Theo Channel News Asia, khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức ra mắt vào cuối năm 2015 sẽ có thêm 14 triệu việc làm cho khu vực ASEAN đến năm 2025. Các lao động tại ASEAN hiện đang chuẩn bị những kế hoạch để tiếp cận thị trường lao động mở tại khu vực được đánh giá là có mức tăng trưởng nhanh ở châu Á.
Một xưởng sản xuất ô tô tại Thái Lan.
Cơ hội thị trường lớn
Bác sĩ Nurul Huda Hassa, người đã có 11 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực y khoa tại Malaysia và hiện đang sở hữu một phòng mạch ở ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur rất háo hức với việc AEC ra đời. Cô mong muốn được thử làm việc Singapore và Indonesia để nâng cao thêm trình độ chuyên môn. Giống như bác sĩ Hassan, những lao động tay nghề cao đã sớm có kế hoạch chuẩn bị làm việc tại các quốc gia khác. Ngày càng đông các kỹ sư, kiến trúc sư đăng ký công nhận bằng cấp tại các quốc gia muốn đến làm việc. Hiện đã có 987 kỹ sư đăng ký với Ủy ban đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp tại ASEAN (ACPE) và 220 kiến trúc sư đăng ký với Ủy ban kiến trúc ASEAN (AA). Đây là 2 trong số 8 ngành nghề có chuyên môn cao nằm trong thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRA) của các nước ASEAN khi AEC thành lập.
Cách đây 11 năm, các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhất trí xây dựng một thị trường và cơ sở sản xuất chung thống nhất, với dòng chảy tự do của hàng hóa và dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề cao, thu hút đầu tư giữa các nước ASEAN, mang lại cơ hội lớn cho các nước thông qua một thị trường rộng lớn và bình đẳng với 600 triệu dân và tổng GDP mỗi năm khoảng 3.000 tỷ USD. Theo thống kê mới nhất, trung bình các nước ASEAN hoàn thành hơn 82% cam kết hình thành AEC.
Tập trung đào tạo nghề
Để chuẩn bị cho lao động có thể làm việc tại các nước trong ASEAN, Chính phủ Thái Lan sớm đẩy mạnh các chương trình đào tạo kỹ năng nhằm cải thiện chất lượng và đảm bảo nguồn nhân lực có thể cạnh tranh với những nước trong AEC. Thái Lan đã cho triển khai các chương trình đào tạo hướng nghiệp nhằm chuẩn bị cho việc nước này trở thành một trong những trung tâm đào tạo nghề nghiệp của ASEAN. Ủy ban giáo dục hướng nghiệp Thái Lan đã ký nhiều thỏa thuận về phát triển đào tạo kỹ năng với các nước ASEAN để đảm bảo đầu ra được công nhận trên toàn khu vực. Phía Thái Lan cũng chủ động sửa đổi chương trình giảng dạy ở các cấp giáo dục hướng nghiệp cho phù hợp với khu vực ASEAN. Việc sửa đổi tập trung vào ba lĩnh vực: ngôn ngữ, công nghệ thông tin và kỹ năng làm việc. Bên cạnh đó, Thái Lan đang tiến hành các biện pháp đồng bộ nhằm phổ biến về AEC cũng như hỗ trợ toàn diện cho các doanh nghiệp của mình.
Chính phủ Indonesia đã thành lập một ủy ban quốc gia để chuẩn bị cho AEC với nhiệm vụ phân tích, đánh giá và đề xuất những kiến nghị cần thiết để sẵn sàng vượt qua các thách thức, khó khăn; tận dụng và phát huy được tối đa những cơ hội và lợi ích to lớn mà AEC đem lại. Bộ Công nghiệp Indonesia thiết lập lộ trình cho những khu vực có khả năng phát triển mạnh khi AEC bắt đầu có hiệu lực. Đó là các ngành điện tử, ô tô, xi măng, dệt may, da giày, nông nghiệp, thủy sản, nội thất, thực phẩm, đồ uống.
Riêng đối với Singapore, chính phủ nước này đã soạn thảo một số biện pháp để bảo vệ nguồn lao động bản địa trước khi dòng chảy lao động từ các nước AEC đổ về nước này. Từ tháng 8-2014, các lao động tại Singapore phải đăng ký với ngân hàng làm việc của chính phủ 14 ngày trước khi họ được công nhận là lao động nước ngoài có kỹ thuật. Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore cho biết rất hoan nghênh những lao động nước ngoài có trình độ, nhất là trong bối cảnh Singapore đang bị thiếu hụt nguồn nhân lực nhưng lại không chấp nhận những người có ý thức kỷ luật kém.
THANH HẰNG (tổng hợp)