Liên kết vùng nguyên liệu và thị trường tiêu thụ

Liên kết vùng nguyên liệu và thị trường tiêu thụ

Ngày 15-8 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đã ký, phê duyệt Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thuộc Dự án Mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2016 - 2020. Để đề án mang lại hiệu quả cao thì việc liên kết vùng tạo ra nguồn nguyên liệu với số lượng lớn, kết nối với thị trường tiêu thụ nhằm ổn định về giá cả, chất lượng, an toàn thực phẩm được xem là yếu tố quyết định.

Tái cấu trúc xuyên suốt

Vissan là doanh nghiệp (DN) hàng đầu Việt Nam, chuyên giết mổ, sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống. Với phương châm hướng đến ổn định về chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) từ nguồn nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm cuối cùng, tất cả những sản phẩm của Vissan đều được kiểm soát chặt chẽ trong một quy trình nghiêm ngặt từ nguyên liệu đến công nghệ trong sản xuất, chế biến.

Đóng gói và kiểm tra hàng hóa trước khi xuất xưởng tại Công ty Vissan Ảnh: VIÊN VIÊN

Đặc biệt, Vissan đã và đang thực hiện quy trình liên kết khép kín trong chuỗi sản xuất để đảm bảo hiệu quả và chất lượng nhằm khai thác tối đa sức mạnh. Điều quan trọng để xây dựng thành công chuỗi liên kết, đó là sự gắn bó chặt chẽ của các bên trong từng công đoạn. Ngoài việc phát triển các trang trại của mình, Vissan còn xây dựng những trang trại chăn nuôi hình mẫu tại mỗi khu vực, để từ hình mẫu này làm điểm xúc tác thu hút phát triển lợi thế chăn nuôi của vùng miền đó, thúc đẩy các đơn vị hợp tác với Vissan qua sự liên kết trong sản xuất chăn nuôi, trong đó Vissan giữ vai trò là nhạc trưởng trong chuỗi sản xuất này. Vissan kết hợp với các trang trại để kiểm soát chất lượng đầu vào, đầu ra nguyên liệu (cho sản xuất chế biến thịt) và Vissan cam kết bao tiêu đầu ra. Cách giải quyết này đã giúp cho hoạt động của công ty được ổn định từ chăn nuôi đến giết mổ, sản xuất chế biến và tiêu thụ, tất cả được liên kết chặt chẽ, theo một quy trình phân công, phối hợp mà các bên đều có quyền lợi của mình. Hướng giải quyết này giúp phát triển chuỗi liên kết vùng, liên kết ngành và góp sức thúc đẩy chăn nuôi của đất nước phát triển.

Tuy nhiên, để ngành nông nghiệp phát triển bền vững, đặc biệt là ngành chăn nuôi thì cần phải tái cấu trúc một cách xuyên suốt từ khâu con giống, thức ăn gia súc đến quy trình chăn nuôi và công nghệ nhằm thúc đẩy năng suất cao và giá thành hợp lý. Tất cả những vấn đề này đòi hỏi không chỉ trách nhiệm người chăn nuôi hay các DN, mà đòi hỏi sự xúc tác, quản lý và liên kết của 4 nhà: nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà DN.

 Việt Nam với khả năng sản xuất nông nghiệp sẽ tạo động lực thúc đẩy được ngành chăn nuôi phát triển, nhưng cần thúc đẩy bằng cách định hướng cho ngành chăn nuôi phát triển theo hướng đầu tư cao hàm lượng khoa học kỹ thuật, phát triển theo sản lượng, năng suất, giảm giá thành và liên kết giữa 4 nhà sẽ giải quyết được vấn đề này, đồng thời đảm bảo độ an toàn cho nguồn nguyên liệu. Từ đây khái niệm nhập khẩu hay sử dụng nguyên liệu nội địa trở nên không quan trọng. Nếu chúng ta sản xuất có chỉ danh địa lý và ngành chăn nuôi được tái cấu trúc lại một cách bền vững, phát triển truy xuất nguồn gốc thì khi gia nhập TPP hay các hiệp định FTA trên thế giới, chúng ta sẽ xuất khẩu được sản phẩm nông sản của mình. Chính điều đó mới giải phóng được năng lực, năng suất cho ngành nông nghiệp đất nước.

Và cách làm của Vissan

Trước tình hình phát sinh vấn đề kém VSATTP do nhiều nguyên nhân như tồn dư lượng kháng sinh trong các sản phẩm thịt, lạm dụng các chất phụ gia không cho phép... đã làm gia tăng mối lo ngại của người tiêu dùng.

Từ thực tế đó, ngày 15-4 vừa qua, Vissan thực hiện cung cấp 100% thịt heo đạt chứng nhận VietGAP trên toàn bộ hệ thống kinh doanh thịt tươi sống của công ty. Theo đó, số lượng các điểm bán thịt tươi sống của Vissan bao gồm 146 điểm ở các chợ truyền thống tại TPHCM, 309 điểm thuộc các hệ thống siêu thị ở thành phố và các tỉnh lân cận. Sản lượng thịt heo VietGAP mà Vissan cung ứng ra thị trường đạt khoảng 100 tấn/ngày, tăng bình quân hơn 100% so với thời điểm ban đầu công bố ngày 7-12-2015.

Việc triển khai cung cấp 100% thịt heo VietGAP đã khẳng định Vissan thực hiện đúng cam kết của công ty đối với cộng đồng trong việc cung cấp sản phẩm chất lượng cao, dinh dưỡng, đảm bảo VSATTP, là một trong những DN đi đầu trong triển khai kinh doanh thịt heo VietGAP, giúp người tiêu dùng an tâm khi lựa chọn thịt tươi sống. Cách làm này góp phần định hướng tiêu dùng xã hội, bước đầu trong tiến trình xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn bền vững của Vissan. Để triển khai được điều này, Vissan đã có sự chuẩn bị từ nhiều năm trước, bản thân công ty cũng đã phát triển các trại chăn nuôi của chính mình và đã được công nhận chuỗi thực phẩm an toàn để có thể chủ động được nguồn cung ứng hàng hóa. Ngoài ra, Vissan cũng tăng cường đầu tư, hợp tác với nhiều đối tác như Công ty De Heus (Hà Lan).

Việc đảm bảo đủ sản lượng thịt VietGAP cung cấp cho người tiêu dùng, Vissan đã không ngừng tìm hiểu và làm việc với các đối tác để có thêm nhiều nguồn heo VietGAP bằng tiêu chí đánh giá xây dựng bộ tiêu chuẩn đầu vào, phân tích hiệu quả chăn nuôi thông qua kết quả giết mổ để kiến nghị cải thiện kỹ thuật về năng suất chăn nuôi của các trang trại hợp tác.

Về phía các hộ chăn nuôi, việc triển khai cung cấp 100% thịt heo VietGAP đã định hướng người chăn nuôi tham gia vào quá trình thực hành nông nghiệp tốt để đạt chứng nhận VietGAP. Tính đến nay, đã có 228 hộ chăn nuôi tham gia VietGAP, con số này sẽ tiếp tục tăng trưởng trong tương lai.

Mặt khác, theo Quyết định số 2032/QĐ về quy hoạch hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025, TPHCM là một trung tâm tiêu thụ lớn về sản lượng thịt heo, bình quân 10.000 con/ngày. Đến cuối năm 2017 sẽ chấm dứt giết mổ thủ công, tập trung vào 3 nhà máy giết mổ công nghiệp, trong đó có nhà máy Vissan sẽ di dời và xây dựng tại xã Lương Bình, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Đây sẽ là nhà máy giết mổ gia súc và chế biến thực phẩm lớn nhất Việt Nam.

Chủ trương thúc đẩy cung cấp nguồn hàng đạt chứng nhận VietGAP của các cơ quan quản lý nhà nước, cùng với Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thuộc Dự án Mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn TPHCM, đã thúc đẩy và tạo tiền đề cho ngành chăn nuôi đi vào nề nếp, đảm bảo chất lượng, thúc đẩy ngành chăn nuôi Việt Nam phát triển. Điều này đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hiện nay, khi ngành chăn nuôi đang đứng trước những thách thức của hội nhập kinh tế quốc tế.

VĂN ĐỨC MƯỜI
(Tổng Giám đốc Công ty Vissan)

Tin cùng chuyên mục