Liên kết ứng phó ngập, mặn, sạt lở

Liên kết vùng - yêu cầu cấp bách
Liên kết ứng phó ngập, mặn, sạt lở

Được xác định là vùng đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước, tuy nhiên, ĐBSCL đang đứng trước thách thức lớn của biến đổi khí hậu (BĐKH) làm ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất và kinh doanh. Việc liên kết toàn vùng nhằm chủ động ứng phó với BĐKH là vấn đề cấp bách đang đặt ra…

Nguy cơ ngày càng cao

Theo Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, tác động của BĐKH làm tần suất, cường độ và phạm vi bị ảnh hưởng bởi bão lũ, hạn hán ngày càng gia tăng, làm thay đổi ranh giới giữa vùng nước mặn, lợ và ngọt. Từ đó, tác động đến hệ thống canh tác trong vùng.

Đáng chú ý trong những năm gần đây, nông dân tại vùng ĐBSCL phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng xâm nhập mặn, hạn hán kéo dài, mặc dù nhiều công trình ứng phó với BĐKH đã được triển khai. Cụ thể tại tỉnh Kiên Giang, nơi có 2.778ha nuôi trồng thủy sản của hàng ngàn hộ dân ở 2 xã Nam Thái và Nam Thái A (huyện An Biên) bị ảnh hưởng bởi hạn hán và hệ thống đập, đê biển điều tiết thủy lợi thi công chậm do thiếu vốn. Điển hình là 8 công trình cống điều tiết thủy lợi tại 2 huyện An Biên và An Minh, dự kiến phải đầu tư 200 tỷ đồng nhưng ngân sách mới chi 10 tỷ đồng nên các nhà thầu bỏ công trình. Tại Cà Mau, theo Chi cục Thủy lợi, trong tương lai không xa, khoảng 90.000ha đất sản xuất thuộc 3 huyện ven biển: Ngọc Hiển, Năm Căn và Đầm Dơi sẽ bị ngập do nước biển dâng. Thời tiết hiện nay không theo quy luật 6 tháng mưa và 6 tháng nắng như trước mà thay vào đó là mưa trái mùa, mật độ không đều, nắng nóng kéo dài. Sự thay đổi khí hậu làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của người dân, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp - thủy sản. Tình hình tôm chết xuất hiện ở các loại hình nuôi tôm công nghiệp, nuôi quảng canh cải tiến và quảng canh truyền thống trong 2 năm qua đã cho thấy tầm nguy hiểm của sự ảnh hưởng trên.

Đê biển Tây đang bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: NGỌC CHÁNH

Theo các nhà khoa học, đất ĐBSCL rất dễ bị nhiễm mặn, nhiễm phèn. Tại các khu vực như: Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, bán đảo Cà Mau… diện tích đất nhiễm phèn chiếm phần rất đáng kể. Quá trình mặn hóa và phèn hóa có khi cùng tồn tại, tạo ra loại đất vừa có tính mặn vừa có tính phèn. Tình trạng này khiến đất bị chua hóa và mất khả năng canh tác. Với đất phù sa trung tính của sông Tiền, sông Hậu, đất xám trên cồn phù sa cổ, vốn đã bị thoái hóa do quá lạm dụng phân vô cơ, thì nay hiện tượng khô hạn, rửa trôi do mưa tăng làm tình trạng thoái hóa đất càng trở nên trầm trọng. Nghiêm trọng hơn khi có rất nhiều dự án đang và sẽ xây đập chặn dòng sông Mê Kông trên thượng nguồn, khiến nước ở thượng nguồn đổ về hạ du ngày càng ít hơn, nhất là trong mùa nắng, nên nước mặn xâm nhập ngày càng sâu hơn vào nội đồng. Ngoài ra, mực nước biển dâng cùng với cường độ của bão tố, sự thay đổi thành phần của trầm tích, độ mặn và mức độ ô nhiễm của nước sẽ đe dọa đến sự suy thoái và sự sống còn của rừng ngập mặn cũng như các loài sinh vật rất đa dạng trong đó.

Liên kết vùng - yêu cầu cấp bách

Ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Ban chỉ đạo Tây Nam bộ nhìn nhận, hiện ĐBSCL chịu tác động tiêu cực nặng nề nhất của BĐKH. Trong 15 năm tới, nếu không có giải pháp ứng phó quyết liệt thì khoảng 45% diện tích sẽ bị nhiễm mặn cục bộ và gây thiệt hại khoảng 17 tỷ USD trong nông nghiệp do lũ và ngập úng. Đó là những thách thức lớn mà người dân ĐBSCL phải đối mặt. Thời gian qua tuy đã có nhiều chính sách, dự án trong liên kết ứng phó với BĐKH nhưng do còn phụ thuộc lớn vào nguồn ngân sách của Trung ương đầu tư nên hiệu quả chưa như mong muốn.

Qua khảo sát của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho thấy, việc ứng phó với BĐKH ở vùng ĐBSCL đang được các địa phương thực hiện một cách riêng lẻ, mỗi tỉnh làm mỗi cách, trong đó có mâu thuẫn giữa các giải pháp công trình và phi công trình. Các liên kết trong ứng phó BĐKH còn yếu kém, mờ nhạt, chỉ mang tính sự vụ và không có định hướng dài hạn. Cùng với đó, nguồn kinh phí mà các địa phương đề xuất Trung ương hỗ trợ quá lớn, khó đáp ứng đủ.

Theo Viện Địa lý nhân văn (VASS), liên kết vùng trong ứng phó BĐKH hiện nay rất khó thực hiện vì chưa có khung pháp lý và chính sách quy hoạch, kế hoạch phát triển. Một số vấn đề đòi hỏi sự cam kết, hành động ở cấp vùng nhưng hiện tại vẫn còn thiếu cơ chế phối hợp giữa các tỉnh. Bên cạnh việc thiếu “nhạc trưởng” trong hoạt động điều phối liên kết vùng, cơ chế tài chính cho vùng cũng là hạn chế lớn nhất hiện nay. Tiến sĩ Nguyễn Song Tùng, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho biết: “Hiện nước ta không có đơn vị hành chính cấp vùng nên việc đề xuất các dự án ứng phó BĐKH mang tính chất liên vùng là không thể. Trong khi Trung ương thực hiện cơ chế quản lý tài chính phân cấp, phân quyền như hiện nay sẽ rất khó tạo ra các dự án có tính chất liên kết dài hạn trong ứng phó với BĐKH. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa bộ, ngành và địa phương còn thiếu sự phân định rõ ràng về trách nhiệm cụ thể cũng là nguyên nhân”.

Theo nhiều chuyên gia, các địa phương cần có tầm nhìn, chiến lược ngắn và dài hạn cùng với kế hoạch hành động cụ thể để chủ động ứng phó, thích nghi với BĐKH. Các địa phương cần rà soát tổng thể các chính sách và pháp luật về ứng phó BĐKH, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ kèm theo phát triển nguồn nhân lực. Đồng thời, lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư liên quan BĐKH vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng.

 NGUYỄN CHÍ

Tin cùng chuyên mục