Lão ngư mù “nói phải củ cải cũng nghe”

Cả cuộc đời chìm trong bóng tối bởi căn bệnh mù lòa nhưng lão ông Dương Khư (Thanh Bình, Quảng Xuân, Quảng Trạch, Quảng Bình) vẫn bám biển mưu sinh. Ông không vợ con nên cuộc đời càng quay quắt khốn khó. Ấy vậy mà đằng sau đôi mắt mù là cả một cuộc đời sôi động: ông từng làm bí thư chi đoàn, cùng tham gia đội quân làm các công trình thủy lợi lớn. Xế chiều bóng tuổi, ông vẫn kiếm sống trước biển làng để không trở thành gánh nặng của xóm thôn.
Lão ngư mù “nói phải củ cải cũng nghe”

Cả cuộc đời chìm trong bóng tối bởi căn bệnh mù lòa nhưng lão ông Dương Khư (Thanh Bình, Quảng Xuân, Quảng Trạch, Quảng Bình) vẫn bám biển mưu sinh. Ông không vợ con nên cuộc đời càng quay quắt khốn khó. Ấy vậy mà đằng sau đôi mắt mù là cả một cuộc đời sôi động: ông từng làm bí thư chi đoàn, cùng tham gia đội quân làm các công trình thủy lợi lớn. Xế chiều bóng tuổi, ông vẫn kiếm sống trước biển làng để không trở thành gánh nặng của xóm thôn.

        Trai tráng sôi động

Ở trong căn nhà tình nghĩa đoạn cuối làng, lão ông Dương Khư năm nay 78 tuổi. Nghe bước chân khách đi vào, ông đứng dậy mời chào, lần mò từng bước để rót nước mời khách. Ông nói: “Nhà mới được xã xây tặng nên chưa quen, chú thông cảm, có nước uống nước, có cơm ăn cơm với tui cho vui”. Ông nói tự nhiên, miệng móm mém cười, đôi mắt tối hẳn từ lâu nhưng ông vẫn còn nhớ bao tiếng nói sôi nổi thuở thanh niên.

Gợi chuyện xưa, ông kể: “Năm 1955 đến 1960, tui được bầu làm Phó Bí thư chi đoàn. Ngày xưa chi đoàn làm việc nghiêm túc, đâu ra đấy. Làm tốt nên tui được bầu làm Bí thư chi đoàn của thôn, quản gần trăm đoàn viên. Tuy đông, lại bị mù, làng cát không có đường nhưng tui vẫn chỉ đạo phong trào đoàn nhất xã, nhất huyện. Hồi nớ nghe tui là anh mù làm Bí thư chi đoàn, Trung ương Đoàn cử người vô thăm, tặng bằng khen, động viên phấn đấu hơn nữa để phát triển quê hương, chỉ đạo cùng địa phương tham gia sản xuất. Tui thề danh dự trước cờ Tổ quốc bay phần phật bên tai, tui vung tay thề thì chi đoàn làng tui cũng vung tay thề, thủ lĩnh tuy mù nhưng cả gần trăm đoàn viên sáng mắt”.

Với lão ngư mù, chiếc mảng là người bạn thân thiết.

Với lão ngư mù, chiếc mảng là người bạn thân thiết.

Tôi hỏi ông làm sao triệu tập họp, làm sao ông có thể tham gia các phong trào Đoàn như vệ sinh thôn xóm, thủy lợi để anh em noi gương? Lão ông Dương Khư không chần chừ, giọng sôi nổi: “Tui có cách nói cuốn hút anh em, “nói phải củ cải cũng nghe” nên ai cũng vì màu cờ sắc áo thôn quê. Tui không gánh gồng được nhưng biết dùng xẻng đào đất, lại dùng gàu tát nước được. Đi trên đồng tui nghe tiếng nước chảy, hay tiếng người đi trước mà theo nên không ngã, tui ngửi được hương đồng mùa gieo là răng, mùa xanh thì con gái là răng, tui hiểu được lúa trổ đồng qua mùi hương, mùi lúa chín tui cũng ngửi ra, thành thử đoàn viên không qua mắt tui thời hợp tác xã được. Họ làm được, tui cũng làm được, có khi ghi công điểm còn hơn nên mới thành thủ lĩnh. Còn hội họp, tui đi từng xóm, từng nhà triệu tập họp, ngày xưa làng không có xe máy, không có xe đạp vì là làng cát, đường cát khắp nơi nên tui đi từng nhà, nói ngày giờ họp là anh em đến nhà tui họp đầy đủ”.

Ông Khư không biết chữ, không biết viết nhưng có kỳ tài nhớ tên qua giọng nói. Và ông điểm danh đoàn viên đến họp bữa nào cũng chỉn chu. Ông kể, có bữa mấy bạn đoàn viên không đi, lại nhờ người điểm danh thay, tui nghe giọng trầm lặp lại mấy lần nên biết ngay và bắt viết tường trình, kiểm điểm. Sau đó tình trạng ấy thôi hẳn.

Thời tỉnh Quảng Bình thực hiện đại công trình thủy nông hồ chứa nước Cẩm Ly, ông xung phong đi bộ từ quê nhà vào miền núi huyện Quảng Ninh làm tình nguyện. Đoàn viên trong thôn ngại không ai đi, nhưng ông một mình xung phong, ngày đi một mình giữa đường xa ngái cả trăm cây số, ông vẫn phăm phăm cùng cây gậy và cái xẻng. Thấy thủ lĩnh của mình tàn nhưng không phế, đoàn viên của thôn tự động theo ông, hăm hở tham gia đại công trình thủy nông Cẩm Ly từ những năm 1970.

        Bám biển mưu sinh

Tham gia những công trình thủy nông xong, lại đi gùi bom đạn, đến lúc trở về mảnh làng cát ven biển của mình, Dương Khư đã quá lứa lỡ thì, chẳng ai tìm đến mà ông có đi “tán” người kiếm vợ cũng khó, bởi người đời xa lánh một nhân thế mù như ông.

Thế là ông cô đơn, ở một mình, hát một mình những bài hát từ ngày còn làm thủ lĩnh đoàn. Bỗng một hôm, vì tiếng hát véo von trên cát mà làng bên có cô Nụ thọt chân đến tìm hiểu. Họ đã chọn cách ở với nhau, chỉ xin trưởng thôn với Bí thư chi bộ cho công bố là được, vậy mà người đàn bà xin ở với ông không biết vì sao, sau mấy tháng đã bỏ ông ra đi, qua phía bên kia đèo Ngang lấy chồng. Ông bực, không đi tìm từ đó đến nay cũng đã hơn 30 năm.

Vắng người yêu thương, ông nhớ đến nghề biển ngày xưa từng theo cha đi làm để mưu sinh. Từ nhà ông ra biển hơn 2 cây số, ông lầm lũi trên cát mỗi ngày. Một mình đi biển, một mình đóng mảng đưa ra biển đánh bắt gần bờ bằng lưới. Chiếc mảng của ông để khép nép trên cát, ở đó có cái thúng nhỏ đựng cá, đựng lưới, một mái chầm để chèo. Cách đánh bắt của ông đơn giản, kéo mảng xuống biển, chèo ra chừng mấy trăm mét, thả lưới, đoạn mút lưới ông nối vào mảng, chờ hồi lâu lại phăn lưới, mỗi ngày mùa hè ông kiếm vài chục ngàn đồng mua gạo. Người phe cá trên bờ đợi ông lên là mua hết cho ông bất cứ thứ gì, thường họ trả cao hơn những gì ông có, bởi làng cát với nhau họ thương lão mù cực nhọc mưu sinh.

Đó là bữa mùa hè nắng chói đánh bắt được, mùa đông gió quất, ông bó gối ở nhà. Thấy vậy, ông được đội đánh lộng gần bờ trong làng thâu nạp vào nghề kéo lưới tủ trên bờ. Nghề lưới tủ cần 20 người, đánh cách bờ 200m, trên thuyền chài có chục người phăn lưới, trên bờ có chục người kéo lưới hình chữ X để khép lưới, ông lão Khư được chọn nơi đứng trung tâm để động viên người kéo lưới. Mỗi ngày làm lưới kéo gần bờ ông được chia có bữa 50.000 đồng, bữa ít thì 10.000, đủ mua gạo về nhà nấu ăn.

Cái bếp của ông, người làng thương tình mua cho bếp dầu để nấu, sau thấy già cả vụng lửa, bữa cơm cháy, bữa cơm khê, xóm giềng kề cạnh đã nhận nấu cho ông ăn vì thương.

Bớt phần khó nhọc nấu cơm, ông đầu tư mạnh hơn với biển, bữa chúng tôi đến thăm, ông mải mê chèo mảng trên biển với sóng cồn. Trời nắng chang như bốc lửa, cát hầm hập cháy lột da chân, đeo cả dép vào cát vẫn tràn vào đốt nóng gan bàn chân, ấy vậy mà lão ông Dương Khư vẫn chân trần lội cát. Bàn chân của ông từ nhỏ đến lớn chưa một ngày mang dép nên đã quen với cái nóng của cát bỏng rát. Bữa biển của ông bắt đầu như thế, chống chọi với cát và sóng gần bờ để tìm kiếm cách thức mưu sinh bằng sức lực riêng mình.

Dụng cụ biển của ông từ lưới cá đến đồ nghề đều để ngoài bờ biển, ông chỉ đi vào hoặc đi ra tay không. Người làng hoặc lũ trẻ thương ông không phá dụng cụ, thậm chí có khi còn giúp ông đưa mảng, đưa lưới vào sâu trong bờ tránh bão bởi quý ông, thương ông. Hỏi vì sao ông có thể biết hướng để vào bờ, ông trả lời không đắn đo, ở bờ có tiếng sóng vỗ, biển có lặng mấy vẫn rì rào phía bờ, theo tiếng ấy mà vô. Ông đi từ nhà ra biển bao nhiêu hàng dương ken dày, vậy mà không vấp. Kỹ năng và bí quyết của ông là nghe tiếng gió, cây cối thường cản gió và phát tiếng vi vu xào xác, hồi nhỏ đi vấp váp, càng lớn ông càng luyện cách nghe tiếng gió thuần thục để đối ứng với chúng. Kỳ tài.

Người làng ông còn kể, ngày xưa trai trẻ, Hợp tác xã cá Thanh Bình còn chọn ông làm người tìm cá, bởi ông có biệt tài lặn biển “nghe” luồng cá đi. Ông nghe tiếng luồng nước biển rào rào như đàn ong bay xa trên rừng, nghe tiếng đàn cá hố quẫy nước như tiếng mưa rào, nghe tiếng cá chuồn chuẩn bị bay lên mặt nước như đàn châu chấu tấn công ruộng lúa. Nay tuổi cao, ông chỉ còn lại nghề đi mảng và nghề lưới tủ, ông nói: “Sức cuối đời chỉ biết đi gần bờ để kiếm ăn thôi. Tui chẳng bao giờ đi xin, phải biết làm thì mới có gạo cho bữa trưa và bữa tối, bữa sáng phải nhịn miệng cho mùa đông mưa bão mà đắp đổi qua ngày”. Thật là bản lĩnh của một thủ lĩnh Đoàn còn “cường tráng” trong ông.

MINH PHONG

Tin cùng chuyên mục