Lịch sử các chiến dịch nghe trộm LHQ của Mỹ

Lịch sử các chiến dịch nghe trộm LHQ của Mỹ

Một trong những tiết lộ của bộ tài liệu khổng lồ gồm 251.287 bức điện của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ vừa được “giải mật” sớm bởi WikiLeaks là “sắc lệnh” được đích thân Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ký, yêu cầu giới chức ngoại giao Mỹ thực hiện “thu thập thông tin” các nhà ngoại giao nước ngoài tại LHQ, kể cả Tổng Thư ký Ban Ki-moon. Trong thực tế, Mỹ luôn “rình rập” LHQ, thậm chí trước khi tổ chức quốc tế này hiện diện tại nước mình!

Chuyện cũ mà mới

Ngày 26-2-2004, cựu Bộ trưởng Anh Clare Short tiết lộ với hãng thông tấn - truyền hình BBC rằng tình báo Anh từng cài máy nghe trộm Văn phòng Tổng Thư ký LHQ Kofi Annan. Vụ việc nhanh chóng leo thang khi cựu chánh thanh sát vũ khí LHQ Richard Butler nói với một đài phát thanh Australia rằng điện thoại mình “tất nhiên” cũng bị nghe lén từ năm 1997 đến 1999 bởi ít nhất 4 thành viên Hội đồng Bảo an (Mỹ, Anh, Pháp và Nga). Mồi thêm dầu vào lửa, cựu Tổng Thư ký LHQ Boutros Ghali tâm sự với BBC rằng ông chẳng lạ gì màn nghe trộm LHQ. Và quả bom cuối cùng được châm từ phóng viên hãng thông tấn Australia ABC Andrew Fowler, với thông tin rằng vài nguồn tin từ Văn phòng đánh giá quốc gia Australia cho biết họ từng đọc được bản ghi các cuộc điện đàm của nguyên chánh thanh tra vũ khí LHQ Hans Blix…

Edward R. Stettinius (X) – “thầy” của nhiều ngoại trưởng Mỹ kế nhiệm trong thủ thuật nghe trộm giới chức ngoại giao nước ngoài tại Mỹ.

Edward R. Stettinius (X) – “thầy” của nhiều ngoại trưởng Mỹ kế nhiệm trong thủ thuật nghe trộm giới chức ngoại giao nước ngoài tại Mỹ.

Năm 2003, tờ The Observer từng gõ tiếng chuông đầu tiên khi cung cấp thông tin cho thấy cơ quan Tổng hành dinh thông tin chính phủ (GCHQ – nơi có chức năng tương tự Cơ quan an ninh quốc gia Hoa Kỳ) từng phối hợp tình báo Mỹ thực hiện chiến dịch nghe trộm các thành viên Hội đồng Bảo an (UNSC) từ cuối tháng 1-2003, khi chiến dịch thuyết phục UNSC ủng hộ cuộc tấn công Iraq bắt đầu bế tắc. Thông tin thu được sẽ cung cấp cho Bộ ngoại giao Mỹ để Ngoại trưởng Colin Powell làm “sườn bài” cho buổi thuyết trình trước UNSC vào ngày 5-2-2003. Hoạt động nghe trộm được chuẩn y từ Tổng Giám đốc GCHQ David Pepper và có thể liên quan Ngoại trưởng Anh Jack Straw (người chịu trách nhiệm tổng quát hoạt động GCHQ). Mục tiêu bị nghe lén gồm vài thành viên UNSC trong đó có Chile, Bulgaria, Cameroon, Angola, Guinea và Pakistan (những quốc gia có lá phiếu quyết định việc thông qua một nghị quyết thứ hai nhằm làm cơ sở pháp lý quốc tế để tấn công Iraq).

Với giới ngoại giao làm việc tại LHQ, vấn đề viên chức ngoại giao bị nghe trộm thật ra chẳng mới mẻ gì. Cựu Tổng Thư ký LHQ Boutros Ghali (nhiệm kỳ 1992 - 1996, từng bị chính phủ Bill Clinton gây áp lực rút khỏi đường đua tái tranh cử) cho biết, ngay từ ngày đầu tiên nhậm chức, ông đã được cảnh báo về nguy cơ văn phòng làm việc có thể bị cài máy nghe lén. Cựu Chánh thanh sát vũ khí LHQ Richard Butler cũng kể rằng ông thường giả vờ tản bộ ngoài công viên trung tâm New York để liên lạc điện thoại bởi văn phòng tại trụ sở LHQ bị cài bọ nghe trộm. Thời chiến tranh lạnh, việc nghe trộm trong nội bộ LHQ xảy ra như cơm bữa.

Arkady Shevchenko, viên chức ngoại giao cao cấp nhất của Liên Xô đầu binh cho Mỹ, từng bị buộc tội làm điệp viên nhị trùng cho Mỹ lẫn Liên Xô bên trong đấu trường LHQ vào thập niên 1970 (với tư cách Phó tổng thư ký LHQ). Có lúc, điệp viên Mỹ và Liên Xô rình rập mọi ngóc ngách trụ sở LHQ, từ phòng hội nghị, phòng họp báo, phòng tổng thư ký đến cả thư viện. Năm 1975, CIA bị “quả tó” khi cài (vào phòng báo chí nhìn xuống khu họp UNSC) một chuyên gia có kỹ năng “đọc môi” (hiểu được những gì người khác nói bằng cách quan sát sự nhép miệng từ khoảng cách xa). Năm 1999, một điệp viên Nga trong vỏ bọc nhân viên ngoại giao Nga tại LHQ cũng bị phát hiện và bị Mỹ trục xuất về nước. Và trong chiến dịch ngoại giao quanh vụ Iraq, tháng 6-2002, Mỹ cũng yêu cầu LHQ sa thải “viên chức ngoại giao” Abdul Rahman Saad (Iraq), sau khi phát hiện tay này lập kế hoạch tuyển một số công dân Mỹ làm tình báo cho Saddam Hussein…

Khó có thể biết chính xác ai là viên chức ngoại giao thật sự hoặc người nào là “kẻ gian” tại một nơi luôn mở cửa cho nhiều thành phần như ở LHQ, từ nhà ngoại giao đến giới báo chí. “Theo tôi, ai cũng muốn do thám kẻ khác và khi xảy ra khủng hoảng, các nước lớn thường do thám nhiều nhất” – Inocencio F. Arias, nguyên Đại sứ Tây Ban Nha tại LHQ (hiện là Tổng Lãnh sự Tây Ban Nha tại Los Angeles) nói. Một số chuyên gia cho rằng sẽ rất không bình thường nếu Chính phủ Mỹ không biết việc Tổng Thư ký Kofi Annan bị tình báo Anh nghe trộm.

Theo điều luật bí mật ký giữa Anh - Canada - Australia - Mỹ, Washington phải có trách nhiệm chia sẻ thông tin về những mục tiêu được theo dõi trong phạm vi nước Mỹ. Không thiết bị nghe trộm điện thoại nào được phép sử dụng tại Mỹ nếu không có trát tòa. Khi việc nghe trộm liên quan mục tiêu là giới chức ngoại giao nước ngoài, FBI hoặc NSA phải có sự chuẩn y trong khuôn khổ Đạo luật theo dõi tình báo nước ngoài và trong bất kỳ trường hợp nào tình báo Mỹ cũng không được nghe trộm tại LHQ. Ba hiệp định: Công ước quyền miễn trừ LHQ năm 1946, Thỏa ước Mỹ - LHQ về tính bất khả xâm phạm trụ sở LHQ năm 1947 và Công ước Vienna về quan hệ đối ngoại năm 1961 đã khẳng định tính không thể xâm phạm trụ sở LHQ. Tuy nhiên, đó là lý thuyết. Trong thực tế, gần như chưa bao giờ xảy ra vụ điều tra hoặc xử hành vi gián điệp nào của Mỹ tại LHQ.

Lịch sử nghe trộm

Và trong thực tế, Mỹ đã nghe trộm các phái đoàn ngoại giao nước ngoài thậm chí trước khi LHQ được thành lập tại New York. Trong quyển “Act of Creation - The Founding of The United Nations” (phát hành tháng 12-2003), học giả Mỹ Stephen C. Schlesinger (giám đốc Viện Chính sách thế giới thuộc Đại học New York) đã cho thấy việc sử dụng thủ thuật rình mò và nghe trộm tại đấu trường ngoại giao LHQ thật ra chẳng mới mẻ gì. Washington từng tiến hành chiến dịch nghe trộm từ ngay khi các phái đoàn quốc tế đến Mỹ để gút lại việc thành lập LHQ trong đó có phần đàm phán về nội dung Hiến chương LHQ. Xin trích chương 6 (đề tựa “Secret Agents, Big Power”) trong quyển sách trên…

Julian Assange tiếp tục gây choáng giới chức ngoại giao Mỹ với bộ tài liệu mới được tiết lộ.

Julian Assange tiếp tục gây choáng giới chức ngoại giao Mỹ với bộ tài liệu mới được tiết lộ. 

Bối cảnh sự kiện như sau: Năm 1942, các phái đoàn gồm 26 quốc gia đồng minh trong cuộc chiến chống phát xít Đức - Nhật đã thống nhất ý tưởng thành lập LHQ (trong đó có việc đồng ý sử dụng từ “United Nations” do Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt đề xuất). Năm 1944, bốn đại cường quốc Mỹ, Anh, Liên Xô và Trung Quốc gặp nhau tại Dumbarton Oaks (Washington DC) để phác họa một hiến chương cho tổ chức LHQ tương lai. Đầu năm 1945, từ ngày 4 đến 11-2-1945, Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt, Thủ tướng Anh Winston Churchill và lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin lại gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh Yalta, đề xuất một hội thảo quốc tế để gút lại những cách biệt cuối cùng cũng như bàn về nội dung Hiến chương LHQ (dự kiến hội nghị trên tổ chức tại San Francisco ngày 25-4-1945). Và Hội nghị San Francisco chính là nơi Mỹ thực hiện chiến dịch tình báo nhằm lôi kéo đồng minh trong một tổ chức LHQ tương lai. Trước khi hội nghị khai mạc và kéo dài 2 tháng, gần như tất cả 45 phái đoàn ngoại giao các nước đều bị theo dõi và nghe trộm.

Chiến dịch do thám các phái đoàn ngoại giao được thực hiện quy mô với sự tham gia của mạng lưới tình báo cùng lực lượng an ninh liên bang Mỹ và được báo cáo chi tiết cho Ngoại trưởng Mỹ Edward R. Stettinius lúc bấy giờ. Nhờ trợ giúp từ Cơ quan an ninh tín hiệu quân đội Hoa Kỳ (SSA – tiền thân Cơ quan an ninh quốc gia, NSA) cùng Cục Điều tra liên bang (FBI), Stettinius biết được gần như mọi tính toán của các nước trước khi cùng nhau ngồi vào bàn Hội nghị San Francisco. Nhờ trạm bắt tín hiệu tại căn cứ quân sự Presidio (San Francisco), không cuộc nói chuyện điện thoại hoặc bức điện tín ngoại giao nào có thể lọt khỏi sự kiểm soát Washington. Với tính đa dạng của nguồn thông tin thu thập được (phân thành 3 loại: quân sự, chính trị và kinh tế), Washington sau này đã bước vào Hội nghị San Francisco với thế hoàn toàn chủ động và “trên cơ”.

Vấn đề trên mọi vấn đề – đối với Stettinius – là vận động cho quy chế lá phiếu phủ quyết (veto) dành cho thành viên thường trực Hội đồng Bảo an. Qua thư tín ngoại giao đọc trộm, Stettinius biết rằng các nước nhỏ đều đến Hội nghị San Francisco với tinh thần chống quy chế veto. Bức điện tín đọc lén của ngoại trưởng Chile cho thấy nước này đã tung viên chức ngoại giao đến nhiều quốc gia để thăm dò ý kiến về quy chế phủ quyết dành cho ngũ đại cường quốc trong nhóm thành viên thường trực UNSC. Chuyến thăm dò marathon cho thấy có ít nhất 5 nước Costa Rica, Cuba, Ý, Thụy Sĩ và Vatican – đã ủng hộ Chile. Cuối tháng 3-1945, Thổ Nhĩ Kỳ cũng bày tỏ lo lắng về quy chế veto, bởi Thổ có thể là nạn nhân, một khi trở thành trung tâm điểm của xung đột chính trị giữa tư bản và cộng sản, do yếu tố địa lý đặc biệt của nước này (“vùng đệm” giữa châu Âu và châu Á). Ngay cả Pháp cũng không muốn áp dụng quy chế veto, bởi có thể đối phó nhiều ràng buộc nhất định. Đầu tháng 3-1945, Bidault chỉ thị Đại sứ Pháp tại Moscow vận động Liên Xô không ủng hộ quy chế veto.

Nắm được thông tin trên, càng gần đến ngày khai mạc Hội nghị San Francisco, Stettinius càng tăng cường điệp khúc với Pháp về việc Paris hãy suy nghĩ kỹ về vai trò và quyền lợi với tư cách thành viên thường trực thứ năm UNSC. Chiến thuật tâm lý xảy ra trong bối cảnh Pháp đang khó khăn trong việc duy trì sức mạnh tại các thuộc địa, mất dần uy tín trước các nước nhỏ và đặc biệt là cơn bão chống chính sách thực dân đang kéo vần vũ trên đầu họ tại San Francisco. Cuối cùng, Paris đầu hàng và ngưng trò vận động hủy bỏ veto – một quy chế mà sau này Washington đã sử dụng làm đòn gây sức ép ngoại giao cực kỳ hiệu quả, nhất là trong cuộc chiến tranh lạnh với Liên Xô, kể từ khi Washington bỏ lá phiếu veto đầu tiên vào ngày 17-3-1970…

MẠNH KIM

Tin cùng chuyên mục