Liên hiệp Anh chia rẽ vì Brexit

Thủ tướng Anh Theresa May cảnh báo về một cuộc “khủng hoảng hiến pháp toàn diện” trừ khi có thỏa thuận về các điều khoản của việc Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit) giữa Chính phủ Anh với chính quyền các thành viên thuộc Liên hiệp Anh.

Theo tờ The Guardian, lời cảnh báo trên được đưa ra ngay trước thềm cuộc gặp giữa Thủ tướng May với Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon, Thủ hiến xứ Wales Carwyn Jones và Thủ hiến Bắc Ireland Arlene Foster vào ngày 24-10. Đây là cuộc gặp đầu tiên của họ từ khi diễn ra cuộc bỏ phiếu Brexit hôm 23-6. Không còn cách nào khác là 4 nhà lãnh đạo này phải đồng thuận để Anh kích hoạt Điều 50, chính thức bắt đầu quá trình Brexit. Ngược lại, chỉ cần một chính quyền trong Liên hiệp Anh không đồng ý Brexit, tiến trình này sẽ gặp sự cố nghiêm trọng, đe dọa quan hệ giữa các thành viên.

Trước cuộc họp, bà Sturgeon và ông Carwyn Jones chính thức đề xuất rằng bất kỳ cuộc đàm phán nào liên quan đến Brexit đều phải thông qua các cuộc bỏ phiếu ở cả 4 quốc hội thành viên. Mặc dù Quốc hội Anh vẫn có chủ quyền và hợp pháp có thể bỏ qua ý kiến của các thành viên, nhưng sự phân cấp và chia rẽ sẽ ngày càng trầm trọng hơn.

Trái với Anh và Xứ Wales, Scotland và Bắc Ireland không muốn rời EU. Scotland còn có kế hoạch trưng cầu dân ý lần thứ hai về việc rời khỏi Anh để ở lại EU. Các cuộc khẩu chiến giữa Anh và Scotland tiếp tục dâng cao kể từ khi bà Sturgeon công bố dự thảo luật về trưng cầu độc lập thứ hai.

Lãnh đạo Scotland thuộc đảng Dân tộc (SNP) cho biết, bà đã có định hướng rõ ràng tổ chức một cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý thứ hai cho người dân Scotland vì SNP đã được bầu hồi tháng 5 với cam kết như vậy. Bà tin rằng so với cuộc trưng cầu năm 2014, đã có thay đổi đáng kể về việc Scotland tách khỏi Anh. Đặc biệt khi đa số dân Scotland bỏ phiếu chống lại việc rời khỏi EU, xem điều đó là chống lại ý chí của người dân Scotland. Theo Thủ hiến Sturgeon, Scotland phải đảm bảo một mối quan hệ gần gũi với châu Âu, bao gồm thành viên của Eurozone. Chính quyền Scotland sẽ đưa ra các đề xuất chi tiết để chuẩn bị cho việc kích hoạt của Điều 50. Tuy nhiên, người phát ngôn Chính phủ Anh đã bác bỏ các kế hoạch trưng cầu thứ hai về việc Scotland rời khỏi Anh vì điều đó mới diễn ra cách đây chỉ 2 năm.

Về phần mình, Thủ tướng Anh Theresa May cho rằng tiến trình Brexit phải dựa trên nguyện vọng của đại đa số người dân trong Liên hiệp Anh chứ không thể tiến hành một cách vội vã. Trang mạng iNews của Anh dẫn lời bà May: “Sự thịnh vượng mà chúng ta có được trong quá khứ xuất phát từ nền tảng liên hiệp mạnh. Điều đó cũng sẽ rất quan trọng cho sự thành công của chúng ta trong tương lai”.

Nếu kịch bản “Brexit cứng” diễn ra, có nghĩa Anh rời khỏi khu vực tự do thương mại của EU và giảm quan hệ xuống chỉ còn ở mức các thỏa thuận thương mại đơn thuần. Tờ The Times công bố số liệu cho thấy nền kinh tế Anh có thể mất 66 tỷ bảng Anh (81 tỷ USD) mỗi năm nếu Anh rời EU theo “kịch bản cứng”. Theo Bộ trưởng Giao thông Vận tải Anh Chris Grayling, Anh là thị trường xuất khẩu quan trọng của EU. Anh và EU cần giữ quy chế miễn thuế trong thương mại cũng như các thỏa thuận thương mại phù hợp để đảm bảo các lợi ích chung.

KHÁNH MINH

Tin cùng chuyên mục