
Bài 1: Những chuyện thú vị
Nước Mỹ đang tích cực chuẩn bị cho lễ tuyên thệ nhậm chức của tân Tổng thống Barack Obama. Những nguồn tin nội bộ cho biết, lễ nhậm chức này sẽ có sự tham gia của nhiều ca sĩ, nghệ sĩ vĩ cầm, dương cầm, violoncell cùng nhiều nhạc sĩ nổi tiếng khác. Những người tham dự buổi lễ đặc biệt này còn có dịp gặp gỡ các thành viên phi hành đoàn tàu con thoi “Endeavour”, chiêm ngưỡng mẫu con tàu chạy trên mọi địa hình vừa được thiết kế cho mục đích chuyên chở các phi hành gia Mỹ trên mặt trăng.
Tuy nhiên, có một nội dung cũng được rất nhiều người quan tâm chính là những nghi lễ truyền thống sẽ được tiến hành trong buổi lễ này, cũng như những chuyện thú vị xung quanh các lễ nhậm chức trước đó…
Lễ nhậm chức đầu tiên
Lễ tuyên thệ nhậm chức là một truyền thống chính trị tại Mỹ, ra đời gần như đồng thời cùng với chế độ tổng thống. Từ lâu nay, nó vẫn được coi là một trong những lễ hội chính trị sang trọng và rực rỡ nhất của nước Mỹ.
Theo Jim Bendat, tác giả cuốn sách “Democracy’s Big Day: The Inauguration of our President” (Ngày vĩ đại của nền dân chủ: Lễ nhậm chức của tổng thống chúng ta) đây là một lễ hội rất tốn kém, đòi hỏi một quá trình chuẩn bị lâu dài và kỹ càng. Nó yêu cầu phải có sự tham gia của hàng chục ngàn người. Ví dụ như lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Bush vào năm 2001 đã tiêu tốn của ngân sách Mỹ khoảng 1 triệu USD.

Bức tranh mô tả lễ nhậm chức đầu tiên của Tổng thống Geroge Washington
Tuy nhiên, chi phí thực tế cho ngày lễ này thường tốn kém hơn hàng chục lần do nó còn được bù đắp một phần nhờ tiền bán vé, tiền quyên góp của cá nhân, tập đoàn kinh tế cũng như công việc của rất nhiều người trợ giúp tình nguyện.
Lễ nhậm chức đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ diễn ra vào ngày 30-4-1789 tại thủ đô New York (thành phố Washington khi đó còn chưa được thành lập). Trước đó vào ngày 6-4, người ta đã chính thức tuyên bố việc George Washington được bầu làm tổng thống, còn John Adams được bầu làm phó tổng thống Mỹ.
Ban đầu, Phó Tổng thống Adams theo truyền thống quân chủ đã đề nghị gọi tổng thống là “His Most Benign Highness” (Đấng tối cao hiền hòa nhất) nhưng quốc hội đã chọn một cái tên đơn giản hơn nhiều là “President of the United States” (Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ) và nó vẫn được sử dụng cho đến ngày nay.
Vào ngày diễn ra buổi lễ, Tổng thống Washington trong tiếng nổ của những loạt đạn pháo và tiếng chuông nhà thờ đã đi vào tòa nhà quốc hội. Ông ta đặt tay trái của mình lên cuốn kinh thánh và trịnh trọng tuyên bố những lời đã được ghi vào trong Hiến pháp Mỹ: “Tôi xin trang trọng thề rằng, sẽ thực hiện mọi nghĩa vụ của tổng thống Hoa Kỳ một cách trung thực và hứa sẽ làm tất cả trong khả năng của mình để thực thi và bảo vệ hiến pháp nước Mỹ”.
Câu nói trên vẫn được tất cả các đời tổng thống Mỹ nhắc lại trong mỗi buổi lễ nhậm chức cho tới ngày nay. Sau câu tuyên thệ này, Washington còn bổ sung một câu nữa về sau cũng trở thành “truyền thống”: “Thượng đế sẽ giúp tôi!”. Bắt đầu từ lễ nhậm chức thứ hai, chủ tịch tòa án tối cao Mỹ là người đứng ra đón nhận lời thề của tổng thống và quy định này vẫn tồn tại cho tới ngày nay.
Những nghi lễ đặc biệt
Sau lần ra mắt đầu tiên của George Washington trên cương vị tổng thống, những lễ tuyên thệ nhậm chức tiếp theo của các tổng thống Mỹ được quy định diễn ra vào ngày 4-3. Đến khi Tổng thống Franklin Roosevelt lên nắm quyền vào năm 1933, hiến pháp đã được sửa đổi để ấn định một ngày tuyên thệ nhậm chức mới - ngày 20-1. Mốc thời điểm này vẫn được duy trì cho tới ngày nay.
Thường vào khoảng giữa trưa của ngày này, chiếc xe hơi chở vị tổng thống sắp mãn nhiệm kỳ và người sắp kế nhiệm mình sẽ tiến tới đồi Capitol (là trụ sở của Quốc hội Mỹ). Khu vực cầu thang phía Tây của tòa nhà sẽ là nơi chủ tịch tòa án tối cao dẫn tân tổng thống vào nơi tuyên thệ trước sự chứng kiến của các nghị sĩ.
Sau bước tuyên thệ tiếp theo của tân phó tổng thống, nguyên thủ mới của nước Mỹ sẽ đọc một bài diễn văn nhậm chức. Bài diễn văn đầu tiên của Washington trong lễ nhậm chức chỉ có 135 từ. Còn “kỷ lục gia” về nói dài là Tổng thống William Henry Harrison, người vào buổi lễ nhậm chức năm 1841 đã phát biểu tổng cộng 8.445 từ trong gần hai giờ đồng hồ.
Ban đầu, những bài nói tương tự chỉ nhằm vào đối tượng là những người trực tiếp tham gia buổi lễ, nhưng về sau nó được coi là một thông cáo chính trị của người đứng đầu nhà nước đối với toàn thể người dân Mỹ. Câu nói được coi là nổi tiếng nhất trong một lễ nhậm chức là của John Kennedy vào năm 1961: “Đừng hỏi là đất nước có thể làm gì cho bạn mà hãy hỏi bạn có thể làm gì cho đất nước”.
Còn một chi tiết quan trọng nữa được diễn ra trong ngày nhậm chức chính là việc trao đổi quyền lực về hình thức giữa các ông chủ Nhà Trắng. Người tiền nhiệm theo truyền thống sẽ viết những bức thư cảm tạ các nhân viên của mình, cũng như lời dặn dò đối với tổng thống mới. Đoàn xe chở tổng thống sau đó sẽ nối đuôi khởi hành từ đồi Capitol tới Nhà Trắng theo đại lộ Pensylvania.
Một chi tiết đáng chú ý nữa là hai tổng thống mới và cũ sẽ đổi chỗ cho nhau trên chiếc Limousine: người mới ngồi bên phải và người tiền nhiệm bên trái (trước đó trên đường đến đồi Capitol thì ngược lại). Thông thường, bất cứ một buổi lễ nhậm chức tổng thống nào cũng đều được kết thúc bằng một vũ hội linh đình.
Tổng thống thứ ba của nước Mỹ Thomas Jefferson là người đầu tiên tổ chức lễ nhậm chức tại thủ đô mới - thành phố Washington. Từ năm 1981, lễ nhậm chức được tổ chức ngoài trời, sát tòa nhà phía Tây của điện Capitol, nơi họp hành của Quốc hội Mỹ. Buổi lễ đầu tiên được phát thanh trực tiếp trên radio là vào năm 1925, còn buổi truyền hình trực tiếp đầu tiên diễn ra vào năm 1949. Tổng thống Bill Clinton là nguyên thủ đầu tiên của Mỹ đã ra lệnh xây dựng một website đặc biệt và tổ chức tường thuật trực tiếp trên mạng Internet vào năm 1997. Cho tới giờ, lễ nhậm chức thứ hai George Bush vẫn là lễ nhậm chức được đánh giá là tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ, với tổng số tiền chi phí tới 40 triệu USD, tất cả đều từ quỹ của các công ty tư nhân. |
Bài 2: Lễ tuyên thệ của Barack Obama
Trưa ngày 20-1-2009, buổi lễ nhậm chức của tân Tổng thống Barack Hussein Obama sẽ được tổ chức trọng thể ngay cạnh trụ sở quốc hội Mỹ ở đồi Capitol. Cơ quan phát của Ủy ban Quốc hội chuyên phụ trách về các lễ nhậm chức đã chính thức thông báo, trong buổi lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống Barack Obama sẽ có các tiết mục biểu diễn của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như ca sỹ Aretha Franklin, nghệ sĩ vĩ cầm Itshak Perlman, nghệ sĩ dương cầm Gabriela Montero, nghệ sĩ chơi violonsen Yo-Yo Ma…
Cơ hội kinh doanh
Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là phần chính của chương trình. Sau thủ tục tuyên thệ và bài phát biểu nhậm chức, ông Obama sẽ tham dự bữa ăn trưa theo truyền thống với các nghị sĩ quốc hội. Tiếp đó, tân tổng thống sẽ dẫn đầu đoàn diễu hành dọc theo Washington từ đồi Capitol tới Nhà Trắng. Đáng chú ý trong lễ diễu hành này sẽ có phần giới thiệu con tàu du hành trên mọi địa hình mới được thiết kế để chuyên chở các nhà du hành vũ trụ Mỹ trên mặt trăng.
Cũng theo ủy ban trên, con tàu có khả năng cơ động cao này được thiết kế với một buồng kín nạp đầy không khí, cho phép các phi hành gia có thể đi lại trên xe mà không cần phải mặc những bộ đồ du hành có kèm theo bình dưỡng khí. Con tàu này hiện đang trải qua những bước thử nghiệm tại những khu vực có địa hình giống trên mặt trăng, trước khi dự kiến được các nhà du hành vũ trụ Mỹ mang theo trong chuyến quay trở lại hành tinh này vào năm 2020. Theo lời mời của chính tân tổng thống, trong lễ diễu hành còn có sự tham gia của 6 thành viên phi hành đoàn trên tàu con thoi “Endeavour” vừa hoàn tất chuyến bay 16 ngày trên vũ trụ.

Lễ nhậm chức của Barack Obama vào ngày 20-1-2009 sắp tới được đánh giá là sẽ rất hoành tráng
Dù chưa thể khẳng định được về mức độ tốn kém so với lễ nhậm chức nhiệm kỳ hai của George Bush (hiện vẫn đang giữ kỷ lục về chi phí) nhưng ngày vui này của ông Obama có lẽ sẽ “hoành tráng” hơn.
Theo các đánh giá ước tính, buổi lễ này sẽ thu hút được khoảng từ 2 đến 4 triệu người tập trung quanh các địa điểm diễn ra buổi lễ để trực tiếp theo dõi. Trong khi lễ nhậm chức thứ hai của ông Bush vào đầu năm 2005 chỉ có khoảng 500.000 khán giả.
Lễ tuyên thệ của tổng thống da đen đầu tiên của nước Mỹ chắc chắn sẽ thu hút được sự chú ý đặc biệt của người dân, bất chấp thời tiết giá lạnh ngoài trời, cũng như phải tuân thủ những nguyên tắc nghiêm ngặt về an ninh. Chẳng hạn như những người trực tiếp tới theo dõi sự kiện này sẽ không được phép mang theo dù, ba lô hay xe nôi trẻ em…
Về phía lực lượng đảm bảo an ninh, số lượng cảnh sát tại Washington sẽ tăng lên gấp đôi với sự góp mặt thêm của 4.000 nhân viên tình nguyện tới từ khắp nơi trên cả nước. Lầu Năm Góc cũng đã có kế hoạch triển khai một đội quân ít nhất là 5.000 binh sĩ tại đây.
Các quan chức Washington cho biết, họ dự tính sẽ chi ít nhất là 40 triệu USD cho lễ nhậm chức của Barack Obama. Đó là chưa kể những khoản nhiều triệu đô la khác thu được từ tiền bán vé cho các cá nhân muốn tham dự vào những sự kiện như buổi khiêu vũ. Chẳng hạn như trên Internet, những tấm vé tham dự trọn gói bao gồm cả khách sạn có giá tới hàng chục ngàn USD. Tất cả 95.000 phòng khách sạn tại Washington đã được đặt hết từ trước, khiến nhiều người chậm chân buộc phải tìm khách sạn tại những khu vực lân cận như Virginia và Maryland.
Ngoài ra, Chính phủ Mỹ đã cho in tới 250.000 chiếc vé tham dự lễ tuyên thệ, được tổ chức ngay ngoài trời giá lạnh dưới chân đồi Capitol. Số vé này sẽ không bán mà được chia cho các nghị sĩ để phân phát miễn phí cho các cử tri.
Ngay cả khi số vé này chưa được phân phát, trên mạng đã có không ít những những lời chào bán với giá được hét tới 40.000 USD. Con số vài triệu người tập trung tại Washington (thành phố có số dân chỉ là 588.000 người) chắc chắn sẽ khiến hệ thống cơ sở vật chất phục vụ bị quá tải. Đầu tiên là các phương tiện vận tải công cộng, chưa kể khoảng 10.000 xe buýt thuê dự kiến sẽ tới đây mà không đủ chỗ đậu xe.
Sẽ là một buổi lễ tiết kiệm?
Cho dù lễ mở đầu “kỷ nguyên của Obama” sẽ được đông đảo người dân Mỹ đón chào với nhiều hy vọng nhưng theo ý kiến của nhiều chuyên gia, tân tổng thống nên quyết định tổ chức một cách tiết kiệm sao cho phù hợp với thời buổi khủng hoảng kinh tế hiện nay. “Đây không phải là thời điểm thích hợp cho chuyện tiệc tùng - một cử tri Mỹ đã có ý kiến phát biểu trên trang web www.presidential-inauguration.com - Có lẽ sẽ là một cử chỉ gây ấn tượng đối với ông bà Obama nếu như họ quyết định từ bỏ tiệc tùng và dạ hội nếu tính tới tình cảnh nền kinh tế của chúng ta vào lúc này”.
Trong quá khứ, đã có những tổng thống có những quyết định tương tự. Trong thời kỳ suy thoái năm 1933, Tổng thống Franklin Roosevelt đã quyết định từ bỏ lễ khiêu vũ, trước khi lặp lại điều tương tự vào năm 1937. Còn Tổng thống Jimmy Carter đã quyết định không ngồi lên chiếc Limousine để đi bộ dọc theo đại lộ Pennsylvania, đồng thời quy định giá vé tối đa để tham dự buổi khiêu vũ là 25 USD.
NHƯ QUỲNH (tổng hợp)
(SGGP 12G)