
“Nghe vẻ nghe ve; Nghe vè nói ngược; Ngựa đua dưới nước, Tàu chạy trên bờ; Trên núi đặt lờ…”. Câu vè dân gian này nói lên sự ngược đời, trái khoáy trong một góc đời sống, sản xuất của người nông dân và phản ánh một nét sinh hoạt văn hóa dân gian trong hội hè ở nông thôn xưa.
Chiều tối: đi đặt lờ

Nhưng chuyện đặt “lờ ếch” ở vùng Thất Sơn, An Giang hiện nay lại là chuyện thật. Đó là việc người dân vùng Bảy Núi đặt lờ ở các cánh đồng lúa ven các chân núi ở hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, cũng kiếm được bộn tiền. Nói đến chuyện bắt ếch thì nông dân đồng bằng xưa nay có nhiều cách bắt chúng lắm. Chẳng hạn như móc ếch ở hang; cắm câu; nhắp ếch; bả thuốc ếch… Còn tại vùng Thất Sơn, nông dân lại có cách bắt ếch kiểu khác: Đặt lờ ếch. “Cứ đi theo và coi tui đặt lờ là biết liền hà” - anh Chau Bươl, nông dân ấp Tô Trung, xã Núi Tô, Tri Tôn, nói khi chúng tôi thắc mắc hỏi cách đặt lờ ếch như thế nào. Chỉ mới 4 giờ chiều, trên tỉnh lộ 948 đoạn thuộc địa bàn huyện Tri Tôn đã có rất nhiều nông dân gánh lờ ếch, đi dọc con lộ rồi rẽ xuống các cánh đồng lúa đặt lờ bắt ếch. Anh Bươl cũng vừa chuẩn bị xong “đồ nghề” như mồi ếch, lờ và đòn gánh. Anh xâu 30 cái lờ vào hai đầu đòn gánh và chúng tôi lên đường.
Cánh đồng mà chúng tui chọn đặt lờ ếch đêm nay có nhiều cây thốt nốt do người dân địa phương trồng bên bờ ranh ruộng gần Phụng Hoàng Sơn (núi Tô). Khi mặt trời khuất núi, anh Bươl kêu lên: “Có dấu chân ếch đây rồi”. Anh chọn chỗ vừa vặn cái lờ cặp bờ ranh ruộng, ngồi xuống móc đất cát ruộng “be” cho bằng phẳng và đặt cái lờ xuống. Xong, anh Bươl lấy cỏ bờ ranh đắp lên cái lờ. Anh chỉ cho tôi thấy dấu chân ếch “quào quào” ở mé bờ ranh, nói chắc chắn tối nay ếch sẽ đi ngang qua đây. Mồi ếch là những con cá rô, cá linh chết đã bốc mùi, được bỏ vào trong lờ, hấp dẫn những con ếch háo mồi đêm. Cứ thế, anh Bươl đặt một lèo hết 30 cái lờ ở những mé ruộng gần chân núi Tô. Trời bắt đầu tối, trên đường về, anh Bươl kể cho tôi nghe chuyện đặt lờ ếch. “Anh mua lờ giá bao nhiêu một cái? -tôi hỏi. Anh Bươl nói: “Tôi không mua mà tự tay làm lấy. Chỉ cần bỏ ra 50.000 đồng để mua 2 chục trúc và dây chì, dây gân, tôi làm được 30 cái lờ ếch”. Theo kinh nghiệm của anh Bươl, làm lờ ếch không khó, chỉ khó ở cách làm “hom lờ” sao cho hom không cứng cũng không mềm, để ếch đánh hơi mồi, chui vào thì dễ mà ra thì không được.
Sáng sớm: thu hoạch ếch
Mấy năm gần đây, vào mùa lũ ở các tỉnh ĐBSCL cũng là thời điểm nông dân vùng Tịnh Biên, Tri Tôn trồng lúa thần nông. Hiện tại, các loại giống lúa như IR 64, 2514 (cho thu hoạch trước Tết) đang giai đoạn đẻ nhánh.
Theo anh Bươl, nước lũ ngập ở các vùng Châu Thành, Thoại Sơn, Châu Đốc (An Giang) và bọc bên kia là dòng kinh Vĩnh Tế (giáp Campuchia) trắng xóa nước, nên ếch có xu hướng chạy vềà những cánh đồng lúa đang xanh này để sinh sống. Và cứ thế, người dân đặt lờ để bắt ếch. “Ở đây có ai cắm câu hay bã thuốc ếch không?” -tôi hỏi anh Bươl. “Cắm câu thì lỡ nhổ sót câu, gây nguy hiểm cho người dân đi ruộng sau đó. Còn bã thuốc thì diệt hết ếch, năm sau lấy đâu ra ếch nữa mà bắt” -anh Bươl nói rồi hẹn tôi 5 giờ sáng mai đi thăm lờ ếch. Đúng hẹn sáng sớm hôm sau, tôi và anh Bươl đi thăm lờ ếch. Sương giăng mờ mờ, thời tiết vùng núi giờ này lạnh buốt xương. Chúng tôi quên ngay cái lạnh giá buổi sớm khi cái lờ nào cũng có từ 1 đến 2 con ếch, con lớn nhất nặng khoảng nửa kg. Với 30 cái lờ ếch, vợ chồng anh Bươl thu được 5kg ếch. Anh Bươl vừa mang ếch về đến nhà thì đã có người đến, mua. Ông Chín Cọp ở cống 13-Tri Tôn, một mối lái vùng này, cho biết: “Cứ sáng sớm là chúng tôi chạy xe máy về vùng này, thu gom ếch của những nông dân vừa đi thăm lờ về. Hàng ngày, vựa của tôi mua khoảng vài trăm kg ếch”. Với giá 13.000đồng/kg ếch bán cho ông Chín Cọp, vợ chồng anh Bươl thu được 65.000 đồng. Có người đặt cả trăm cái lờ một đêm, thu nhập trên trăm ngàn đồng/ngày.
Thành Được