Từ ngày 25 đến 30-8, Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM (HBSO) tổ chức Liên hoan nghệ thuật Giai điệu mùa thu 2015. Liên hoan năm nay đánh dấu quãng đường 10 năm hoạt động và phát triển với sự đầu tư chu đáo, có chất lượng, hội tụ ngày càng nhiều những tài năng nghệ thuật hàn lâm trong và ngoài nước tham gia.
Hội tụ tài năng
Giai điệu mùa thu ra mắt lần đầu tiên vào tháng 8-2005, giới thiệu đến công chúng những tài năng trẻ Việt Nam đã và đang học tập, rèn luyện, biểu diễn, đạt được những thành tựu trong và ngoài nước ở lĩnh vực nghệ thuật âm nhạc hàn lâm. Chương trình đầu tiên đã mở màn cho một hoạt động nghệ thuật mang tính chuyên nghiệp, diễn ra định kỳ vào tháng 8 hàng năm.
Chương trình hòa nhạc của liên hoan Giai điệu mùa thu luôn đem đến cho người nghe nhiều cảm xúc.
Tuy không phải năm nào Giai điệu mùa thu cũng thắng lớn. Có những thời điểm kinh tế khó khăn, nghệ sĩ trong và ngoài nước vướng kế hoạch lưu diễn ở các chương trình, liên hoan, cuộc thi quốc tế… nhưng Giai điệu mùa thu vẫn được tổ chức có chất lượng. Vui mừng hơn là chương trình này đã và đang ngày càng phát triển mở rộng, từ nội dung tổ chức - biểu diễn nhiều loại hình nghệ thuật: giao hưởng, thính phòng, thanh nhạc, nhạc kịch, độc tấu, hòa tấu, múa ba lê, múa đương đại… thể hiện tác phẩm nổi tiếng của các nhà soạn nhạc danh tiếng thế giới và những tác phẩm Việt Nam. Chương trình còn liên tục giới thiệu nhiều tài năng nghệ thuật Việt Nam đang làm việc trong nước, ở nước ngoài, từng đoạt nhiều danh hiệu, giải thưởng nghệ thuật danh giá của quốc tế và nghệ sĩ các nước đến TPHCM tham gia biểu diễn mà không tính toán chuyện thù lao. Có đoàn, có nghệ sĩ còn ủng hộ Giai điệu mùa thu bằng việc tự túc chi phí đi lại, ăn ở…
Một festival nghệ thuật chất lượng
Năm nay, Giai điệu mùa thu bước vào tuổi lên 10 và được tổ chức đa dạng với hàng chục hoạt động biểu diễn tại Nhà hát thành phố, biểu diễn ngoài trời, giao lưu, diễn giải về các loại hình nghệ thuật hàn lâm. Đây cũng là lần đầu tiên, liên hoan có sự tham gia của gần 200 nghệ sĩ xuất sắc ở Việt Nam, quốc tế và các tài năng Việt Nam ở nước ngoài. Trong đó, nổi bật có biên đạo múa Bùi Anh Quân (Bỉ) - thành viên của đoàn Les Ballet C de la B. Anh từng làm việc với hàng chục đoàn múa chuyên nghiệp của châu Âu; nghệ sĩ violin Stephane Trần Ngọc (Pháp) đoạt hàng loạt giải thưởng violin quốc tế danh giá, từng biểu diễn trên 30 quốc gia và những nhà hát nổi tiếng nhất trên thế giới; nhạc trưởng Lê Phi Phi (Macedonia), nhạc trưởng Honna Tetsuji (Nhật Bản); nghệ sĩ violin Bùi Công Duy; đoàn nghệ sĩ Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam - Hà Nội, nghệ sĩ sáo gỗ Paul Leenhouts (Hà Lan), nghệ sĩ violin Cynthia Roberts (Mỹ), Ania Bard-Schwarz (Ba Lan), Vũ Việt Chương (người Mỹ gốc Việt); nghệ sĩ cello Allen Whear (Mỹ), Grace Ho (Đài Loan); 12 nghệ sĩ dàn nhạc kèn Hải quân Hoàng gia Na Uy…
NSƯT Trần Vương Thạch, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM, cho biết: “Sau thành công của chương trình Giai điệu mùa thu những năm đầu, nhà hát cố gắng tổ chức định kỳ hàng năm gala nghệ thuật này. Đến năm 2013, chương trình chính thức đổi tên gọi thành Liên hoan nghệ thuật Giai điệu mùa thu, 2 năm tổ chức một lần để có nhiều thời gian đầu tư tác phẩm, con người, chuẩn bị tốt nhất các khâu tổ chức, liên lạc, đặt hàng các nghệ sĩ quốc tế sắp xếp thời gian, công việc để cùng tham gia”.
Theo NSƯT Trần Vương Thạch, hiện TPHCM đang rất cần một sự kiện văn hóa mang tính quốc tế, tầm cỡ và HBSO rất mong liên hoan lần này sẽ từng bước xây dựng thành một liên hoan nghệ thuật quốc tế của TPHCM, như một festival văn hóa, không chỉ gói gọn nội dung ở 3 lĩnh vực (giao hưởng, nhạc kịch, vũ kịch) mà còn có cả hoạt động của các lĩnh vực nghệ thuật khác như: triển lãm tranh - tượng, ca nhạc nhẹ, xiếc, rối, ca múa nhạc dân tộc, cải lương, hát bội... Có như thế, liên hoan mới có thể trở thành một sự kiện văn hóa đặc biệt và hấp dẫn của TP. “Nhưng muốn được như thế, liên hoan phải được sự quan tâm và hỗ trợ trực tiếp từ UBND TPHCM, từ kinh phí tổ chức, tiêu chí mở rộng, lộ trình phát triển lâu dài…”, NSƯT Trần Vương Thạch nói.
Giai điệu mùa thu vẫn tiếp tục hoạt động trong khuôn khổ chuyên sâu về lĩnh vực nghệ thuật hàn lâm để chờ một sự chuyển biến, thay đổi tích cực. Bên cạnh những đêm diễn chính: Đêm nhạc Bach và Brahms, Baroque concert, hòa nhạc các tài năng trẻ piano, đêm nhạc lãng mạn, trích đoạn các nhạc kịch, nhạc phim, bài hát dân ca Việt Nam, múa đương đại The roof, Vọng phu biển… HBSO còn tổ chức cho dàn kèn Hải quân Hoàng gia Na Uy biểu diễn trước Nhà hát thành phố vào sáng thứ bảy cuối tuần diễn ra liên hoan, tổ chức hai buổi biểu diễn miễn phí phục vụ khán giả trẻ tại Nhà hát thành phố…
THÚY BÌNH