Trên đây là tựa đề bài viết của Thủ tướng Nga Vladimir Putin đăng trên tờ Izvestia ngày 4-10. Theo đó, ông Putin tuyên bố xây dựng một liên minh hùng mạnh với các viên gạch đầu tiên Nga, Belarus, Kazakhstan sẽ góp phần làm ổn định sự phát triển của thế giới.
Triển vọng
Theo Thủ tướng Putin, bước đầu tiên tạo lập Liên minh Âu-Á là sự hợp nhất Nga, Belarus, Kazakhstan, vốn đã đứng chung trong Liên minh thuế quan, vào một không gian kinh tế chung. Đây là đề án hội nhập quan trọng nhất trong không gian hậu Xô Viết, tạo nên một thị trường rộng lớn với 165 triệu người tiêu dùng, có sự thống nhất hóa về vốn, dịch vụ và lao động. Đề án này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2012.
Với kinh nghiệm được đúc kết từ hoạt động của Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), Liên minh Nga-Belarus, Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể…, ông Putin tin tưởng Liên minh Âu-Á sẽ hoạt động hiệu quả. Nga hoan nghênh các đối tác khác tham gia liên minh này, trước hết là các quốc gia SNG và khẳng định không thúc ép bất cứ nước nào vì đây là quyết định của một quốc gia có chủ quyền.
Liên minh Âu-Á sẽ là “sợi dây” ràng buộc hiệu quả giữa khu vực châu Âu và châu Á-Thái Bình Dương, hướng tới sự phối hợp chặt chẽ về chính sách kinh tế và tiền tệ, tập trung chủ yếu vào sự phát triển liên kết thương mại và sản xuất. Việc các nước trong SNG tham gia Liên minh Âu-Á là tương đối khả quan bởi phần lớn các quốc gia trong khối này từng là các thành viên Liên bang Xô Viết trước đây. Phương thức điều hành, quản lý các chính phủ trong khối SNG ít nhiều giống nhau cũng như việc nhiều nước sử dụng tiếng Nga sẽ là những thuận lợi không nhỏ tạo sự liên kết của liên minh Âu-Á.
Trong tương lai, Liên minh Âu-Á sẽ trở thành một thành viên đối thoại với Liên minh châu Âu (EU), do đó việc tham gia liên minh này, ngoài lợi ích kinh tế trực tiếp còn cho phép mỗi nước thành viên hội nhập với châu Âu nhanh chóng hơn và trên vị thế vững chắc hơn. Bên cạnh đó, một hệ thống quan hệ đối tác Liên minh Âu-Á và EU cân bằng, hợp lý về mặt kinh tế có khả năng tạo ra những điều kiện thực tế có thể làm thay đổi cục diện địa chính trị và địa kinh tế của toàn châu lục và chắc chắn có hiệu ứng tích cực trên phạm vi toàn cầu.
Thách thức
Ông Putin nhấn mạnh rằng Liên minh Âu-Á không phải là một Liên Xô mới và không thay thế SNG. Theo Thủ tướng Nga, “sẽ là ngây thơ” nếu có ý định khôi phục hoặc sao chép điều gì đó từ quá khứ. Ông Putin cũng cho biết Liên minh thuế quan dự kiến sắp tới sẽ có thêm các thành viên mới là Kyrgyzstan và Tajikistan, đã bắt đầu tiến hành đàm phán với EU về việc thành lập khu vực thương mại tự do.
Tuy nhiên, Liên minh Âu-Á mở rộng liên kết sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn khi Mỹ rất chú trọng Trung Á vì lợi ích của Mỹ tại Afghanistan. Thời gian qua, Washington đã triển khai các hoạt động ngoại giao, không ngần ngại chi ra những khoản tiền lớn, từ bỏ việc chỉ trích các vụ vi phạm nhân quyền, phi dân chủ tại Kyrgyzstan và Uzbekistan. Đổi lại, Mỹ được quyền duy trì căn cứ không quân và có thể tiến hành tiếp tế bằng đường bộ cho các lực lượng liên quân đang tham chiến tại Afghanistan.
Năm 2005, Washington lên án vụ đàn áp biểu tình tại Uzbekistan và hậu quả là chính quyền Uzbekistan đã ra lệnh đóng cửa một căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ. Sau đó đến lượt chính quyền Kyrgyzstan cũng đe dọa đóng cửa căn cứ quân sự của Mỹ tại Manas. Cuối cùng, chính quyền Kyrgyzstan đã thay đổi thái độ, cho tiếp tục duy trì căn cứ Manas sau khi Washington chấp nhận trả thuê tăng gấp 3 lần, lên tới 60 triệu USD.
Ông Alexander Cooley, chuyên gia phân tích chính trị thuộc Đại học Columbia ở New York, nhận định: “Trước đây, Nga đầy ảnh hưởng tại Trung Á nhưng cuộc khủng hoảng tài chính đã làm suy giảm sức mạnh kinh tế và ảnh hưởng của Mátxcơva tại khu vực này”.
Mặc dù vậy, Thủ tướng Nga Putin tin tưởng rằng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu từ 2008 đến nay đã buộc các quốc gia phải tìm kiếm các nguồn lực mới để phát triển kinh tế. Vì vậy, quá trình hội nhập càng được thúc đẩy và Liên minh Âu-Á cũng không nằm ngoài xu thế đó.
Đỗ Văn