Lao động phương Tây đổ về Trung Quốc

Theo truyền thống, dòng lao động từ các nước đang phát triển sẽ đổ xô đến phương Tây tìm việc làm. Tuy nhiên, trong khi châu Âu vẫn chưa tìm được lối ra cho cuộc khủng hoảng nợ công, thì Trung Quốc, nền kinh tế dẫn đầu ở châu Á đang thu hút số lao động đến từ phương Tây nhiều chưa từng có.

Là thị trường đang phát triển lớn nhất thế giới, Trung Quốc trở thành điểm đến hấp dẫn đối với lao động phương Tây. Theo thống kê mới nhất, có khoảng 600.000 người nước ngoài đang sinh sống và làm việc ở Trung Quốc. Ian Hoorneman, Thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Trường ĐH Harvard ở Mỹ đến Bắc Kinh từ năm 2009 và hiện đang là cố vấn và điều phối viên cho các thương vụ quốc tế tại Trường Hoàng gia Bắc Kinh. Mặc dù lương của Hoorneman không cao như mức thu nhập tại trung tâm giáo dục riêng của anh tại Mỹ, nhưng anh tin rằng thị trường giáo dục Trung Quốc nhiều hứa hẹn.

Theo Hoorneman, trong 20 năm tới, anh sẽ kiếm được tiền nhiều hơn đã từng kiếm được ở Mỹ. Nhiều công ty dịch vụ việc làm cũng đã lưu ý rằng càng có nhiều người đang xem Trung Quốc là nơi hứa hẹn “đất lành chim đậu”. Số lao động nước ngoài đến Trung Quốc ngày càng tăng nhanh trong những năm gần đây buộc Chính phủ Trung Quốc năm ngoái phải đưa lực lượng này vào hệ thống an sinh xã hội.

Theo China Daily, mỗi năm có hơn 2,85 triệu người nước ngoài đến Trung Quốc tìm việc. Họ là những di dân có tay nghề cao từ các nước phát triển tại châu Âu, Bắc Mỹ và Australia. Theo Feng Lijuan, Giám đốc tư vấn của 51job.com, một công ty cung cấp nguồn nhân lực ở Trung Quốc, số nhân lực nước ngoài mà công ty này đang nắm giữ hiện lên đến 300.000 người, tăng 150% so với cuối năm 2008.

Đầu tháng 1 vừa qua, trang web của bà Feng Lijuan đã giới thiệu được 65.000 cơ hội việc làm cho các chuyên gia nước ngoài, tăng 20% so với năm ngoái. Hầu hết các việc làm được giới thiệu đều có liên quan đến lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, khách sạn, năng lượng, bảo vệ môi trường, điện tử và sản xuất xe hơi…

Mặc dù lao động từ các nước Đông Nam Á thích nghi dễ dàng với các vị trí được tuyển dụng vì họ có những giá trị và nền văn hóa tương đồng với người Trung Quốc, nhưng các doanh nghiệp Trung Quốc lại rất “khao khát” lực lượng chuyên gia đến từ Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Những chuyên gia nước ngoài này luôn được tuyển dụng để lãnh đạo hay quản lý một bộ phận trong công ty, có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực tại địa phương.

Không chỉ có dòng người tìm việc, thị trường việc làm Trung Quốc cũng đang đón nhận dòng sinh viên nước ngoài đổ về nước này thực tập. Theo Cao Enyu, Giám đốc Phát triển kinh doanh ở Getin2China Group, một công ty dịch vụ sinh viên thực tập ở Bắc Kinh cho biết, xu hướng này ngày càng phổ biến.

Nhiều sinh viên đại học ở Mỹ và châu Âu muốn đến Trung Quốc thực tập để hy vọng có cơ hội kiếm được việc làm ở đây khi nền kinh tế quê nhà đang kiệt quệ. Khoảng 30% sinh viên thực tập nước ngoài được tuyển dụng làm việc tại Trung Quốc. Một số trở về nước và lại làm việc cho các công ty có làm ăn với Trung Quốc.

Hạnh Chi

Tin cùng chuyên mục