Theo dự kiến, trong số các đoàn quốc tế tham dự Liên hoan sân khấu thiếu nhi quốc tế lần đầu tiên tại Việt Nam còn có Nhà hát múa rối Masil Hàn Quốc và một đoàn của Trung Quốc... Nhưng vào phút cuối, chỉ còn 3 đoàn Nhật Bản, Thụy Điển và Lào tham dự.
Song ông Vương Duy Biên, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Nghệ thuật biểu diễn, Trưởng ban tổ chức Liên hoan Sân khấu thiếu nhi quốc tế khẳng định, cùng với 4 đơn vị nghệ thuật Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nhà hát Múa rối Hải Phòng và Nhà hát Tuổi Trẻ cùng những chương trình được chuẩn bị chu đáo, công phu, liên hoan sẽ là món quà đặc biệt dành cho trẻ em trong dịp hè này.
Các đơn vị đem đến liên hoan những vở diễn có yếu tố giải trí, sôi động, mang phong cách dân gian, hoặc màu sắc cổ tích, huyền thoại - những thể loại mà thiếu nhi yêu thích. Dù dân gian hay hiện đại, những thông điệp được chuyển tải trong tác phẩm luôn gắn liền với đời sống thực tiễn, như biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, phê phán thói chạy theo hình thức...
Đến Việt Nam trong dịp này, các nghệ sĩ nhà hát Nakama, Nhật Bản có sự chuẩn bị chu đáo với vở diễn “Mơ! Mơ! Đừng có mơ!”. Đại diện của nhà hát cho biết, với 6 diễn viên, vở diễn kể về câu chuyện của một chú rắn nước sống trên cánh đồng. Một ngày nọ, mọi thứ bỗng thay đổi với chú rắn. Những bất ngờ và vô cùng kỳ lạ của những loài vật sống trên cánh đồng rộng lớn đã diễn ra. Đây là sự thật hay chỉ đơn thuần là giấc mơ? Với cách thể hiện dung dị, hiện đại, vở diễn đã đưa các khán giả nhí tới nhiều cách tiếp cận mới, những khái niệm mới mẻ của cuộc sống.
Nhà hát múa rối Ka-bông (Lào) đem tới liên hoan hình thức múa rối truyền thống với thể loại rối que, rối người. Hai nghệ sĩ xuất sắc Nhà hát kịch câm Pantomimteatern Thụy Điển trình diễn thể loại kịch câm.
Về phía Việt Nam, liên hoan có thể được coi là sự ra quân khá rầm rộ của nghệ thuật rối khi tiết mục đăng ký chiếm tới 3/4 là rối. Nhà hát múa rối Thăng Long đem đến vở “Nàng Hến”, Nhà hát múa rối Trung ương đóng góp chương trình múa rối tổng hợp với thế giới của gấu, mèo, heo con... Đến từ đất cảng Hải Phòng, đơn vị tham gia liên hoan muộn nhất đóng góp vở rối mang tên “Hoa hồng đỏ”. Chỉ duy nhất Nhà hát Tuổi Trẻ đem tới một chương trình nghệ thuật tạp kỹ, tuy không mới mẻ song được coi như “món lạ” với thiếu nhi.
| |
Từ trước tới nay, sân khấu dành cho thiếu nhi của ta chưa có một liên hoan mang tầm vóc quốc tế như lần này. Vì vậy, không chỉ nghệ sĩ mà bản thân nhà tổ chức cũng tỏ ra háo hức. Song nhìn vào danh sách các đoàn tham gia, thì đây chỉ là cuộc hội tụ của các anh tài trong làng múa rối và lộ ra một khoảng trống lớn về sân khấu kịch thiếu nhi.
Đạo diễn, NSND Lê Hùng chia sẻ, liên hoan lần này thấy rõ sự thiếu hụt và nghèo nàn của các chương trình nghệ thuật trong nước dành cho thiếu nhi. Có một sự thật, hiện trong nước không có một nhà hát dành riêng cho thiếu nhi và cũng chưa đơn vị nào có sự đầu tư nghệ thuật thích đáng cho khán giả nhí. Ngay như với Nhà hát Tuổi Trẻ, đơn vị được coi là thành công với những chương trình nghệ thuật trẻ thơ cũng chỉ đầu tư một năm 2 chương trình phục vụ cho khán giả nhỏ tuổi vào dịp rằm Trung thu và Quốc tế Thiếu nhi 1-6.
Nghệ thuật giúp các em vun đắp, bồi dưỡng tâm hồn, định hướng suy nghĩ, xây dựng thẩm mỹ. Không thể phủ nhận những tác động tích cực từ nghệ thuật đối với trẻ em. “Đầu tư một chương trình cho các em đòi hỏi không chỉ tâm huyết, tình yêu con trẻ mà còn phải có nguồn kinh phí lớn, có lẽ một phần vì thế, các tác phẩm nghệ thuật sân khấu dành cho thiếu nhi ngày càng thưa vắng dần” - đạo diễn Lê Hùng tâm sự.
Do đó, qua Liên hoan Sân khấu thiếu nhi quốc tế đang tổ chức tại Hà Nội sẽ có nhiều suy nghĩ tích cực để hy vọng nhà quản lý, nghệ sĩ tạo nên sự chuyển biến rõ nét với sân khấu thiếu nhi trong nước
VĨNH XUÂN