Liên hiệp quốc nhận định: Nội chiến toàn diện ở Syria

Xung đột leo thang
Liên hiệp quốc nhận định: Nội chiến toàn diện ở Syria

Ngày 13-6, Cơ quan Giám sát nhân quyền Syria cho biết, có ít nhất 72 người thiệt mạng trong các cuộc xung đột trên khắp Syria vào ngày 12-6. Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các hoạt động gìn giữ hòa bình Herve Ladsous khẳng định cuộc xung đột kéo dài 15 tháng qua tại Syria đã phát triển thành một cuộc nội chiến toàn diện.

Chính phủ Syria đã mất nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn ở một số thành phố vào tay phe đối lập.

Chính phủ Syria đã mất nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn ở một số thành phố vào tay phe đối lập.

Xung đột leo thang

Theo LHQ, tính đến nay đã có khoảng 14.100 người thiệt mạng kể từ khi cuộc xung đột đòi lật đổ chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad bùng nổ vào tháng 3 năm ngoái. Ông Herve Ladsous nhận định: “Mức độ bạo lực đang gia tăng nghiêm trọng và phần nào phản ánh một số thay đổi về bản chất cuộc xung đột, vì “không chỉ xe tăng và đạn pháo được sử dụng mà đã xuất hiện cả trực thăng chiến đấu. Xung đột đang leo thang trên diện rộng vì phe đối lập cũng kháng cự quyết liệt”.

Phó Tổng Thư ký Ladsous là quan chức cao cấp nhất của LHQ nhận định tình hình Syria đang biến thành nội chiến. Phản ứng trước nhận định trên, ngày 13-6, Trung Quốc tuyên bố tình hình tại Syria đã đến “thời điểm quan trọng” và bày tỏ lo ngại khi Syria đã bước vào “cuộc nội chiến toàn diện”. Ngay lập tức Bộ Ngoại giao Syria tuyên bố việc LHQ nhận định Syria đang trong tình trạng nội chiến là “mô tả không thực tế” về cuộc xung đột này và khẳng định những gì đang diễn ra ở Syria là một cuộc chiến chống các nhóm khủng bố vũ trang.

Trước đó, đặc phái viên LHQ và Liên đoàn Arập (AL), ông Kofi Annan, kêu gọi các quốc gia có nhiều ảnh hưởng trên thế giới cần gia tăng sức ép thực thi kế hoạch hòa bình 6 điểm ở Syria nhằm ngăn chặn bạo lực leo thang. Còn theo Bộ Ngoại giao Syria, chính quyền ở Damascus vẫn tuân thủ kế hoạch hòa bình 6 điểm của đặc phái viên Annan, trong khi các nhóm vũ trang được phương Tây hậu thuẫn không thực thi kế hoạch này.

Phương Tây gây sức ép với Nga

Rõ ràng, những gì đang xảy ra là Chính phủ Syria đã mất nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn ở một số thành phố vào tay phe đối lập và đang muốn giành lại quyền kiểm soát những khu vực này. Ngày 12-6, phát biểu tại một cuộc nói chuyện tại Viện Nghiên cứu Brookings ở Washington, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tiếp tục gây sức ép với Nga, cáo buộc Nga, một đồng minh thân cận của Syria, “đã gián tiếp làm cho tình hình bạo lực càng leo thang bằng cách gửi máy bay trực thăng chiến đấu cho Tổng thống al-Assad”. Tuy nhiên, ngày 13-6, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh rằng Mátxcơva chỉ chuyển cho Damascus “các loại vũ khí thông thường” liên quan đến công tác phòng không và việc này hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế. Ông Lavrov còn cáo buộc Mỹ cung cấp vũ khí cho lực lượng chống đối ở Syria, làm trầm trọng thêm cuộc xung đột tại nước này. Đây là lần đầu tiên Mátxcơva (Moscow) trực tiếp chỉ trích Washington. Trước đó, Nga chỉ nói đến “các nước ngoài” đang hỗ trợ vũ khí cho phe đối lập tại Syria.

Cùng ngày, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby phát biểu trong cuộc họp báo cùng ngày nói rằng, cơ quan tình báo Mỹ không hề có thông tin về các loại trực thăng mà Chính phủ Syria sử dụng để chống lại phe nổi dậy và từ chối khẳng định đó là máy bay của Nga.

Ngày 13-6, từ Australia, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen tuyên bố, sự can thiệp quân sự nước ngoài không phải là “con đường đúng” cho Syria, dù LHQ đã xác nhận quốc gia này đã rơi vào nội chiến. Theo ông Rasmussen, NATO không có kế hoạch nào trong giai đoạn này và việc HĐBA LHQ thất bại khi không đạt được thỏa thuận là một sai lầm lớn, đồng thời nhận định Nga có thể có một vai trò then chốt trong việc làm trung gian hòa giải. Tuyên bố của ông Rasmussen cũng được nhận định là nhằm gây sức ép với Nga để nước này có giải pháp với Syria.

Ngày 13-6, báo Ria Novosti của Nga đưa tin, trong một bức thư gửi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John Cornyn đã kêu gọi Lầu Năm Góc có hành động trừng phạt công ty xuất khẩu của Nga Rosoboronexport vì đã trang bị vũ khí cho chính quyền Tổng thống al-Assad và lực lượng an ninh chính phủ đã dùng vũ khí của Nga để bắn phá thành phố Homs. Ngoài ra, ông Cornyn còn đề nghị Washington xem xét hủy bỏ hợp đồng mua 21 trực thăng Mi-17 của Nga bổ sung cho lực lượng Mỹ tại Afghanistan. Tuy nhiên, Mátxcơva khẳng định những chuyến hàng vũ khí vận chuyển đến Damascus không vi phạm bất kỳ luật pháp quốc tế nào.

Hạnh Chi (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục