Lấy người dân làm trọng tâm phục vụ

TPHCM đang xây dựng đề án đô thị thông minh giai đoạn từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 với các tiêu chí lớn gồm: xây dựng chính quyền điện tử, quy hoạch thông minh và thúc đẩy hoạt động kinh tế.
Lấy người dân làm trọng tâm phục vụ

Xây dựng đô thị thông minh ở TPHCM:

TPHCM đang xây dựng đề án đô thị thông minh giai đoạn từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 với các tiêu chí lớn gồm: xây dựng chính quyền điện tử, quy hoạch thông minh và thúc đẩy hoạt động kinh tế.

Khu vực trung tâm TPHCM. Ảnh: MẠNH LINH

Yếu tố con người

Tiêu chí để TPHCM trở thành đô thị thông minh được thành phố xác định là định hình lại công tác quy hoạch. Nói cách khác, “quy hoạch thông minh” là một trong những tiêu chí thành phần không thể thiếu trong quá trình phát triển của bất kỳ thành phố nào muốn “thông minh”. Một tiêu chí quan trọng khác chính là xây dựng chính quyền điện tử và thông qua chính quyền điện tử, các giao dịch hành chính giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền sẽ được thực hiện qua hệ thống điện tử.

Về sự cần thiết của tiêu chí quy hoạch thông minh và chính quyền điện tử, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến nêu rõ: Việc xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh sẽ giải quyết được hai vấn đề lớn. Thứ nhất, đô thị thông minh góp phần thúc đẩy nền kinh tế thành phố phát triển bền vững bằng những quy hoạch, những định hướng thông minh; thứ hai là tạo ra được các tiện ích phục vụ người dân, thỏa mãn mong đợi người dân sống trong một thành phố có chất lượng sống tốt.

Theo đồng chí Trần Vĩnh Tuyến, hiện việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước trên địa bàn TPHCM chưa đồng bộ, do vậy cần thiết xây dựng chính quyền điện tử để công tác quản lý nhà nước của địa phương đạt hiệu quả cao hơn, tăng tính công khai, minh bạch của chính quyền, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó, TPHCM sẽ xây dựng trung tâm dữ liệu mở, dùng chung, qua đó có thể xây dựng các quy hoạch mang tính định hướng lâu dài, thông minh, phục vụ được công tác dự báo và đề phòng, ngăn ngừa các diễn biến bất lợi có thể xảy ra làm ảnh hưởng đến môi trường đô thị của thành phố.

Cũng theo đồng chí Trần Vĩnh Tuyến, một số nội dung quan trọng khác góp phần xây dựng TPHCM không chỉ trở thành thành phố thông minh mà còn là thành phố đáng sống, chính là xây dựng được các dịch vụ tiện ích, thông minh trong từng lĩnh vực cụ thể để phục vụ người dân như: quy hoạch, giáo dục, y tế, giao thông, chống ngập nước, môi trường, phòng cháy chữa cháy…, bởi nhiều nước trên thế giới đã có nhiều nước ứng dụng công nghệ cao để giải quyết các vấn đề dân sinh này.

“Không có điểm dừng trong việc xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh, bởi lẽ, khoa học công nghệ liên tục đổi mới và nhu cầu của người dân mỗi ngày được nâng cao, nên việc xây dựng đô thị thông minh cho TPHCM sẽ liên tục được phát triển”, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến đúc kết.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ tạo không gian thoáng ở trung tâm TPHCM

Các giá trị kinh tế - xã hội

Khi trở thành một đô thị thông minh, TPHCM sẽ ngày càng hấp dẫn nhiều người tới sinh sống và làm việc, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ không ngần ngại chọn TPHCM làm điểm đến để sản xuất kinh doanh. Từ đây, giá trị đóng góp về kinh tế cho thành phố ngày càng lớn và đi kèm với đó là sự gia tăng các áp lực về các vấn đề xã hội, môi trường.

Từ nhận định trên, ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, nhấn mạnh ba trụ cột cho đô thị thông minh, gồm: phát triển kinh tế, đảm bảo các yếu tố về môi trường và ổn định các vấn đề xã hội. Về kinh tế, theo ông Sử Ngọc Anh, TPHCM cần chọn đúng ngành, lĩnh vực phát triển. Cụ thể, thành phố đã và đang bám vào 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 9 ngành dịch vụ làm mục tiêu phát triển. Trong sản xuất, các doanh nghiệp ngành công nghiệp tại thành phố cần nhắm đến tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng những công nghệ thông minh mà thế giới đã phát triển như công nghệ nano, robot… và chỉ có đón đầu mới có thể phát triển nhanh và thỏa mãn các tiêu chí đô thị thông minh được.

Cũng theo phân tích của ông Sử Ngọc Anh, khi nền kinh tế phát triển theo hướng ít tiêu hao năng lượng thì sẽ giảm phát thải, tác động tới môi trường và trong tương lai lợi ích tổng hòa về kinh tế - môi trường - xã hội là bài toán từng doanh nghiệp phải tính đến, xử lý. Xu hướng các đô thị hiện đại trên thế giới đều khuyến khích giảm tiêu hao năng lượng, tăng công nghệ tái chế và không xâm hại đến nguồn tài nguyên của thế hệ tương lai.

Trong khi đó, ông Nguyễn Công Tánh, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Nhật TPHCM cho rằng, TPHCM vốn được xem là thành phố năng động nhất cả nước, hàng năm đón một lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước, đón nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều hạn chế, bất cập về giao thông, ngập lụt đô thị, tệ nạn xã hội cũng khiến thành phố ít nhiều “mất điểm” trong mắt du khách. Trước khi muốn trở thành “thông minh”, TPHCM cần sớm khắc phục, giải quyết triệt để nạn kẹt xe bằng những giải pháp giao thông thông minh, chấm dứt tình trạng ngập nước đô thị bằng quy hoạch thông minh hoặc thậm chí bắt tay vào từng việc cụ thể: giáo dục con người cách ứng xử lịch thiệp hơn với du khách nước ngoài nơi công cộng.

Một số chuyên gia về hạ tầng đô thị cho rằng, để kế hoạch xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh có tính khả thi, cần phân ra thành hai giai đoạn thực hiện. Trước mắt trong 5 năm tới sẽ tập trung thực hiện các chương trình giao thông thông minh, y tế thông minh, giám sát môi trường thông minh… để giải quyết các hạn chế như tình trạng kẹt xe, ngập nước, y tế… Sau đó, trong các năm tiếp theo tùy theo nhu cầu của thành phố mà thực hiện các bước làm thành phố càng thông minh hơn. Suy cho cùng, đô thị thông minh là để phục vụ người dân được tốt nhất.

Vân Anh - Văn Nam

Tin cùng chuyên mục