Lây lất thư viện quận huyện

Đìu hiu, biến dạng
Lây lất thư viện quận huyện

Hiện nay, người dân có thể vào mạng truy cập đọc sách báo, tra cứu tài liệu dễ dàng và nhanh chóng. Do vậy, tại TPHCM, các thư viện quận - huyện đã rơi vào cảnh đìu hiu. Nằm ngay mặt tiền đường và có khuôn viên rộng, nhiều thư viện tồn tại lây lất bằng cách cho thuê mặt bằng...

Dù trong giờ hành chính nhưng Thư viện quận 8 đóng cửa im ỉm. (Ảnh chụp lúc 10 giờ ngày 23-9).

Dù trong giờ hành chính nhưng Thư viện quận 8 đóng cửa im ỉm. (Ảnh chụp lúc 10 giờ ngày 23-9).

Đìu hiu, biến dạng

Trước đây, nhiều quận - huyện quan tâm dành nhà đất rộng rãi thoáng mát làm thư viện, nhằm tạo không gian yên tĩnh cho người dân đến ngồi đọc sách. Nhưng nay, hầu hết thư viện quận - huyện không có người lui tới. Thư viện nằm trong Trung tâm Văn hóa quận 3 chỉ có một góc trong Nhà truyền thống. Phía trước thư viện đã được tận dụng làm nơi buôn bán tạp hóa, nước uống... Quan sát cả một ngày, chúng tôi không thấy bóng dáng người nào đến đọc sách báo hay mượn về. Tương tự, Thư viện quận 6 nằm trong công viên Phú Lâm cũng luôn vắng người đọc. Không ai vào nên Thư viện quận 8 thường xuyên đóng cửa nghỉ sớm. Khi chúng tôi đến vào lúc 10 giờ sáng, Thư viện quận 8 đã đóng cửa im ỉm. Hỏi thăm người dân gần đó, mới hay muốn vào thư viện phải đi cổng sau. Một người cho biết: “Thư viện này có ai lui tới đọc sách đâu. Sáng mở ra được một chút, lại đóng cửa cho tới chiều. Với lại sách chẳng bao nhiêu nên nếu muốn mượn đọc cũng không có sách cần tìm. Thật là lãng phí mặt bằng và trả lương cho nhân viên mà không hữu ích gì cho dân”.

Ghé Thư viện quận 5, chúng tôi thấy có vài thiếu nhi đang ở trong phòng đọc sách, nhưng không phải đọc sách mà là chơi game, do ở đây có dịch vụ Internet thu phí. Bác Nguyễn Văn Thành, cán bộ hưu trí, phàn nàn: “Đây là thư viện chứ đâu phải tiệm chơi game. Dịch vụ Internet được sử dụng để truy cập, tra cứu tài liệu... mà giờ đây thư viện trưng dụng làm máy cho trẻ em thuê chơi game. Vừa chơi game, các cháu luôn miệng hò hét. Đã vậy, nhiều bữa, nơi đây lại có hội chợ mở nhạc ầm ĩ. Thư viện không còn là nơi yên tĩnh đọc sách báo nữa”.

Trong hệ thống thư viện quận - huyện tại TPHCM có thể nói hoành tráng nhất là Thư viện quận Tân Bình (đường Nguyễn Hiến Lê) có khuôn viên rất rộng với nhiều tán cây xanh. Phòng đọc cũng được xây dựng rộng rãi với nhiều bàn ghế dành cho người đọc. Ghé thăm Thư viện quận Tân Bình, chúng tôi thấy có nhiều xe máy đậu trong khuôn viên nên cứ tưởng thư viện này vẫn thu hút được người đọc. Tuy nhiên, khi bước vào bên trong thư viện, chỉ thấy có một người quản thư đang ngồi lặng lẽ với máy tính mà không có ai khác. Hỏi ra mới hay toàn bộ xe máy đậu ở bãi giữ xe trong khuôn viên thư viện là của học sinh Trường THPT Nguyễn Chí Thanh và khách của quán cà phê Mai Ka mở ngay trong khuôn viên thư viện. Quán cà phê chiếm hết ¼ mặt bằng khuôn viên, đang mở nhạc ầm ĩ. Nhiều thanh niên ngồi uống cà phê vô tư la hét, đùa giỡn ồn ào.

Loay hoay tìm phương án

Tận dụng vị trí mặt tiền đường, nhiều thư viện trưng dụng mặt bằng để cho thuê kinh doanh. Chủ cửa hàng kinh doanh đặt bảng hiệu to che khuất bảng hiệu thư viện nhưng hình như cũng chẳng ai thấy khó chịu, bởi thư viện đã không còn là điểm đến của cư dân địa phương. Có diện tích khá lớn và mặt tiền rộng rãi, Thư viện quận Bình Thạnh (đường Đinh Tiên Hoàng) đã xẻ một phần mặt bằng cho cửa hàng kinh doanh hoa tươi thuê. Tương tự, Thư viện quận Bình Tân (đường Kinh Dương Vương) cũng cho cửa hàng buôn bán đồ thể thao thuê kinh doanh phía trước, còn phía bên trong thư viện vắng lặng, cũ kỹ, nghèo nàn.

Trao đổi với chúng tôi về hiện trạng hoạt động của thư viện, bà Nguyễn Thị Diệu Anh, Phó Chủ tịch UBND quận 10, cho biết: “Hiện nay, thư viện quận gặp nhiều khó khăn vì vắng người đến đọc và vẫn đang loay hoay tìm cách thu hút người đọc. Thư viện đã chủ động đưa sách đến người đọc, thành lập xe sách lưu động đến từng khu phố, nhưng vẫn chưa có hiệu quả. Không chỉ Thư viện quận 10 không có người đến đọc, mà hầu như tất cả các thư viện lớn, nhỏ trên khắp cả nước cũng đang lâm vào tình cảnh này. Người dân tìm kiếm thông tin trên mạng nhanh hơn, không phải mất công đến thư viện để phải lục tìm từng cuốn sách. Trong khi đó, thư viện lại chỉ hoạt động giờ hành chính và sách còn chưa phong phú. Tình cảnh càng bế tắc hơn vì thư viện không dám đầu tư sách mới khi không có ai đọc”.

Thư viện mất người đọc là một thực tế, không thể cưỡng lại xu thế bùng nổ Internet. Vấn đề đặt ra là phải sắp xếp lại nhân sự, mặt bằng của hệ thống thư viện quận - huyện để sử dụng hiệu quả hơn. Từng quận huyện cần nghĩ đến việc thành lập thư viện trên mạng, vừa thiết thực góp phần làm phong phú nguồn thông tin trên mạng, vừa cung cấp cho người dân địa phương và mọi người có nhu cầu tìm hiểu thông tin giới thiệu, quảng bá, tuyên truyền về địa phương mình.

THANH HẢI

Tin cùng chuyên mục