
Năm 1997, tôi về Bến Tre khi cơn bão số 5 lịch sử - bão Linda - vừa tròn “thất tuần” kể từ ngày quét qua vùng duyên hải đồng bằng sông Cửu Long. Những cây dừa tả tơi đứng lặng thinh buông đám lá rối bời xuống dòng sông Tiền, Hàm Luông, Ba Lai, Cổ Chiên. Những vườn cây ăn trái, lúa, mía, hoa kiểng… bị bão dúi đầu xuống bùn lặng thinh, mắt lá đỏ hoe ngơ ngác. Những chiếc tàu đánh cá nằm lặng thinh phơi mảnh vỡ trên bãi biển. Đây đó trong từng căn nhà vừa gượng dậy sau bão tố là những nén nhang lặng thinh đỏ rực nỗi nhớ những người mãi mãi không trở về từ chuyến ra khơi định mệnh...
Chiều tối về thị xã, tôi gặp anh ở cuối bậc thềm trụ sở Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre – ngày ấy còn là tòa nhà già nua, cũ kỹ – nhìn lặng thinh ra cổng. Sáng hôm sau là hội thảo về nâng cao năng lực thoát nghèo cho nông dân do tổ chức UNDP (United Nations Development Program) của Liên hiệp quốc phối hợp với Bến Tre tổ chức. Có lẽ anh muốn chắc chắn rằng đoàn khách đến trễ nhất cũng được đón tiếp chu đáo.

“Ba Năm” Lê Huỳnh – người ẵm em bé được cứu sống nhờ phẫu thuật tim kịp thời - đứng ở hàng cuối.
Một nữ nhà báo cùng đi, nghe kể nhiều nhưng mới lần đầu gặp anh Lê Huỳnh đã bị bất ngờ. Người vừa trải qua cơn kịch phát đau tim phải chở thẳng từ hội nghị khắc phục hậu quả cơn bão số 5 tại nhà khách Bến Nghé vào Viện Tim TPHCM ấy có vóc dáng cao lớn; đôi mắt trầm tư, khoan hòa; thái độ ân cần lắng nghe... không chút biểu lộ uy quyền. Khi muốn người đối thoại xác định lại cho rõ, anh chỉ hỏi nhẹ nhàng: “Phải hông đó?”... Tất cả toát lên phong thái ung dung, nội lực tinh thần mạnh mẽ chứ không phải là một thương binh 3/4 và ôm trái tim đau đớn đã nhiều năm!
Thời gian quen biết – so với sự phù du của đời người – tôi nghĩ đã đủ để ít nhiều hiểu anh Lê Huỳnh – soạn giả sân khấu, chủ tịch Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo – Người tàn tật tỉnh Bến Tre, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre; người được rất nhiều cháu bé ríu rít gọi “ba Năm” nhưng vẫn độc thân; người Việt Nam đầu tiên và duy nhất - đến thời điểm này - được trao giải thưởng KAZUO ITOGA (Nhật Bản) vì những đóng góp cho trẻ thơ bất hạnh, người tàn tật!
*****
Nhớ một ngày năm 1988, anh đưa thầy thuốc Nhân dân Tạ Thị Chung (P.GĐ Bệnh viện Từ Dũ) và bà Akémi Bando (nhà giáo Nhật Bản suốt đời tận tụy với trẻ em khuyết tật) đi thăm các nạn nhân chất độc da cam.
Bà Bando đã rướm lệ khi vuốt ve một em bé Bến Tre thân thể bất thành nhân dạng. Món quà tặng Bến Tre ngày ấy được bà bọc trong áo ấm, ôm khư khư suốt hành trình Tokyo – TPHCM – Bến Tre là bộ kính hiển vi và khi trao tận tay anh Lê Huỳnh bà mới nhẹ lòng vì đã không phụ sự gởi gắm của bạn bè Nhật Bản! Anh đưa bà đến thăm cơ sở nuôi dạy trẻ em khuyết tật –những căn phòng đã xuống cấp trầm trọng. Bà hỏi: trước mắt các em cần gì? Anh nói: Bến Tre hiện có trên 420 cháu khuyết tật, trước mắt cần cho mỗi cháu 13kg gạo/tháng. Anh dè dặt: “Mong sao các cháu có một ngôi trường”. Bà im lặng, mắt rưng rưng...
Hơn một năm sau, bà Bando chuyển đến anh Lê Huỳnh 9.000 USD, gởi thành 3 lần. Năm 1990, bà và các thành viên Hội Trợ giúp Trẻ em Việt Nam của Nhật Bản (TGTEVN-NB) về xứ dừa thì đã chiều tối. Anh Lê Huỳnh đưa đoàn đến thăm ngôi trường nuôi dạy trẻ khuyết tật khang trang với 4 phòng học được xây dựng từ số tiền 9.000 USD đó. Bà Bando bật khóc. Hơn 600 ngày vận động, góp nhặt từng đồng yên, bà chỉ kỳ vọng vừa đủ tiền mua gạo nuôi bọn trẻ mà thôi.
Cùng thời gian, Trường Hy Vọng ra đời từ sự giúp đỡ của tổ chức Hy Vọng (CHLB Đức). Hàng ngàn trẻ em nghèo, mồ côi, sống lang thang... được chăm sóc, học văn hóa, học nghề. Dù đôi chân các em còn non yếu trước sóng gió cuộc đời nhưng những gì các em học tập được ở mái ấm Hy Vọng; tình thương của các anh chị trong Ủy ban Chăm sóc – Bảo vệ Trẻ em, Hội Liên hiệp Phụ nữ, các thầy cô giáo và “ba Năm” đã cho các em cái quý nhất: niềm tin vào con người, vào chính bản thân mình.
Sự hợp tác bước đầu đã gieo vào lòng bà Bando ấn tượng đẹp về Bến Tre và cá nhân Lê Huỳnh. Từ 4 phòng học, Hội TGTEVN-NB đã giúp xây dựng hoàn chỉnh một trường nuôi dạy trên 200 em khuyết tật; hỗ trợ dự án phát hiện sớm dị tật thai nhi; lập sổ theo dõi sức khỏe phụ nữ trong độ tuổi sinh sản...
Bà Bando đã nối nhịp cầu để Bến Tre nhận được sự giúp đỡ của Hội Hở môi - Hàm ếch do Tiến sĩ (TS) Y khoa Nagato Nasumé làm giám đốc. Bên cạnh việc đưa một số bác sĩ của tỉnh Bến Tre sang Nhật Bản tu nghiệp, năm nào TS Nasumé cũng tổ chức đoàn phẫu thuật về Bến Tre và đã đem lại nụ cười cho hơn 1.000 em bé.
Từ tâm sự của anh Lê Huỳnh về việc Bến Tre cần một phòng mổ nhưng kinh phí 150.000 USD là vượt quá khả năng, TS Nasumé đã nhiệt tình vận động giúp 75.000 USD; anh Huỳnh Ngọc Triển - người con Bến Tre, lấy bằng TS ở Nhật – tài trợ 75.000 USD. Nhờ vậy Bệnh viện đa khoa Nguyễn Đình Chiểu đã “sở hữu” một phòng mổ hiện đại, cứu sống nhiều bệnh nhân mà nếu chuyển lên TPHCM thì quá trễ.
Riêng TS Y khoa Kiyoshi Takaya – Chủ tịch Hội TGTEVN-NB - đã tìm thấy ở Lê Huỳnh mối đồng cảm sâu sắc. Năm 2000, cuốn sách do TS Takaya viết về Lê Huỳnh được phát hành tại Nhật Bản. Cùng năm, Đài Truyền hình NHK Nhật Bản thực hiện phim tài liệu Lê Huỳnh- chân dung một người châu Á. Chính TS Takaya giới thiệu với Hội đồng giải thưởng Kazuo Itoga (TP. Shiga – Nhật Bản) về vị Chủ tịch của một tỉnh nghèo Việt Nam đang dành những ngày tháng còn lại của đời mình cho trẻ em bất hạnh, người tàn tật.
Năm 2002, anh Lê Huỳnh đã được nhận giải Kazuo Itoga cùng với bà Yukiko Nakamishi (Nhật Bản), ông Setarekiseru Macanawai (Fiji). Ông Kazuo Itoga một nhà hoạt động xã hội đã vinh danh TP Shiga quê ông từng nói: “Không phải ta mang thế giới này đến với những trẻ em khuyết tật mà hãy làm sao để những đứa trẻ này chính là ánh sáng của thế giới”.
Tại buổi lễ trao giải ở Shiga, anh Lê Huỳnh đã nói: “...Tôi tâm niệm rằng đó chỉ là trách nhiệm của tôi đối với đời sống xã hội ở quê hương. Thông qua hoạt động này tôi còn tìm thấy niềm vui, học hỏi được nhiều điều về người tàn tật – trẻ mồ côi để từ đó càng quyết tâm nâng cao và làm tròn trách nhiệm”.
Năm 2003, Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo – Người tàn tật Bến Tre được thành lập, thu hút 600 hội viên thiện nguyện, trong đó có những người con Bến Tre đang sinh sống tại TPHCM.
Thường trực tại văn phòng Hội có 6 vị đều là cán bộ về hưu. Nhiều người nói: “Hội của ông Lê Huỳnh nghèo nhất nước!”.
Mãi đến cuối năm 2007 hội mới có 2 xe ô tô đã qua sử dụng của Sở Y tế và Công ty Xổ số Kiến thiết Bến Tre (XSKT-BT) tặng. Xe ô tô chỉ dành riêng đi công tác nông thôn, ngoại tỉnh, chuyển bệnh nhi. CBNV của Hội – ngay anh Lê Huỳnh thương binh 3/4 và bị bệnh tim hơn 40 năm - cũng tự đi bằng xe gắn máy. Nhưng 5 năm qua, sự sẻ chia đầy yêu thương của cộng đồng đã đem lại những thành tựu to lớn: tài trợ phẫu thuật tim cứu sống 200 cháu (bình quân 50 triệu/ca); phẫu thuật đặt thủy tinh thể, mổ phaco miễn phí cho 9.046 người; khám, cấp thuốc miễn phí cho 121.000 lượt người; tặng 950 xe lăn; trao 534 suất học bổng; tặng 142 nhà tình thương, tình nghĩa; 6.000 phần quà cho gia đình nghèo; cấp miễn phí 1.000 suất cơm cháo/ngày cho bệnh nhân nghèo...
Tôi đã nhiều lần đến thăm phòng khám - điều trị bệnh miễn phí cho trẻ em nghèo. Văn phòng Hội cũng “nép” ở đây. Đó là ngôi nhà hai tầng đẹp như trường mẫu giáo được xây dựng bằng tiền ủng hộ của TS Huỳnh Ngọc Triển và Công ty XSKT.BT. Phòng khám được trang bị nhiều thiết bị y tế hiện đại, trên 30 bác sĩ thay phiên làm việc, không nhận một khoản bồi dưỡng nào.
Ai hiếu kỳ đến phòng khám vào buổi sáng sẽ ngạc nhiên thấy các cô cậu tí hon hí hửng ngồi chờ... nhổ răng. Các bé khoe: “Ở đây nhổ răng hổng đau mà còn được cho kem đánh răng”...
Tôi đã bắt gặp đôi mắt tươi cười của anh Lê Huỳnh hướng về bọn trẻ khi chúng vui đùa và những giọt nước mắt cố kềm nén khi nghe tin một bé đã chết trước ngày được mổ tim. Anh nói: Năm 2005 phòng khám phát hiện một bé bị bịnh tim nặng, Hội chạy khắp nơi xin tiền, vừa đủ tiền thì bé qua đời. Hội khảo sát và phát hiện hàng trăm ca bệnh tim rơi vào trẻ nghèo – các cháu đang chờ chết! Một cháu thỏ thẻ: “Năm ơi cứu con đi! Con muốn sống để đi học rồi đi làm giúp má con” và cháu mất 1 ngày trước khi được mổ! Đau lòng không chịu nổi. Nhờ sự chung sức của những tấm lòng nhân ái mà trong 3 năm đã cứu sống được 200 cháu, có cháu đang học đại học, có cháu đã lập gia đình và lao động giỏi. Bây giờ còn 50 cháu bệnh tim rất nặng, chúng tôi đang “chạy”! Lo quá!
*****
Anh Lê Huỳnh tham gia cách mạng vào năm Bến Tre Đồng khởi, viết những bài báo tuyên truyền, những bài vọng cổ... rồi trở thành Trưởng đoàn Văn công Bến Tre. Giữa tuổi thanh xuân có thể gác chuyện thê nhi để dốc toàn lực cho cuộc “đấu tranh này là trận cuối cùng”... Nhưng sống đến ngày chiến thắng mà không bao giờ có được hạnh phúc riêng tư lại là bi kịch lớn nhất của người đàn ông. Sức ép của trận bom dội xuống Giồng Trôm năm xưa đã gây chấn thương cột sống của người chiến sĩ trẻ. Nằm sấp trên công sự, anh viết vở tuồng nổi tiếng “Cây dừa đỏ” (giải thưởng sân khấu năm 1985).
Tên thật của anh là Huỳnh Văn Cam, sinh năm 1940 tại xã Thạnh Phú Đông (Giồng Trôm – Bến Tre), nhưng ai cũng gọi anh là Lê Huỳnh. Tên ghép từ họ cha và mẹ? Tôi buột miệng hỏi và bắt chước anh “Phải hông đó?”. Anh lắc đầu lộ vẻ xúc động:
- Sau năm 1950, chiến tranh ác liệt lắm. Ông Năm Lê (Lê Văn Thìn) ở thị xã Bến Tre đưa cả gia đình xuống ghe lánh về vùng quê, tiện đâu neo đó. Nhà nội tôi cặp sông Hàm Luông, tre lá thôi nhưng rộng rãi và gia đình ông được ở vô hạn định. Nhiều lần xới đất trồng cây ông nội tôi đào được những hũ tiền và ông báo với ông Năm Lê: “Tui “lỡ” đào trúng rồi, anh kiếm chỗ khác chôn đi!” . Bởi gia tộc tôi nghèo, làm gì có của cải chôn giấu, rõ ràng đây là tài sản của ông Năm Lê. Từ quý trọng nhau, nội tôi và ông Năm Lê đã nên bằng hữu.
Sau đó ông Năm Lê đưa tôi lên thị xã và nuôi tôi ăn học. Tôi về quê dạy học đến năm 1960 thì thoát ly, lấy bí danh “Lê Huỳnh” - ghép họ nội và họ của ông Năm Lê. Tôi nghĩ mình là đứa bé mồ côi, sống ở nông thôn heo hút, nếu ông Năm Lê không cho tôi ăn học thì tôi đã không có chút chữ nghĩa trước nuôi thân, sau đi làm cách mạng. Nếu tôi làm chút gì đó có ích thì cũng là noi gương nội tôi và ông Năm Lê: đưa cho người khác “một tay vịn”!
Trước đây anh từng nói với tôi rằng anh giúp trẻ em nghèo, mồ côi, người tàn tật chỉ vì chính anh từng là đứa trẻ nghèo, mồ côi và nhiều năm qua là người tàn tật; rằng tất cả những gì làm được là công lao của hàng vạn tấm lòng. Hôm nay anh khiêm tốn ví mình như “một tay vịn” (trong nhiều tay vịn) cho người khác bước qua cây cầu nghiệt ngã của số phận. Rồi anh từ biệt ra về. Vẫn trên chiếc xe gắn máy cũ, vẫn sau lưng chưa bao giờ có một người phụ nữ đi cùng, vẫn về ngôi nhà trong con hẻm mang tên một loài hoa đồng nội – ở đó không có người phụ nữ nào chờ đợi...
Đêm ở thị xã Bến Tre vốn yên tĩnh. Nhưng phải chăng có bão rớt, mưa ào ạt từng cơn mà con sông Hàm Luông bồn chồn vỗ sóng ồn ào! Tôi nghĩ về anh trong tiếng sóng gần, tiếng gió bão xa, mưa tạt ướt tóc mà không lạnh. Cảm giác bình an – ấm áp thường đến khi tôi thấy mình được sống giữa những người miễn nhiễm virus vô cảm và tràn ngập lòng nhân ái. Họ là số đông luôn hiện hữu quanh ta – dũng cảm vì cái thiện nhưng ngại ngùng trước những ngôn từ “toả sáng”!
Bởi vậy, Lê Huỳnh là một người bình thường thôi!
NGUYỄN THỊ KỲ