Trong một bản thông cáo công bố ngày 26-11-2012, Tập đoàn điện tử Samsung của Hàn Quốc xác nhận tại các xưởng gia công cho Samsung ở Trung Quốc không có vấn đề trẻ em lao động. Tuy nhiên, tập đoàn này đã phát hiện ra nhiều “hành vi không thích hợp”.
Samsung lên ghế nóng
Thực trạng các công ty đối tác của nước ngoài tại Trung Quốc vi phạm luật lao động ngày càng diễn ra nhiều và mức độ càng tăng khi áp lực doanh thu ngày càng cao. Cách đây không lâu, đã có nhiều cuộc biểu tình của các công nhân tại một số nhà máy liên doanh với nước ngoài ở miền Nam Trung Quốc. Nay đến lượt Samsung.
Đài quốc tế Pháp ngữ (RFI) dẫn thông cáo của hãng Samsung cho biết, đang có các biện pháp nhằm đảm bảo các nhà máy của hãng này thuê mướn lao động Trung Quốc phải tuân thủ luật lao động nước này. Samsung đã kiểm tra 105 công ty đối tác của họ tại Trung Quốc với tổng cộng 65.000 công nhân sau khi có thông tin cho rằng một trong các công ty này sử dụng lao động trẻ em.
Tuy kết quả cho thấy không có lao động trẻ em, nhưng có tình trạng làm thêm giờ quá thời hạn quy định cũng như tồn tại hệ thống các hình phạt nặng nề đối với công nhân trễ giờ hay vắng mặt. Samsung có kế hoạch lắp đặt máy kiểm tra thẻ chứng minh thư giả đề phòng lao động trẻ em, những điều bất hợp lý trong hợp đồng lao động bị loại bỏ và hệ thống phạt cũng bị bãi bỏ.
Ngoài ra, Samsung chủ trương thuê thêm công nhân chứ không tăng quá nhiều giờ làm thêm. Samsung cho biết sẽ ưu tiên đưa ra những biện pháp giới hạn giờ làm thêm và sẽ thực hiện từ đây đến năm 2014. Công ty nào thuê trẻ vị thành niên sẽ bị chấm dứt hợp đồng.
Trước đó, Tổ chức phi chính phủ bảo vệ người lao động, China Labour Watch, trụ sở tại New York, hồi tháng 9-2012 đã cáo buộc các cơ xưởng sản xuất cho Samsung ở Trung Quốc là thuê mướn lao động vị thành niên. Tổ chức này còn nêu bật tình trạng lượng giờ phụ trội cao hơn gấp 5 lần số thời gian luật định, và nhiều trường hợp vi phạm luật lao động. Ngoài số 105 công ty nói trên mà Samsung là khách hàng độc quyền, từ đây đến cuối năm, tập đoàn Hàn Quốc còn sẽ điều tra 144 công ty cung ứng khác được họ thuê gia công.
Áp lực công việc dẫn đến tai nạn lao động
Dân số đông nhất thế giới nên áp lực tìm việc của người lao động Trung Quốc rất lớn. Điều đó khiến các công ty nước ngoài mặc sức o ép người lao động. Hậu quả, theo những kết quả điều tra còn giới hạn, chỉ riêng tại Quảng Đông, hàng năm có hơn 60.000 nhân công bị tàn phế vì tai nạn lao động. Nạn nhân chủ yếu là thành phần nông dân không còn đất di cư lên thành phố kiếm sống, theo ước lượng có thể lên đến 250 triệu hay 300 triệu người.
Với lượng nhân công rẻ mạt này, giới chủ ngày càng có nhiều biện pháp bóc lột trong khi vai trò của công đoàn còn hạn chế. Điều kiện về an toàn lao động không được chú trọng cộng với sự mệt mỏi là những nguyên nhân gây ra tai nạn tại xưởng máy.
Theo nhật báo South China Morning Post, gần đây nhất là trường hợp một nữ nhân công của một hãng luyện kim. Cô gái bị máy cuốn cụt một tay phải giải phẫu 7 lần. Trong thời gian điều trị và nhiều lần bị hôn mê, nạn nhân không được tái ký hợp đồng với công ty và chủ lao động chỉ trả một nửa khoản tiền thuốc men, viện phí.
Bộ Xã hội Trung Quốc cho biết trong năm 2011 có 8,2 triệu người bị tàn phế do tai nạn lao động trên toàn quốc. Trong số này có 2,9 triệu được nhà nước trợ giúp tiền thuốc men. Tuy nhiên, theo các công đoàn lao động, con số thực tế có thể cao hơn rất nhiều vì nhiều trường hợp các công ty sử dụng lao động không báo cáo tai nạn lao động, nhất là những công ty ma.
KHÁNH MINH tổng hợp