Đó là quan điểm của đại biểu Quốc hội Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM, đưa ra trong cuộc tiếp dân ngày 25-2, nghe 2 vụ việc khiếu nại, có vụ từ năm 1981 đến nay, và tất cả đều có yếu tố lịch sử, phức tạp do sự bất cập của pháp luật để lại…
Đặt lợi ích của dân lên trên hết
Trong vụ việc của ông Võ Văn Khuyến về mặt bằng A1 Bis Lý Chiêu Hoàng, phường 10, quận 6, đồng chí Lê Thanh Hải nhận thấy tính pháp lý có yếu tố bất lợi cho dân. Cụ thể, năm 1990 ông Khuyến bỏ ra 42 triệu đồng mua khu đất 512m2 ở địa chỉ trên của Xí nghiệp Chế biến lâm sản quận 6 để sản xuất gạch bông. Tiền bán đất của Xí nghiệp Chế biến lâm sản được UBND quận 6 cho phép sử dụng vào di dời cơ sở sản xuất. Thời điểm đó chưa có Luật Đất đai nên UBND quận 6 ra quyết định tạm cấp đất cho ông Khuyến nhưng lại kèm điều kiện là hàng tháng phải đóng tiền thuê mặt bằng. Ông Khuyến cũng chấp hành, nhưng từ năm 2004 tới nay thì không trả tiền thuê đất. Nhiều lần ông Khuyến đề nghị được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng khu đất trên đều không được UBND quận 6 giải quyết. “Vậy thiệt cho dân quá. 42 triệu đồng mua khu đất này, giờ giá trị bao nhiêu?” - đồng chí Lê Thanh Hải hỏi. Đại diện Sở Tài chính nói: “Gần 700 triệu đồng”. Nói về pháp luật đất đai hiện hành, đồng chí Lê Thanh Hải hỏi UBND quận 6 thì được nơi đây trả lời: “Do từ năm 2004 đến nay hợp đồng thuê đất không thực hiện nên nếu áp dụng giao đất phải tính thuế chuyển mục đích sử dụng theo hệ số 1,8 lần”. Đồng chí Lê Thanh Hải trăn trở: “Có cách khác chứ cách này thiệt dân lắm”. Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường nêu ý kiến với đồng chí Lê Thanh Hải: “Nên vận dụng hình thức Nhà nước cho thuê đất từ năm 2004 đến nay, cho phép chuyển mục đích từ đất phi nông nghiệp sang đất ở và chuyển hình thức từ thuê đất sang giao đất. Tiền sử dụng đất tính theo mức 100% của khung giá đất hiện hành, thay cho áp dụng 1,8 lần như cách tính chuyển mục đích sử dụng đất thông thường”. Quay sang Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa, đồng chí Lê Thanh Hải nói: “Như vậy có lợi cho dân”. “Đúng. Nên áp dụng cách này cho ông Khuyến”, ông Lê Văn Khoa cho biết.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Hải tiếp ông Võ Văn Khuyến (Ảnh: Việt Dũng)
Khi gặp đồng chí Lê Thanh Hải và nghe đại diện các sở ngành nêu quan điểm giải quyết theo hướng trên, lúc đầu ông Khuyến còn lưỡng lự vì cho rằng nếu áp dụng theo hình thức thuê đất, có nghĩa ông sẽ bị truy thu tiền thuê theo giá trị hiện hành từ năm 2004 đến nay. Hiểu được điều này, đồng chí Lê Thanh Hải đề nghị nên khấu trừ số tiền bán đất cho ông Khuyến vào tiền thuê đất theo hợp đồng thuê từ năm 1990. Đây là cách giải quyết có lợi nhất cho dân. “Ông Lê Thanh Hải nói vậy tôi rất vui và chấp nhận hết”, ông Khuyến nói, đứng dậy chủ động bắt tay đồng chí Lê Thanh Hải và hết lời cảm ơn. Cuộc tiếp dân chỉ chưa đầy 1 giờ đồng hồ đã tháo gỡ nút thắt cho vụ khiếu nại hơn 20 năm.
Tình, lý phân minh
Vụ việc thứ hai được cho là có tình tiết phức tạp hơn và kéo dài từ năm 1981 đến nay với 4 đời Phó Chủ tịch UBND TPHCM chỉ đạo giải quyết vẫn chưa xong. Theo trình bày của Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đỗ Phi Hùng, căn nhà 44 Học Lạc, phường 14 (quận 5) có diện tích 92,4m², thuộc sở hữu Nhà nước do UBND TPHCM phân phối cho Nhà máy nhựa Rạng Đông từ tháng 1-1979. Cuối năm 1979, Nhà máy nhựa Rạng Đông ra quyết định bố trí tầng trệt cho ông Thái Văn Lâm và gia đình sử dụng, trong đó có bà Thái Thị Thu Hương - em ruột ông Lâm. Đến năm 1981, Nhà máy nhựa Rạng Đông lại có quyết định bố trí gia đình bà Nguyễn Thị Thanh Ngọc vào ở căn nhà trên. Quyết định không ghi diện tích sử dụng. Thực tế, gia đình bà Ngọc sử dụng tầng lửng và tầng 1 với diện tích 131,15m², trong khi bà Hương sử dụng tầng trệt diện tích 43,63m2. Năm 1983, ông Lâm chuyển nơi ở khác, giao phần diện tích trên cho gia đình bà Hương sử dụng. Năm 1988, bà Ngọc ký hợp đồng thuê nhà với Đội Quản lý nhà quận 5, diện tích sử dụng 40m². Đến năm 1996, bà Ngọc có đơn xin mua toàn bộ căn nhà trên theo Nghị định 61. Bà Hương khiếu nại đến các cơ quan chức năng và Nhà máy nhựa Rạng Đông. Năm 1997, Nhà máy nhựa Rạng Đông ra quyết định hủy bỏ quyết định bố trí nhà cho gia đình bà Hương. Ngày 20-4-1998 ra tiếp quyết định chuyển gia đình bà Hương về lầu 1 khu nhà 42 Phạm Phú Thứ, phường 3, quận 6. Bà Hương nhận quyết định nhưng không chấp hành, vì cho rằng pháp lý của quyết định trên không rõ ràng. Thế nhưng, bà Ngọc lại cho rằng bà Hương đã nhận quyết định nhưng không bàn giao nhà và liên tiếp có đơn kiến nghị các cơ quan chức năng trục xuất bà Hương ra để giao nhà cho gia đình mình.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Hải tiếp và giải quyết tranh chấp giữa bà Thái Thị Thu Hương và bà Nguyễn Thị Thanh Ngọc (Ảnh: Việt Dũng)
Sau khi nghe ý kiến của bà Hương và bà Ngọc, đồng chí Lê Thanh Hải nêu một loạt vấn đề về pháp lý để các sở ngành đưa ra quan điểm giải quyết. Tất cả đều thống nhất tính pháp lý của các quyết định mà Nhà máy nhựa Rạng Đông ban hành năm 1997, 1998 đối với căn nhà là vô hiệu, vì từ năm 1992, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định chấm dứt hình thức phân phối nhà thuộc sở hữu Nhà nước. Về lý, bà Hương và bà Ngọc đều là người cư ngụ hợp pháp trong căn nhà trên, nếu muốn mua nhà thuộc sở hữu nhà Nhà nước phải ký hợp đồng thuê nhà. Đây là mấu chốt của vấn đề được đồng chí Lê Thanh Hải đưa ra để thuyết phục các bên ngồi lại với nhau, lấy cái tình mà thống nhất cách giải quyết. Dù còn có những lý lẽ khác, nhưng khi nghe đồng chí Lê Thanh Hải nói đến cái tình của những người cùng hoàn cảnh với nhau, bà Hương và bà Ngọc chấp nhận cùng ngồi lại thỏa thuận với nhau, trong thời gian 30 ngày trước khi có quyết định cuối cùng của UBND TPHCM.
HOÀI NAM