Liên kết xuất bản: Kẻ có tóc, người trọc đầu

Có một dạo, giới làm sách tư nhân ồn ào đề nghị cho mở NXB tư nhân với những lý do rất tha thiết như “rút ngắn thời gian làm sách”, “nắm bắt kịp tình hình thị trường”… Tuy nhiên, sau đó vấn đề NXB tư nhân bỗng bị các đơn vị làm sách bỏ lửng. Lý do là vì các đơn vị này nhận ra rằng, các NXB nhà nước sẽ có lợi cho họ hơn.

Vụ NXB Thanh Hóa liên kết cùng Công ty Nhân văn làm sách vi phạm bản quyền; nhà sách Quỳnh Mai liên kết cùng NXB Đồng Nai làm sách vi phạm bản quyền của các NXB nước ngoài chưa kịp lắng, đã có thêm vụ NXB Hội Nhà văn liên kết cùng Công ty Youbooks làm “tiểu thuyết sex” Sợi xích. Hàng loạt vụ việc gây bức xúc dư luận, vi phạm Luật Xuất bản có nguồn gốc từ liên kết xuất bản đã khiến hình thức xuất bản này đứng trước sự nghi ngờ của dư luận.

Rõ ràng, liên kết xuất bản đã và đang mang đến làn gió mới cho ngành xuất bản trong nước. Các đơn vị làm sách tư nhân đã có điều kiện thể hiện phong cách làm sách hiện đại, chuyên nghiệp như mua bản quyền sách quốc tế, tổ chức các cuộc hội thảo, giao lưu sách của các tác giả trong và ngoài nước…

Nhưng tấm huân chương nào cũng có mặt trái của nó. Liên kết xuất bản đang ngày càng bộc lộ những khiếm khuyết. Trong một cuộc hội thảo về xuất bản tại TPHCM, ông Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh: “Nhiều NXB đang để cho đối tác liên kết thao túng”.

Ở các NXB này, đối tác liên kết đảm nhiệm hầu hết việc thực hiện sách như mua bán bản quyền, chọn sách, biên tập, trình bày, in ấn, quảng cáo, phát hành… Điều duy nhất mà NXB thực hiện chỉ là ký chịu trách nhiệm xuất bản. Và đây cũng chính là điều khiến các nhà làm sách tư nhân bỏ ý tưởng thành lập NXB tư nhân. Với việc liên kết xuất bản, nếu sách có vấn đề, NXB sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp còn đơn vị liên kết chỉ chịu trách nhiệm gián tiếp. Như vậy, với một khoản phí xuất bản, các nhà làm sách tư nhân có thể yên tâm làm sách. Lợi nhuận họ hưởng còn trách nhiệm thì các NXB gánh. Khi xảy ra sự cố, các nhà làm sách tư nhân chỉ cần đóng tiền phạt, chi phí thu hồi sách (nếu có), còn mọi hình thức chịu trách nhiệm đã có NXB đứng mũi chịu sào.

Tại sao các NXB lại chấp nhận sự bất công như vậy trong liên kết xuất bản? Nhiều cơ quan chức năng lý giải: Việt Nam có rất nhiều NXB hầu như không có vốn kinh doanh, thậm chí có nhiều NXB còn không có cả trụ sở hay theo luật thì các cơ quan chủ quản phải cấp vốn nhưng một số trường hợp lại không làm dẫn đến NXB không có vốn hoạt động…

Không tiền, các NXB không thể thực hiện hoạt động một cách bình thường, họ phải trông chờ vào khoản tiền quản lý phí trong xuất bản từ các đối tác liên kết để tồn tại. Chính vì điều này mà các NXB phải chấp nhận những yêu cầu khắt khe của đối tác.

Một giám đốc NXB thú nhận: “Mình mà làm khó thì đối tác họ bỏ qua NXB khác ngay!”. Kết quả, nhiều NXB chấp nhận cấp phép xuất bản cả những tác phẩm chưa có bản quyền và chỉ cần đối tác viết một tờ giấy xác nhận là sẽ lo về bản quyền là xong.

Cũng vì đối tác lo hết công việc nên có trường hợp sách ra mắt bạn đọc, bị dư luận lên án thì NXB mới té ngửa ra vì trước đó chưa thấy mặt mũi cuốn sách thế nào. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản, vấn đề chính ở chỗ Việt Nam có quá nhiều NXB khiến cho việc quản lý, giám sát rất khó khăn. Trong đó, không thiếu NXB ngoài chuyện bán giấy phép xuất bản còn hầu như không hoạt động! Giảm bớt số lượng NXB được cho là biện pháp đầu tiên để chấn chỉnh lại thị trường xuất bản và việc liên kết xuất bản.

Tường Vy

Tin cùng chuyên mục