Có thể nói, chuyện thuế nhập sữa nguyên liệu hiện nay quá thấp đẩy người chăn nuôi bò sữa vào chỗ khốn khó cũng tương tự như chuyện thuế nhập khẩu thịt gia súc và gia cầm cuối năm 2008 làm người chăn nuôi đến chỗ gần như phá sản. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải tổ chức cuộc họp ở Hà Nội và TPHCM ghi nhận những khó khăn và kiến nghị của nhà chăn nuôi.
Sự việc bắt đầu từ việc cuối năm 2007, để hạn chế lạm phát trong nước, Bộ Tài chính hạ thuế nhập khẩu thịt đã qua giết mổ xuống dưới cả mức cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Khi tình hình lạm phát trong nước đã được kềm chế, lẽ ra nhà nước phải nhanh chóng điều chỉnh thuế suất nhằm bảo vệ người chăn nuôi, thế nhưng mãi đến khi tình hình chăn nuôi trong nước suy giảm tệ hại và báo chí liên tục lên tiếng, lúc đó nhà nước mới có động thái tăng thuế suất khẩu bằng hoặc gần bằng với mức Việt Nam cam kết với WTO.
Cũng thời điểm cuối năm 2007, thuế suất sữa nguyên liệu nhập khẩu cũng giảm gần một nửa so với mức cam kết của WTO. Sau khi góp phần kềm chế lạm phát, nền kinh tế đảo chiều, giá nguyên và nhiên vật liệu giảm, trong đó có mặt hàng sữa, Nhà nước cần điều chỉnh thuế trở lại để giúp sức cho người nuôi bò sữa trong nước. Nhưng việc này đã không được thực hiện kịp thời khiến cho sữa ngoại tràn vào, làm gần 20.000 hộ chăn nuôi bò sữa ngày càng kiệt sức.
Các doanh nghiệp (DN) chế biến mua sữa bột về hoàn nguyên rẻ hơn mua sữa tươi của người chăn nuôi trong nước nên tìm cách giảm giá mua sữa tươi thông qua việc siết chặt các yếu tố kỹ thuật. Năm 2007 cả nước bỏ ra 462 triệu USD để nhập khẩu sữa nguyên liệu, con số này năm 2008 tăng gần 16% lên 535 triệu USD.
Trong khi đó, từ 2001 đến 2005, mỗi năm đàn bò sữa cả nước tăng 25% (từ 41.000 con bò sữa lên 104.000 con). Đến cuối năm 2008, cả nước có 105.980 con bò sữa, 3 năm tăng thêm 1.860 con (tăng 0,4%/năm).
Do các DN hầu như sản xuất từ sữa bột nhập ngoại mà bỏ quên bà con nuôi bò sữa trong nước, nên ngành chăn nuôi luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro so với nhiều ngành nghề khác, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới suy thoái, nhiều quốc gia đưa ra hàng rào kỹ thuật để bảo hộ. Nhà nước phải có chính sách chia sẻ theo hướng tăng thuế nhập khẩu.
Hơn năm qua, giá nguyên liệu sữa bột nguyên kem và sữa bột gầy tại thị trường thế giới giảm 50% - 60%, còn 2.000 USD/tấn, tháng 1 xuống 1.900USD/tấn. Mức giá sữa nguyên liệu hiện nay bằng với thời điểm năm 2005, đồng nghĩa với mức giá bán lẻ sữa bột ở mức 100.000 - 105.000 đồng/hộp 400g, nhưng giá bán hiện tại của các nhãn hiệu sữa nước ngoài đều từ 150.000 - 200.000 đồng/hộp (400g), lãi trên 100%. Vậy mà khi Bộ NN-PTNT mới kiến nghị nâng mức thuế suất sữa thì các DN này lại rục rịch tăng giá.
Giờ đây người chăn nuôi bò sữa đang bị lẻ loi, phải tiếp tục gồng mình chịu đựng khi mà việc nâng thuế suất nhập khẩu của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) không nhận được sự đồng tình. Vì có ý cho rằng, tăng thuế suất là “bốc chưa đúng thuốc”.
Sau cuộc họp do Bộ Tài chính chủ trì với Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng về thuế nhập khẩu sữa, ý kiến của các bộ đã thống nhất nhau. Bộ Tài chính chỉ đồng ý điều chỉnh thuế nhập khẩu đối với sữa tươi nguyên liệu và thành phẩm từ mức 3%, 5% và 7% lên các mức 15%, 10% và 20% như đề xuất của Bộ NN-PTNT. Nhưng với thuế nhập khẩu các loại sữa bột, Bộ NN-PTNT đề nghị điều chỉnh trở lại theo đúng lộ trình WTO.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương lo ngại giá sữa bán lẻ trong nước tăng. Điều đáng nói, sữa bột nhập khẩu (về hoàn nguyên) là mặt hàng được nhập khẩu nhiều và cạnh tranh trực tiếp với người chăn nuôi bò sữa lại không tăng.
Trong khi đó, việc đề xuất tăng thuế suất sữa tươi nguyên liệu hầu như không có ý nghĩa vì ít DN nhập khẩu mặt hàng này do thời gian bảo quản cực ngắn. Điều này chẳng khác nào tự làm khó mình khi để sữa bột ngoại tràn vào, giết chết ngành chăn nuôi bò sữa trong nước.
Lẽ ra trong điều kiện không bình thường, nhà nước phải có biện pháp can thiệp trong việc quản lý giá, buộc DN niêm yết giá, qua đó có căn cứ để kiểm soát được đầu vào của các DN, kể cả DN nước ngoài để xử lý, yêu cầu phải bán theo giá niêm yết. Như vậy là vừa đảm bảo quyền lợi cho mấy chục triệu người tiêu dùng và bà con chăn nuôi bò sữa.
Không thể vin vào lý do ngại tăng giá mà để cả ngành chăn nuôi và chế biến sữa trong nước lao đao, ảnh hưởng đến cuộc sống bà con, những người nông dân vốn đã và đang bị thiệt thòi quá nhiều. Đối với ngành sản xuất, chế biến và kinh doanh sữa, phải cân bằng lợi ích giữa người nuôi bò, nhà chế biến và người tiêu dùng.
Chỉ khi cân bằng quyền lợi 3 thành phần này thì việc chăn nuôi, chế biến mới phát triển ổn định, người tiêu dùng mới có thể mua được sản phẩm với giá hợp lý. Chứ như hiện nay, bà con nông dân bán sữa tươi giá rẻ, người tiêu dùng mua sữa với giá trên trời, chỉ có DN hưởng phần lớn “chiếc bánh” lợi nhuận mà thôi
CÔNG PHIÊN