Sổ tay

Lẽ nào đến hẹn… lại ngập?

Nhiều năm qua, mực nước triều cường cuối năm ở TPHCM luôn ở mức cao và có xu hướng năm sau cao hơn năm trước. Tình trạng vỡ bờ bao vì triều cường ở vùng ven và ngoại thành là nỗi ám ảnh của nhiều bà con sống trong khu vực bị ảnh hưởng luôn lo ngại, không chỉ vì sự khó khăn trong sinh hoạt đi lại mà con vì ảnh hưởng rất lớn đến những hộ trồng hoa kiểng, đặc biệt là trồng mai bán dịp Tết Nguyên đán.

Năm nào cũng vậy, những đợt triều cường cuối năm thường gây thiệt hại đến việc sản xuất kinh doanh của những hộ trồng mai. Bên cạnh nỗi lo về thời tiết thất thường và ngày càng diễn biến phức tạp, khiến mai có thể ra hoa sớm hoặc trễ hơn thời điểm tết thì nỗi lo lắng nhất của bà con lại là những đợt triều cường cao và tình trạng vỡ bờ bao, gây ngập úng cả khu vực.

Chỉ riêng khu vực phường Thạnh Xuân (quận 12), gần 100 hộ trồng hàng chục hécta mai, cây cảnh khu vực bờ bao rạch Ông Đụng, khu vực này thường xảy ra tình trạng vỡ bờ bao là bị ngập trong nước nhiều ngày liền. Nhiều gốc mai thế, giá cả triệu đồng/gốc không chết vì thối rễ cũng bị bung nụ trước tết.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn TPHCM, nhiều khu vực ngoại thành bể bờ bao lặp đi lặp lại là khu vực theo sông Sài Gòn, nhất là quận 12 và Thủ Đức, cũng là 2 nơi có hộ trồng mai khá tập trung.

Làng mai ở các phường Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức)... luôn đối diện nguy cơ một mùa mai thất bát do triều cường. Riêng bờ bao rạch Ông Đụng (quận 12) trong năm 2010 bị bể gần 10 lần, có tháng bị bể 2-3 lần, gây thiệt hại người dân, nhất là những hộ trồng mai, hoa kiểng.

Lẽ nào tình trạng triều cường năm nào cũng xảy ra và vỡ bờ bao không phải là chuyện mới mà cả người dân và các địa phương lại không có biện pháp nào căn cơ để không phải tái diễn tình trạng “đến hẹn lại ngập”.

ĐĂNG LÃM

Tin cùng chuyên mục