như “muối bỏ bể” thôi!”.
Gia đình ông Trần Văn Hòa ở xóm 9 xã Nga Liên có hơn một mẫu ruộng. Cói rớt giá, đứa con lớn chán nản đi vào tận Tây Nguyên làm ăn, hai ông bà đành phải thuê người cắt, chẻ cói còn mình thì tự phơi, hót cho kịp thời vụ. Đã thế lại phải lo vay mượn cho đứa con thứ 2 đang học đại học. Ông Hòa than thở: “Cói rẻ không bán được thì cũng phải bỏ tiền ra thuê người làm, vớt vát được tí nào hay tí ấy chú ạ. Mình làm nông, đã gắn bó với cây cói gần trọn đời người rồi, sao mà bỏ cói được!”.
Cói khóc
Mấy hôm nay ông Mã Văn Cẩm (xóm 5, Nga Tân) đi khắp làng trên, xóm dưới rao cho mượn 5 sào ruộng của gia đình để làm cói nhưng chẳng ai muốn nhận. Ông Cẩm, than: “Năm nay nhà tôi không có người làm, đi cho mượn đất mà cũng không ai muốn nhận”.
Cói thu hoạch không bán được nhiều hộ gia đình phải bỏ ruộng đi làm ăn xa. Những thửa ruộng cói không ai chăm bón, nên một số diện tích trồng cói đang có nguy cơ bị bỏ hoang.

Bà Màu buồn thiu nhìn ra ruộng cói trước nhà.
Cói năm nay khó bán vì nhiều lẽ, trước hết là do thị trường Trung Quốc, nơi mua cói của Nga Sơn nhiều nhất đang có nhiều biến động nhưng một phần là do cói không đạt chất lượng. Hầu hết diện tích cói của 8 xã đều trông vào nước trời.
Không có nước cho cói cũng khổ mà mưa triền miên, nước ứ đọng lâu ngày khiến gốc cói bị khoáng cũng không thể làm hàng đan xuất khẩu được, dệt chiếu cũng chỗ trắng, chỗ vàng... Có những đồng cói phải mất nửa tháng trời chờ nước rút mới có thể thu hoạch. Nhiều diện tích thu hoạch xong bị ngập úng nên mầm cói không sinh trưởng được. Bà Màu nhìn ra cánh đồng, lo lắng: “Đồng ruộng thế này vụ tới lấy cói đâu mà cắt”.
Cói không xuất được, các chủ buôn cũng kêu trời. Ông Phạm Sỹ Đại, một đại lý cói thuộc xã Nga Liên, kể: “Năm ngoái cói đắt, tôi mua trữ hơn 40 tấn, năm nay mỗi tấn lỗ 1 – 2 triệu đồng, không biết buôn bán đến bao giờ mới đủ bù lỗ nữa. Cứ tình trạng này chúng tôi cũng đói theo!”.
Để thu hoạch xong một sào cói, với 5 người làm phải mất từ 5 – 7 ngày. Đấy là chưa kể đến lúc mưa gió phải để dành bãi phơi nên bà con nơi đây không trồng thêm được hoa màu. Ruộng cói không làm ra tiền, vườn cũng không có cây trái để thu hoạch, nhiều hộ gia đình ở Nga Sơn đang phải chạy gạo từng bữa. Chị Trần Thị Hiên (xã Nga Liên), than: “Lo ăn đã khó, nhà tôi lại phải lo tiền cho 5 đứa con chuẩn bị vào năm học mới. Biết làm thế nào đây? Cói ơi là cói!”.
Chông chênh con chữ
Một năm học mới đã bắt đầu. Người dân vùng cói Nga Sơn lại chồng chất thêm những nỗi lo. Mấy năm trước cũng chính nhờ cây cói mà đời sống của họ khấm khá hơn, hầu hết trẻ em đều được đến trường.
Ngoài giờ học ở trường, các gia đình còn cho con đi học thêm để các em có điều kiện tiếp xúc với thầy cô ở các trường chuyên của huyện như Trường THCS Chu Văn An, Trường THPT Ba Đình... Cũng chính nhờ học thêm mà thành tích học tập của các em vùng cói không ngừng được nâng cao.
Chỉ tính riêng xã Nga Liên, mỗi năm số học sinh thi đậu các trường đại học và cao đẳng trong cả nước cũng từ 20 đến 30 em. Con số ấy không lớn nhưng đối với những người quanh năm quanh quẩn với đồng ruộng thì đó là một điều hãnh diện. “10 năm trước số học sinh đậu đại học của xã tôi chỉ đếm trên đầu ngón tay thôi. Năm nay cả xã có thêm 27 cháu đậu đại học. Mừng ít mà lo nhiều chú ạ!” – ông Vũ Văn Cử (55 tuổi, trưởng xóm 9, xã Nga Liên), nói thế.
Cói rớt giá, những người dân sống nhờ cây cói đang phải “chạy ăn” trong cơn “bão giá” là điều có thật ở Nga Sơn. Ông Nguyễn Văn Tư (83 tuổi, xóm 9, Nga Liên) ngồi trong căn nhà ọp ẹp, nói giọng ngấn nước khi nhìn ra những ruộng cói héo vàng: “Cói như thế này chúng tôi sống làm sao?”, trên khuôn mặt nhăn nheo của ông một giọt nước mắt ứa ra khi nhìn mấy đứa cháu vô tư nô đùa trước nhà. Chúng tôi đi ra khỏi những ruộng cói mà lòng trĩu nặng khi nhớ lại cảnh đìu hiu của một vùng cói nổi tiếng một thời... |
Nhưng bây giờ “cái sự học” ở mảnh đất này đang làm cho không ít phụ huynh phải đắn đo. Với giá cói sợi ngắn 14.000 đồng/kg, cói sợi dài từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, nhiều hộ nông dân ở Nga Sơn đang cảm thấy “bất lực” với việc học tập của con.
Nhà ông Tứ có 2 sào ruộng, trừ chi phí phân bón, tiền thuế, thuốc trừ sâu... mỗi mùa chỉ dành dụm được hơn một triệu đồng. “Thằng lớn học đại học, mỗi tháng tốn một triệu đồng, hai đứa nhỏ học trung học thì chỉ riêng tiền mua đồ dùng học tập cũng ngót nghét một triệu đồng nữa. Lại còn tiền ăn, tiền tiêu cho cả nhà nữa chứ”, ông Tứ nhẩm tính và thở dài.
Để đủ tiền nuôi con ăn học gia đình ông đã phải làm đơn xin vay ngân hàng 5 triệu đồng, nhân đợt nhà nước có chính sách hỗ trợ các gia đình có con học đại học.
“Đồng đất quê mình thế này không biết làm sao ra tiền cho tụi nó đi học, thôi thì cứ vay, cứ mượn rồi đến đâu hay đến đó, miễn là các con được đi học” - ông Tứ phân trần. Quyết thế nhưng lúc nào ông cũng nơm nớp một nỗi lo: “Không biết cây cói có lên giá không chứ cứ như bây giờ thì vay rồi lấy đâu ra tiền mà trả?”.
Hoàn cảnh của chị Đỗ Thị Lụa (35 tuổi, xóm 9, Nga Liên) còn khó khăn hơn. Chồng bị bệnh lao qua đời, chưa trả xong nợ tiền thuốc men cho chồng chị đã phải đi vay tiền trang trải việc học cho con. “Không cho con đi học thì tội tụi nó nhưng với mùa màng như năm nay, không biết tôi có cáng đáng cho các con học tiếp được không nữa!”, chị nói, giọng nghèn nghẹn.
Mùa vừa rồi chị phải mướn người làm thuê, mỗi sào cói thu hoạch cũng chỉ dư dật được hai, ba trăm ngàn đồng. Chị định cho thằng lớn nghỉ học để đi làm lấy tiền nuôi hai em ăn học, nhưng nghĩ nó mới học chưa hết lớp 9 mà đã phải nghỉ học thì tội quá nên chị lại tiếp tục đi vay mượn! Biết chuyện, anh em nội ngoại mỗi người cũng góp cho chút ít để chị mua sách vở cho các con vào năm học mới.
Nguyễn Đông