Đầu năm xuất hành đi lễ chùa đã trở thành một nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân Việt. Đêm 30 Tết, khi giờ giao thừa vừa điểm, sau khi thắp nén nhang cúng ở nhà, đồng đảo bà con lại xúng xính áo mới để đi lễ chùa. Lễ chùa ngày Xuân sẽ còn kéo dài cho hết tháng giêng...
Gian nan đi... lễ chùa
Những mong mỏi bình an, sức khỏe, cầu tài lộc cho người thân trong năm mới cùng với niềm tin khấn bái Trời - Phật là tín ngưỡng lâu đời của hầu hết người dân Việt Nam. Thường thì mọi người chọn những ngôi chùa gần nhà để khỏi phải đi xe, tránh cảnh chen chúc, song phần đông những gia đình buôn bán làm ăn lại chọn những ngôi chùa lớn hoặc có tiếng để xuất hành.
Cũng như mọi năm, đêm giao thừa và mùng 1 luôn là thời điểm đông đảo khách thập phương đi lễ chùa. Đông nhất vẫn là Lăng Ông Bà Chiểu, chùa Vĩnh Nghiêm, Đền thờ Ngọc Hoàng, Đền Trần Hưng Đạo...
Gia đình chị Ngọc dù ở tận quận 7 song cũng rủ nhau đến Lăng Ông Bà Chiểu để cúng từ đêm 30 Tết. Mất cả giờ đồng hồ, gia đình chị Ngọc mới gửi được xe máy. Đã thế, chen vào chánh điện còn khó khăn gấp bội. Mặc dù nhà chùa đã cử người đứng ngay cửa để yêu cầu mỗi người chỉ cầm 1 nén nhang, song vì lượng người quá đông nên khói nhang vẫn mù mịt.
Thắp được nén nhang, thầm thì xong lời khấn nguyện, chen được ra ngoài, hít thở bầu không khí trong lành, mát mẻ, ai cũng thở phào nhẹ nhõm. Dù chen chúc nóng nực nhưng hầu như chẳng ai phiền lòng vì đã quen với khái niệm - đi chùa đêm giao thừa là vậy! Ai cũng tin vào năm mới tốt đẹp vì lời khấn nguyện thành tâm đã đến được các đấng linh thiêng…
Sáng mùng 1 Tết, gia đình chị Lan ở quận Phú Nhuận xuất hành thật sớm đến chùa Vĩnh Nghiêm. Chưa đến nơi, khu vực đường Nguyễn Văn Trỗi trước cổng chùa đã đông nghẹt người và xe. Sau một hồi nhích từng bước, gia đình chị đành phải quay về vì không thể vượt qua “rừng người”. Cũng giống gia đình chị Lan, nhiều người cũng đành bỏ về vì không thể chịu nổi cảnh chen lấn.
Tại Chùa Một Cột (quận Thủ Đức), tuy nhà chùa vẫn đang trong giai đoạn trùng tu nhưng khách viếng chùa vẫn tấp nập. Để tránh tình trạng chen lấn, ngay cổng vào luôn có nhân viên bảo vệ sắp xếp khách vào thắp nhang trong trật tự và mỗi người chỉ cầm một nén nhang.
Tại chùa Hoằng Pháp (huyện Hóc Môn), khách đến viếng chùa chỉ thắp nhang ngoài cửa. Khách để giày dép bên ngoài trước khi vào chánh điện. Vì chùa quy định không được thắp nhang nơi chánh điện, nên không khí ở đây thoáng mát.
Tại Đình Phong Phú (quận 9), không gian nhỏ nhưng ai vào cúng cũng đều thắp cả bó nhang nên khói dày đặc cả chánh điện. Sau khi thắp nhang, nhiều khách xin một quẻ âm dương. Có người xin một lần được ngay, cũng có người quì khá lâu cố gắng xin đến khi nào được mới thôi nên chánh điện đã nhỏ lại càng thêm chật chội.
Hàng quán, bói toán tràn lan
Bên cạnh nét đẹp văn hóa tinh thần của việc đi chùa đầu năm, tại không ít các đền, chùa… cũng bắt đầu xuất hiện những hình ảnh chưa đẹp.
Ngay từ ngoài cổng Việt Nam Quốc Tự trên đường 3-2 (quận 10), bắt đầu xuất hiện cảnh xô bồ buôn bán hàng quán ăn uống, nhang, đèn, hoa. Ngay dưới chân khách viếng chùa là những vũng nước nước bẩn từ những quán xá này thải ra. Dọc đường vào chính điện, nhiều người ăn xin đứng, ngồi la liệt, người bán vé số dạo chèo kéo khách. Có đến hơn chục điểm bán sách bói toán tử vi bày đầy trên mặt đất, thu hẹp diện tích lối vào chánh điện. Và, vẫn là rác, rác ở khắp nơi…
Ở Chùa Phước Hải - Điện Ngọc Hoàng, đường Mai Thị Lựu (quận 1), người ăn xin và người buôn bán nhang đèn, hoa quả... vô tư lấn chiếm lòng lề đường. Dù loa phát thanh liên tục khuyến cáo mỗi người nên đốt ít nhang để đề phòng cháy nổ nhưng không mấy tác dụng.
Ở chùa Ấn Độ, đường Trương Định (quận 1), cảnh lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán nhang đèn hoa quả, dầu cúng, bãi giữ xe… diễn ra ồn ào. Nhiều người giữ xe đứng giữa đường để chèo kéo khách đi chùa vào gửi với giá… trên trời - 10.000 đồng/xe. Vấn nạn ăn xin, vé số dạo cũng xuất hiện đầy rẫy.
Tại chùa Bà - Châu Đốc 2 (huyện Nhà Bè), dù là chiều mùng 2 Tết song lượng khách không hề giảm. Là phiên bản của Chùa Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc, khách tìm đến đây thường để xin lộc, “vay tiền” và trả lễ. Chạy dài suốt dọc đường vào chùa là một ngôi chợ mini với hàng chục gian hàng, quán ăn có đánh số thứ tự chuyên phục vụ cho việc tế lễ. Ở đây, đội quân ăn xin, bói toán cũng tràn ngập và “làm ăn” khá phát đạt. Không ít kẻ xấu đã lợi dụng để trà trộn móc túi.
Giang - Bình - Hoa