Chiều 20-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quản lý thuế sửa đổi. Trình bày Tờ trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, qua rà soát, có 108 điều quy định trong Luật Quản lý thuế hiện hành cần được điều chỉnh, chiếm khoảng 90% tổng số điều.
Nhiều nội dung quan trọng đối với công tác quản lý thuế như: nguyên tắc quản lý, trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan có liên quan, cải cách hành chính trong quản lý thuế, chứng từ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, chống chuyển giá, xói mòn cơ sở thuế... cần được bổ sung, sửa đổi.
Trong đó, một số sửa đổi đáng chú ý là dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) quy định tập trung thẩm quyền xóa nợ cho Bộ trưởng Bộ Tài chính và cơ quan quản lý thuế. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính xóa nợ từ 5 tỷ đồng trở lên. Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan xóa nợ từ 1 tỷ đồng đến dưới 5 tỷ đồng. Đồng thời, bổ sung quy định phân cấp cho Cục trưởng Cục thuế và Cục trưởng Cục Hải quan xóa nợ đối với trường hợp nợ dưới 1 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, liên quan đến điều tra thuế, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trình bày, theo quy định pháp luật hiện hành, cơ quan hải quan có chức năng điều tra và khởi tố vụ án, tuy nhiên đối với cơ quan thuế thì không có chức năng này. Qua rà soát các văn bản pháp luật, Chính phủ thấy rằng các văn bản pháp luật (Luật Tố tụng hình sự) không quy định cơ quan thuế có chức năng điều tra, khởi tố vụ án.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga: việc lập cơ quan điều tra thuế không phải là tránh hình sự hóa mà ngược lại, chính là hình sự hóa hoạt động kinh tế, bởi nếu được trao chức năng “như cơ quan hải quan” đồng nghĩa với việc có quyền khởi tố khám xét điều tra ban đầu. |
Loại ý kiến thứ 2, để tăng cường thẩm quyền cho cơ quan thuế thực thi công tác quản lý thuế có hiệu quả, mặt khác để giảm áp lực hình sự hóa các hoạt động kinh tế, theo kinh nghiệm quốc tế, đề nghị cần bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan thuế tương tự như cơ quan hải quan.
Do có những ý kiến khác nhau, Chính phủ đưa ra 2 phương án và để ngỏ khả năng lập cơ quan điều tra thuế, cụ thể: “trường hợp Quốc hội quyết định bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan thuế, Chính phủ sẽ bổ sung 1 chương riêng để quy định nội dung này. Mặt khác, để chuẩn bị lực lượng và các điều kiện cần thiết cho công tác điều tra thuế, trình Quốc hội cho phép thực hiện từ ngày 1-1-2022".
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (cơ quan thẩm tra dự án luật) Nguyễn Đức Hải cho biết, do Chính phủ đang trình theo phương án chưa trao chức năng điều tra thuế cho cơ quan quản lý thuế trong dự thảo luật nên đa số ý kiến trong Thường trực ủy ban đề nghị không tiến hành thẩm tra nội dung này.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, đây là nội dung không mới. Người đứng đầu Ủy ban Tư pháp phát biểu: “Năm 2006, tức là từ 12 năm trước đã xảy ra tranh cãi đến mức có người gần như bị sốc về việc có hay không có cơ quan điều tra thuế. Lúc đó Bộ Tài chính có ý kiến tương tự loại ý kiến thứ hai tại tờ trình của Chính phủ, nghĩa là bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan thuế tương tự như cơ quan hải quan, nhưng Ủy ban Pháp luật khi đó không đồng ý. Tranh cãi hơn chục năm giờ lại đưa quay trở lại vấn đề này”.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, việc lập cơ quan điều tra thuế không phải là tránh hình sự hóa mà ngược lại, chính là hình sự hóa hoạt động kinh tế, bởi nếu được trao chức năng “như cơ quan hải quan” đồng nghĩa với việc có quyền khởi tố khám xét điều tra ban đầu. Đây là hoạt động sẽ đụng chạm đến quyền con người quyền công dân rất lớn.
"Chúng tôi cho rằng không nên có, không nên đặt lại vấn đề cơ quan điều tra thuế. Không thể nhà nhà làm điều tra, người người làm điều tra, động chạm rất lớn đến quyền con người, quyền công dân", bà Lê Thị Nga thẳng thắn bình luận. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đồng tình với quan điểm này.