>> Quảng Bình: Xuất hiện nước biển màu đỏ, cá vẫn tiếp tục chết dạt vào bờ
(SGGP).- Báo cáo tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ diễn ra ngày 4-5, Bộ KH-ĐT cho rằng, tình hình thủy hải sản chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung trong những ngày gần đây có thể sẽ tác động tới giá các mặt hàng thực phẩm khác.
Bộ KH-ĐT kiến nghị, đối với hiện tượng cá chết hàng loạt tại các tỉnh ven biển miền Trung, cần thực hiện 5 giải pháp sau. Thứ nhất, các cấp chính quyền tỉnh, huyện, xã liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc thu gom và tiêu hủy cá chết. Nghiêm cấm và xử lý nghiêm khắc những trường hợp mua bán, sử dụng, chế biến từ cá chết do ô nhiễm.
Các cán bộ Bộ TN-MT và chuyên gia quốc tế lấy mẫu nước màu đỏ tại biển Nhân Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình (Ảnh: MINH PHONG)
Thứ hai, trên cơ sở kết quả nghiên cứu bước đầu về nguyên nhân gây ô nhiễm, các cơ quan chức năng cần khẩn trương nghiên cứu, phân tích, sớm tìm ra nguyên nhân cụ thể.
Thứ ba, trên cơ sở đó, kiến nghị Chính phủ các giải pháp, chính sách khắc phục. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm. Đồng thời, tuyên truyền rộng rãi, đúng mức về tình hình, tác hại, các biện pháp phục hồi sản xuất, đánh bắt, môi trường thủy hải sản, công nghiệp chế biến sản phẩm từ thủy, hải sản, phát triển du lịch biển ở những vùng bị ô nhiễm.
Thứ tư, các địa phương tiến hành thống kê, trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ thiệt hại cho người nuôi trồng, đánh bắt hải sản. Phối hợp với cơ quan chuyên ngành tổ chức hướng dẫn người nuôi trồng thủy sản thường xuyên theo dõi, phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường của môi trường nuôi.
Thứ năm, khuyến cáo người nuôi trồng tạm thời chưa thả giống, không lấy nước vào ao, đầm nuôi vùng bị ô nhiễm trong khi chờ xác định rõ nguyên nhân.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH-CN đã thành lập Hội đồng chuyên gia KH-CN cấp quốc gia do GS-VS Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam làm Chủ tịch, để phân tích, đánh giá nguyên nhân hiện tượng hải sản chết bất thường ở miền Trung thời gian qua. Hội đồng gồm 3 tổ nghiên cứu mang tính liên ngành, tập hợp các nhà khoa học từ các cơ quan khác nhau để tiếp tục phối hợp, đối chứng kết quả phân tích và tập trung đi sâu vào các hướng nghiên cứu về tác nhân hóa học, sinh học, khí tượng - thủy văn và động lực học biển.
Ngày 2-5 vừa qua, thay mặt hội đồng, GS-VS Châu Văn Minh đã gặp gỡ, làm việc với các chuyên gia quốc tế đến từ Đức, Mỹ, Israel để thảo luận kế hoạch phối hợp trong việc tìm ra nguyên nhân hiện tượng hải sản chết bất thường.
Theo Bộ KH-CN, nhằm phân tích nguyên nhân của hiện tượng hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh miền Trung, cho đến nay đã có sự vào cuộc của gần 100 chuyên gia từ hơn 30 viện nghiên cứu, trường đại học trong nước liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm: nuôi trồng thủy sản, môi trường, địa chất - địa vật lý biển, hóa học, cơ học, công nghệ vũ trụ, kiểm định an toàn vệ sinh thực phẩm, hóa dầu, khai thác khoáng sản...
Các chuyên gia đã tiến hành lấy hàng trăm mẫu để phân tích ngay từ ngày 7-4, bao gồm: mẫu cá chết trên biển, mẫu cá chết trong lồng, mẫu nước, mẫu trầm tích, sinh vật phù du… để phân tích độc tố, bệnh dịch thủy sản, sự hiện diện của tảo độc, các thông số về môi trường nước; số liệu về động đất từ ngày 6-4 để phân tích sự hiện diện của hiện tượng sốc nhiệt và các ảnh hưởng khác do động đất gây ra; số liệu về viễn thám từ ngày 1-4 để phân tích dòng chảy, nhiệt độ, hàm lượng chlorophylla, sự hiện diện của dầu loang. Các mẫu được phân tích tại các phòng thí nghiệm với các hệ thống máy móc hiện đại của các nước tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản và Thụy Sĩ.
Các nhà khoa học đã đánh giá một cách khách quan, toàn diện các nguyên nhân khác nhau có thể dẫn đến tình trạng hải sản chết bất thường, bước đầu loại trừ một số nguyên nhân từ bệnh dịch, dầu loang, hiện tượng sốc nhiệt và các ảnh hưởng khác do động đất gây ra. Hai nguyên nhân đang được tập trung phân tích, đối chứng kết quả và đánh giá gồm nguyên nhân sinh học và hóa học.
NHÓM PV
Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại Formosa Hà Tĩnh
(SGGP). - Chiều 4-5, đoàn kiểm tra liên ngành gồm Bộ TN-MT, Bộ NN-PTNT, Bộ KH-CN, Bộ Xây dựng, Bộ Công thương cùng đại diện Bộ Công an, Bộ Quốc phòng… và các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực môi trường biển trong và ngoài nước đã bắt đầu vào kiểm tra về tình hình thực hiện công tác chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, quy trình xả thải (nước thải, khí thải và chất thải rắn) của dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh và một số dự án trong địa bàn Khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
Ngày 28-4, Bộ trưởng Bộ TN - MT Trần Hồng Hà và đoàn công tác vào kiểm tra hệ thống xả thải Dự án Formosa Hà Tĩnh
Đoàn kiểm tra lần này gồm 6 tổ sẽ tiến hành kiểm tra thực tế hoạt động bảo vệ môi trường của các đơn vị tại Khu kinh tế Vũng Áng, như: Khu liên hợp gang thép Formosa Hà Tĩnh và các nhà thầu của Công ty Formosa Hà Tĩnh, Công ty Điện lực Dầu khí Vũng Áng, Trung tâm dịch vụ và hạ tầng Khu kinh tế Vũng Áng… Theo kế hoạch, đoàn chia làm những tổ kiểm tra nhiều nội dung. Riêng trong ngày đầu tiên, các thành viên trong đoàn đã nghe Công ty Formosa Hà Tĩnh báo cáo về tình hình thực hiện công tác bảo vệ môi trường và tiến độ triển khai dự án.
Những ngày tiếp theo, các tổ sẽ kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với các nhà máy luyện gang, thép, phân tách khí...; kiểm tra hoạt động xuất nhập khẩu, mua bán hóa chất, rửa đường ống...; kiểm tra các công trình thu gom, xử lý nước thải; kiểm tra hoạt động bảo vệ môi trường của nhà máy nhiệt điện - tổ máy 1 của Formosa Hà Tĩnh, các công trình phụ trợ khác của Formosa Hà Tĩnh và Công ty Điện lực Dầu khí Vũng Áng; kiểm tra đối với xưởng bảo dưỡng thiết bị, cảng Sơn Dương, nhà máy cán thép - phôi nhập khẩu của Formosa Hà Tĩnh; các công trình phụ trợ của Formosa Hà Tĩnh, Trung tâm dịch vụ và hạ tầng Khu kinh tế Vũng Áng... Dự kiến, đến ngày 7-5, đoàn kiểm tra liên ngành tiếp tục làm việc với Công ty Formosa Hà Tĩnh về biên bản kiểm tra và ký biên bản kiểm tra để hoàn tất công việc.
DƯƠNG QUANG
|