Nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân, từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, từ nhiều năm qua, Chính phủ đã chủ trương cho xã hội hóa y tế. Đến nay cả nước đã có 170 bệnh viện (BV) tư, chưa kể hàng ngàn phòng khám đa khoa, chuyên khoa. Tuy nhiên, với áp lực giảm tải cho BV công, Bộ Y tế đang chủ trương tăng cường liên kết BV công và tư, thậm chí BV tư được làm vệ tinh. Điều này liệu có nảy sinh những bất hợp lý?
Từ hỗ trợ vốn vay
Để hỗ trợ các dự án y tế phát triển, mới đây Bộ Y tế và VietinBank đã ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư phát triển hạ tầng và trang thiết bị y tế. VietinBank cam kết dành nguồn tín dụng quy mô 30.000 tỷ đồng, trong đó 8.000 tỷ đồng dành cho tổ chức kinh tế là chủ đầu tư của các dự án thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi vay theo chương trình kích cầu của TPHCM. Chương trình này áp dụng vay vốn có hoàn trả với lãi suất cho vay ưu đãi hợp lý, thời gian vay dài (tối đa lên đến 20 năm) để cho vay đồng loạt các dự án đầu tư phát triển y tế, hỗ trợ các BV vay vốn với mục đích đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến phục vụ khám chữa bệnh; đầu tư nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới cơ sở hạ tầng BV; các dự án đầu tư, mua sắm khác phục vụ y tế… Trước đó, triển khai Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 15-12-2014 của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế, chính sách phát triển y tế; Quyết định số 92/QĐ- TTg ngày 09-01-2013 về việc phê duyệt Đề án giảm tải BV giai đoạn 2013-2020, Ngân hàng BIDV đã công bố chương trình hỗ trợ tín dụng giảm tải, phát triển các BV và cũng ký kết thoản thuận hợp tác với Bộ Y tế. Ngân hàng BIDV ưu tiên các dự án đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; đầu tư mới, cải tạo, mở rộng hiện đại hóa cơ sở khám chữa bệnh của các BV, trong đó có cả các BV tư nhân…
Không phải đến năm 2015, các chương trình hỗ trợ vốn của những ngân hàng trên mới khởi động để góp phần phát triển y tế mà ngay tại TPHCM, hơn 10 năm qua đã triển khai vốn vay kích cầu cho y tế. Qua đó đã giải ngân hàng ngàn tỷ đồng cho các BV công lập đầu tư mua sắm máy móc, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị. Ngay cả một số BV tư nhân cũng đã được vay vốn kích cầu theo chủ trương của thành phố. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu Bộ Y tế và các cơ quan liên quan có giám sát được việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả? Thực tế trong những năm qua tại TPHCM đã cho thấy một số BV lạm dụng, sử dụng sai mục đích vốn vay kích cầu!
Cần xác định giá trị y hiệu
Mới đây, BV Bạch Mai (Hà Nội) đã ký kết thỏa thuận hợp tác, hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật giai đoạn 2015-2020 với BV Đa khoa quốc tế Vinmec (một BV tư nhân). Với thỏa thuận này, Vinmec trở thành BV vệ tinh đầu tiên của BV Bạch Mai thuộc khối ngoài công lập. “Ngoài việc hợp tác chuyên môn ra thì liệu y hiệu của BV Bạch Mai có được tính đến không? Vì khi bệnh nhân đến BV Vinmec, nghe có bác sĩ BV Bạch Mai hỗ trợ thì sẽ tin tưởng hơn”, một chuyên gia y tế thắc mắc. Chính vì điều này mà thời gian qua, không ít BV công đã lưỡng lự khi nhận được đề xuất của các BV tư nhân xin làm BV vệ tinh hoặc chí ít cũng thành lập khoa vệ tinh. Theo một lãnh đạo BV Chợ Rẫy TPHCM, việc hỗ trợ chuyên môn bằng những kỹ thuật, trường hợp bệnh cụ thể thì được, nhưng để hợp tác cho các BV tư nhân làm vệ tinh thì cần xem lại. “BV tư chỉ cần gắn cái bảng lên là BV vệ tinh, khoa vệ tinh của một BV công sẽ tạo uy tín với người bệnh. Nhưng chưa thể tính toán được giá trị y hiệu đó”, một lãnh đạo Sở Y tế TPHCM nhìn nhận.
Chưa hết, thực tế cho thấy hầu hết việc liên doanh liên kết trong xã hội hóa y tế đều chưa tính đến y hiệu của đơn vị y tế công. Thanh tra TPHCM đã từng xác định hàng loạt BV như BV Mắt TPHCM, BV Bình Dân… vi phạm trong liên doanh liên kết, nhất là việc đặt máy móc thiết bị y tế, làm lợi cho cá nhân, nhóm lợi ích. Khoản lợi nhuận ăn chia bất cập đến mức chỉ 30% thuộc về BV công, còn 70% dành cho… đối tác, thậm chí có BV chỉ nhận về 20% lợi nhuận. Việc “lấy công làm tư”, hướng mục đích chính vào thu lợi nhuận, không chỉ làm tăng chi phí cho người bệnh, mà còn “xài chùa” y hiệu của cơ sở y tế công.
Điều trị bệnh tại một bệnh viện tư nhân
Theo Bộ Y tế, hiện cả nước có khoảng 170 BV tư nhân. Hầu hết các BV này có cơ sở vật chất, trang thiết bị khá tốt; đội ngũ y bác sĩ tận tình, chu đáo... Tuy nhiên, chưa có nhiều BV tư nhân có “thương hiệu”, khiến tỷ lệ khám chữa bệnh của khối này vẫn rất thấp, chỉ chiếm gần 7% điều trị ngoại trú và 6% điều trị nội trú; 56,9% số BV có công suất sử dụng giường bệnh dưới 60%. Đặc biệt, BV tư nhân chỉ phục vụ khoảng dưới 4% lượt khám bảo hiểm y tế... Chính vì vậy, các BV tư nhân rất muốn phối hợp y tế công để chạy hết công suất.
Tại một hội nghị về tăng cường phối hợp y tế công - tư mới đây, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, cho rằng BV nhà nước cần phối hợp với các BV tư nhân sử dụng, khai thác thiết bị kỹ thuật cao; công nhận kết quả xét nghiệm, thăm dò chức năng; hợp tác nâng cao năng lực chuyên môn cho BV tư; xem xét phối hợp chuyển bệnh nhân đến điều trị tại các BV tư nhân có đủ điều kiện chuyên môn và cơ sở vật chất để phục vụ người bệnh tốt hơn. “Cái thiếu của hệ thống BV tư nhân là uy tín, thương hiệu. Do đó, nếu gắn thêm y hiệu của các BV công thì khác ngay”, một lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh phân tích. Đồng thời, Bộ Y tế đang khuyến khích cơ chế kết hợp công tư (PPP) trong đầu tư xây dựng BV mới. Tuy nhiên, y hiệu BV công là một tài sản vô hình mà nếu không tính toán sẽ trở thành “biếu không” cho y tế tư nhân.
TƯỜNG LÂM