Sau hội nghị hiệp thương lần thứ hai, danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND TP đã được hình thành. Việc lấy ý kiến cử tri ở khu dân cư là một giai đoạn rất quan trọng, góp phần tìm ra những đại biểu “sáng giá” đại diện cho cử tri, đồng thời cũng chuẩn bị cho hội nghị hiệp thương lần thứ ba - chốt lại danh sách những người ứng cử. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM Dương Quan Hà xung quanh nội dung này.
Công khai thông tin về ứng cử viên
- Phóng viên: Thưa ông, việc chuẩn bị cho nội dung lấy ý kiến cử tri ở khu dân cư trên địa bàn TPHCM đã được UBMTTQ TP tiến hành đến đâu?
- Ông DƯƠNG QUAN HÀ: Ủy ban MTTQ TP đã tiến hành tập huấn cho Ủy ban MTTQ quận - huyện, phường - xã, nơi cư ngụ thường xuyên của người ứng cử ĐBQH, HĐND TP và công việc vẫn đang được tiến hành.
- Nhiều người cho rằng, phương thức tiếp xúc giữa người ứng cử và cử tri cần được đổi mới thay vì cách làm truyền thống, bởi qua trao đổi, chất vấn trực tiếp mới thấy rõ năng lực, bản lĩnh của người ứng cử. Thưa ông, việc lấy ý kiến cử tri ở khu dân cư lần này có được cải tiến?
- Việc đổi mới phương thức tiếp xúc giữa người ứng cử và cử tri luôn được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quan tâm. Điều này thể hiện cụ thể qua Nghị quyết liên tịch số 02 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Chính phủ - Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về lấy ý kiến cử tri nơi công tác và nơi cư trú về những người ứng cử ĐBQH, HĐND và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Hướng dẫn một số điều về việc tổ chức bầu cử ĐBQH khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016”. Theo đó, Điều 15 quy định cụ thể: Tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri vận động bầu cử đã thể hiện tinh thần đó nghĩa là có chất vấn, có trao đổi trên tinh thần xây dựng, dân chủ giữa người ứng cử và cử tri.
- Số phiếu tín nhiệm của cử tri trong giai đoạn này có mang tính chất quyết định đối với người ứng cử không, thưa ông? Đối với những trường hợp người ứng cử có số phiếu tín nhiệm dưới 50% có tiếp tục được đưa vào danh sách hiệp thương lần thứ ba?
- Số phiếu tín nhiệm của cử tri nơi cư trú và nơi cơ quan công tác, nơi làm việc là một căn cứ quan trọng trong xem xét tư cách ứng cử viên vì năng lực, phẩm chất, uy tín của ứng cử viên phải được biểu hiện trước hết tại nơi làm việc, cũng như tại nơi ứng cử viên cư ngụ thường xuyên. Tất cả các thông tin về ứng cử viên dù tín nhiệm cao hay thấp đều được trình bày tại Hội nghị hiệp thương lần thứ 3.
Chất lượng quan trọng hơn số lượng
- Thưa ông, số hồ sơ tự ứng cử đại biểu QH ở TPHCM chỉ có 22 người, so với hơn 100 người năm 2007 thì quá chênh lệch. Vì sao vậy?
- Số lượng người tự ứng cử QH ở TPHCM, thủ đô Hà Nội và cả nước không nhiều như kỳ QH khóa XII là điều hiển hiện. Nguyên nhân vì sao? Theo tôi, cần phải có nghiên cứu phân tính khoa học, tuy nhiên, chất lượng người tự ứng cử mới là vấn đề cần quan tâm. Cá nhân tôi nghĩ rằng có lẽ nguyên nhân chính là nhận thức về nhiệm vụ QH ngày càng nặng nề hơn, nhân dân đòi hỏi ở QH và các vị đại biểu QH ngày càng nhiều hơn, vì vậy người tự ứng cử phải cân nhắc, đắn đo. Tôi có tâm tình, khuyến khích một số vị tự ứng cử QH, song nhiều vị đều băn khoăn, e mình không đủ trình độ, năng lực, uy tín và điều kiện để làm trọn nhiệm vụ đại biểu QH.
- Người dân đòi hỏi những ứng cử viên phải có chương trình hành động rõ ràng để dễ giám sát sau này. Vậy kỳ này, Ủy ban MTTQ TP có đề ra chương trình giám sát nào đối với những người ứng cử trúng cử thực hiện chương trình hành động của mình không, thưa ông?
- Các ứng cử viên phải trình bày chương trình hành động của mình khi tiếp xúc với cử tri do MTTQ các cấp tổ chức, trả lời phỏng vấn trên các cơ quan thông tin đại chúng, tiếp xúc với cử tri ở cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người ứng cử công tác trong quá trình thực hiện vận động bầu cử, để cử tri xem xét lựa chọn người đại biểu cho mình, đồng thời, tiếp tục giám sát hoạt động của các đại biểu QH khi trúng cử. Với tư cách là một cơ quan hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu QH, MTTQ TP sẽ giám sát toàn diện hoạt động của đại biểu QH suốt cả nhiệm kỳ.
- Người dân cũng đang rất quan tâm đến việc kê khai tài sản, thu nhập của người ứng cử. Theo ông, việc kê khai này được thực hiện như thế nào?
- Người ứng cử đại biểu QH, đại biểu HĐND phải kê khai tài sản thu nhập theo quy định tại mục 4, Chương II Luật Phòng chống tham nhũng, Nghị định số 37/2007/NĐ-CP của Chính phủ về minh bạch tài sản thu nhập, Thông tri số 2442/2007/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ.
Bản kê khai tài sản thu nhập của người ứng cử sẽ được kèm theo làm tài liệu trong hồ sơ ứng cử.
- Còn việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến người ứng cử thì thế nào? Tính đến nay, đã có bao nhiêu người ứng cử có đơn thư tố cáo và cơ quan Mặt trận đã xử lý đến đâu, thưa ông?
- Đây là nội dung mà Mặt trận rất quan tâm, đến nay đã có 2 người ứng cử có đơn thư tố cáo và Mặt trận đã chuyển đơn đến các đơn vị có liên quan theo luật định để trả lời cho Mặt trận. Mọi vụ việc khiếu nại, phản ánh của cử tri đối với người ứng cử phải được giải quyết xong trước ngày 12-4-2011.
- Việc lấy ý kiến cử tri ở nơi cư trú sẽ kết thúc thời gian nào, thưa ông?
- Đối với người ứng cử đại biểu QH là ngày 31-3-2011 và đối với người ứng cử đại biểu HĐND là ngày 10-4-2011.
- Xin cảm ơn ông!
HỒNG HIỆP (thực hiện)