Lễ hội Hoa lan TPHCM: Điểm hẹn định kỳ

Thời gian qua, việc phát triển nghề trồng lan nhiệt đới ở TPHCM đang dần định dạng để hình thành một ngành kinh tế sinh thái giàu tiềm năng. Không ít nhà vườn trồng lan còn hứa hẹn là điểm du lịch sinh thái thân thiện, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

 


Du khách tham quan Lễ hội Hoa lan TPHCM năm 2019 Ảnh: THANH HẢI
Du khách tham quan Lễ hội Hoa lan TPHCM năm 2019 Ảnh: THANH HẢI

Sản phẩm chủ lực

Đến với Lễ hội Hoa lan được TPHCM tổ chức lần đầu tại Công viên Văn hóa Tao Đàn (từ ngày 27-4 đến 1-5-2019), khá nhiều khách đến thưởng lãm ngỡ ngàng trước sắc màu rực rỡ, đa dạng của các giống hoa lan nhiệt đới như Mokara, Dendrobium, Cattleya, Vanda, Ngọc điểm, Vũ nữ… Không ít người còn ngạc nhiên hơn khi biết rằng, gần như các chậu lan nhiệt đới trưng bày tại lễ hội được trồng ngay vùng ven của TPHCM như quận: 9, 12; huyện: Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè… Đây là kết quả của quá trình chuyển đổi nông nghiệp truyền thống, từ cây lúa sang những cây, con có giá trị kinh tế cao của nền nông nghiệp đô thị từ thập niên 1990. Có thể nói, sau thời gian chuyển đổi, vùng trồng lan nhiệt đới TPHCM trở thành vựa lan cắt cành lớn nhất cả nước. Từ TPHCM, nghề trồng lan đã lan rộng ra các địa phương lân cận, giúp nhiều người dân trồng lan trở nên khấm khá khi tỷ suất lợi nhuận từ nghề này cao hơn nhiều so với các loại cây trồng, nhất là cây lúa.

Phát biểu tại lễ khai mạc, đồng chí Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM, nhấn mạnh: “Trong cơ cấu ngành hoa kiểng, hoa lan có tiềm năng phát triển lớn khi chiếm 72% giá trị sản xuất hoa và cây kiểng nói chung. Diện tích trồng lan các loại tại TPHCM từ 63ha năm 2006, lên 375ha vào cuối năm 2018. Qua đó cung ứng ra thị trường 80 triệu cành lan và trên 5 triệu chậu lan các loại. Người trồng lan có thu nhập khá, bình quân trên 1 tỷ đồng/ha/năm. Lan nhiệt đới trở thành một trong những sản phẩm chủ lực của TPHCM cùng với cây rau, cây kiểng, bonsai... Hiện nay, với chủ trương và các chính sách khuyến khích của TPHCM, nghề trồng lan nhiệt đới được tạo điều kiện để phát triển và đang dần hình thành là một ngành kinh tế sinh thái giàu tiềm năng. Nhiều nhà vườn trồng lan còn hứa hẹn là điểm du lịch sinh thái thân thiện, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước”.

Tuy nhiên, dù trở thành vùng trồng lan (cắt cành) nhiệt đới lớn cả nước, nhưng thời gian qua, người trồng lan mới chỉ có “miếng” mà chưa có “tiếng”, khi việc xây dựng thương hiệu hoa lan TP chưa được chú trọng. Vì vậy, qua lễ hội là dịp để quảng bá thương hiệu hoa lan của TP, giới thiệu các mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái của TP; từ đó, giúp phát triển ngành du lịch nông nghiệp đô thị đặc trưng của TPHCM; giúp thay đổi bộ mặt nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập của người dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới của TPHCM.

Sân chơi được mong chờ

Theo thống kê của ban tổ chức, sau 5 ngày diễn ra lễ hội hoa lan vừa qua, có khoảng 90.000 lượt khách đến tham quan, thưởng lãm, tìm hiểu. Bình quân 15.000 - 20.000 lượt khách tham quan/ngày. Trong đó, có hơn 2.000 lượt du khách nước ngoài. Một lượng lớn sản phẩm hoa lan trưng bày tại lễ hội được khách tham quan đặt mua. Các tỉnh thành tổ chức cho nông dân, doanh nghiệp trong tỉnh đến TPHCM học tập kinh nghiệm. Đây là con số khá lý tưởng trong lần đầu khi thời gian tổ chức khá gấp rút.

Ông Phạm Anh Dũng, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh huyện Củ Chi (TPHCM), cảm nhận: “Những người yêu hoa như chúng tôi mỗi lần tham gia Festival Hoa Đà Lạt đều mơ ước TPHCM cũng tổ chức lễ hội hoa để giới thiệu đến mọi người về tầm vóc và tiềm năng nghề trồng lan của TP. Vì vậy, lúc TPHCM thông báo sẽ tổ chức lễ hội, đồng nghiệp chúng tôi “rất máu”. Nếu tổ chức định kỳ, chúng tôi sẽ mời đồng nghiệp các tỉnh phía Bắc, nơi có những loại lan rừng độc đáo, để làm phong phú thêm lễ hội”. Trước đó, khi Sở NN-PTNT TPHCM (cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Festival Hoa lan TPHCM năm 2019) đề xuất UBND TPHCM tổ chức lễ hội định kỳ 2 năm/lần, đã nhận được sự đồng thuận cao. Theo đó, lễ hội sẽ tổ chức vào các năm lẻ tại Công viên Văn hóa Tao Đàn, thời gian cuối tháng 4, đầu tháng 5 nhằm tạo thêm điểm du lịch thu hút khách tham quan đến với TPHCM dịp lễ 30-4. Ông Từ Minh Thiện, Phó ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TPHCM, cho rằng, định kỳ tổ chức 2 năm/lần là vừa để giúp các đơn vị và nghệ nhân có thời gian chuẩn bị. Điều quan trọng hơn là cần quảng bá rộng rải trước khi sự kiện diễn ra tại các điểm du lịch, sân bay... để du khách biết về sự kiện này.

Ông Nguyễn Văn Trực, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, nhận xét vì là lần đầu tổ chức nên gặp không ít lúng túng trong triển khai và rất cần được các du khách, nghệ nhân đánh giá khách quan để hoàn thiện hơn cho những lần tổ chức sau.

"Chính quyền TPHCM mong muốn qua Lễ hội Hoa lan TPHCM năm 2019 giới thiệu, quảng bá thương hiệu hoa lan và các sản phẩm cây kiểng, bonsai… cũng như kết nối giữa phát triển du lịch với phát triển nông nghiệp đô thị. Đây là nơi gặp gỡ giữa những người yêu hoa lan, các hội viên, nghệ nhân, nhà vườn với mục đích giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc, lai tạo hoa, cây kiểng đẹp, độc đáo; nghệ thuật thiết kế tiểu cảnh sân vườn... Tất cả đều hướng tới việc phát triển thành một ngành kinh tế sinh thái thân thiện với môi trường"
Đồng chí Lê Thanh Liêm
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM

Tin cùng chuyên mục