Một ngày như mọi ngày, ở ngoại ô TP Chiang Mai, Thái Lan, một nhóm gồm 12 lao động nhập cư trở về khu nhà tạm dựng từ những phế liệu kim loại sau một ngày lao động mệt nhoài ở công trình xây dựng. Họ sống qua ngày với những bữa ăn đơn giản cốt sao cho no bụng để đủ sức khỏe còn đi làm vào sáng sớm.
Đây là tình cảnh chung của nhiều lao động nhập cư “chui” tại Thái Lan. Đa phần trong số họ không có các giấy tờ hợp pháp để làm việc ở nước sở tại, không có bảo hiểm xã hội lẫn không có mức giá chung theo quy định về đồng lương trong lao động. Với trung bình 6 USD/ngày, chỉ đủ cho những lao động này sống cuộc sống tạm bợ.
Theo hãng tin IPS, ở Thái Lan, hiện có khoảng 2,5 triệu lao động nhập cư. Hơn 82% trong số họ đến từ Myanmar, 8,4% là người Lào và 9,5% là người Campuchia. Những người Myanmar chọn sang Thái Lan thường băng qua biên giới kiểm soát lỏng lẻo giữa hai nước để đáp ứng nhu cầu nhân lực tại đây và chạy trốn cảnh thất nghiệp. Có đến 75% trong số những người Myanmar là lao động bất hợp pháp. Không có tay nghề cao, trình độ học thức thấp, chính vì thế, họ dễ dàng trở thành những nạn nhân của những chủ sử dụng lao động. Phần lớn làm việc ở các ngành nặng về tay chân như xây dựng, chế biến hải sản và may mặc.
Một số trường hợp được ghi nhận là có lao động nhập cư bị chủ bạc đãi nhưng không bị truy cứu do những người này không có giấy tờ hợp pháp. Dẫu vậy, họ vẫn chấp nhận làm việc tại Thái Lan do không muốn trở về quê nhà.
Nhằm chấn chỉnh lại tình trạng lộn xộn trong việc thuê những người lao động nhập cư, Chính phủ Thái Lan đã đưa ra chính sách mới để bảo vệ các lao động này khi bắt buộc chủ doanh nghiệp phải mua bảo hiểm cho lao động nhập cư và con cái dưới 15 tuổi của họ như lao động trong nước. Theo quy định về mức bảo hiểm tối thiểu, người sử dụng lao động phải mua bảo hiểm không dưới 1.047 baht cho 1 người. Nếu vi phạm, các doanh nghiệp không được cấp phép sử dụng lao động nước ngoài cũng như sẽ bị từ chối gia hạn giấy phép cho người lao động nhập cư hiện tại.
Chương trình kiểm tra lao động trên toàn quốc của Thái Lan ra quy định yêu cầu những lao động nhập cư xin hộ chiếu tạm thời tại nước của họ để xin gia hạn hoặc nộp đơn xin giấy phép lao động tại Thái Lan. Nếu được xác nhận là lao động nhập cư hợp pháp, họ sẽ được hưởng các quyền lao động như công dân Thái Lan, kể cả việc tăng lương tối thiểu lên 35% áp dụng với những người làm việc tại một số khu vực. Còn nếu không thực hiện, họ sẽ bị trục xuất.
Tuy nhiên, vẫn còn một số chủ doanh nghiệp Thái Lan vẫn lách luật vì muốn đảm bảo cho công việc kinh doanh của mình có thêm nhiều lợi nhuận. Bên cạnh đó, các công ty môi giới ở Myanmar hoạt động dưới danh nghĩa là giới thiệu lao động trong nước sang Thái Lan làm việc lại sẵn sàng bỏ qua những thủ tục cần thiết để tăng doanh thu. Những công ty này lấy lệ phí cắt cổ, không mở các lớp đào tạo tiếng, kỹ năng lao động và tổ chức những chuyến đi “chui” cho những lao động cần việc làm.
Tình trạng tràn lan này buộc Chính phủ Myanmar phải vào cuộc. Bộ Lao động Myanmar đã cấm 12 công ty môi giới hoạt động và thông báo sẽ tiếp tục rà soát tình trạng đưa người lao động sang Thái Lan làm việc bất hợp pháp.
Theo các chuyên gia, với những quy định mới, có thể người lao động muốn làm việc “chui” tại Thái Lan sẽ gặp khó vì các thủ tục tương đối rườm rà nhưng dẫu sao đây vẫn là những biện pháp bảo vệ họ khỏi sự mất công bằng trong lao động.
THANH HẰNG