Việc phấn đấu giảm lãi suất cho vay trong năm 2018 được xem là nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng. Theo đó, ngay từ đầu năm 2018, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục rà soát và cân đối khả năng tài chính để áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay.
Tuy nhiên, bàn về vấn đề này, tại hội thảo Kinh tế Việt Nam năm 2018 được tổ chức mới đây, TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Chính phủ, cho rằng, giảm lãi suất là mục tiêu, mong muốn của nền kinh tế của doanh nghiệp (DN). NHNN đang cố gắng để lãi suất không tăng, còn khả năng giảm lãi suất chỉ có thể hy vọng. Bởi lẽ, nền kinh tế Việt Nam kinh doanh trên nợ, Nhà nước muốn đầu tư phải đi vay trái phiếu, DN muốn đầu tư phải vay nợ ngân hàng và quan hệ cung cầu phụ thuộc rất lớn vào ngân hàng. Do đó, muốn giảm lãi suất, NHNN cần mở rộng chính sách tiền tệ, tăng tái chiết khấu, tăng cho vay… nhưng phải kiểm soát được lạm phát. Từ những phân tích trên, TS Trần Du Lịch cho rằng, thay vì trông chờ vào giảm lãi suất, cộng đồng DN nên tính toán cơ cấu lại tài chính để làm sao giảm được tỷ lệ vay vốn ngân hàng. Hiện xu hướng DN huy động trái phiếu đang tăng dần để giảm tỷ lệ vay ngân hàng và qua đánh giá phần lớn các DN này đều có tỷ lệ sinh lời cao, vốn hóa tương đối ổn định. Nếu vẫn duy trì tình trạng lệ thuộc vào vốn ngân hàng, người đầu tư kinh doanh bất động sản cũng vay, người mua nhà cũng vay, sản xuất kinh doanh cũng đi vay, sẽ làm cầu ngày càng tăng và việc giảm lãi suất là mục tiêu khó khăn. “Trong năm nay, việc giữ được mức lãi suất như cuối năm 2017 đã là tương đối tốt, vì mức cầu tín dụng luôn tăng nên muốn giảm lãi suất là rất khó”, TS Trần Du Lịch cho hay.
Phân tích rõ hơn về việc giảm lãi suất trong năm nay khó hơn năm 2017, TS Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ, cho rằng 2 biến số lãi suất và tỷ giá là khó nhất với năm 2018. Sức ép lạm phát trong năm nay nhiều hơn 2017 nhưng vẫn trong vòng kiểm soát tốt. Theo đó, năm nay điều kiện giảm lãi suất so với năm 2017 khó khăn hơn vì ngoài yếu tố sức ép lạm phát, giá cả, còn do lãi suất đồng USD cũng có xu hướng tăng hơn mà chính sách tiền tệ của Việt Nam là đa mục tiêu, phải quan tâm rất nhiều cho ổn định tỷ giá, giữ chênh lệch lãi suất VND và USD ở mức hợp lý để thu hút người dân gửi tiết kiệm VND. Ngoài ra, hiện hệ thống ngân hàng còn nhiều khó khăn nên không ít ngân hàng thương mại vẫn giữ chênh lệch tiền đầu vào - đầu ra hợp lý để có mức lợi nhuận hợp lý và dự phòng trang trải nợ xấu. “Nếu giảm được lãi suất cho vay thì chỉ có cách hạ lãi suất huy động vốn. Tuy nhiên, có hạ được hay không còn phụ thuộc vào việc có làm thay đổi nguồn vốn huy động của ngân hàng. Người dân có chuyển kênh đầu tư hay không bởi lẽ hiện các kênh bất động sản, chứng khoán đang hấp dẫn”, TS Vũ Viết Ngoạn nói thêm. Ngoài ra, còn có yếu tố khác là tình hình kết quả kinh doanh của một số ngân hàng thương mại còn khó khăn, chưa xử lý được nợ xấu nên thanh khoản khó khăn. “Thực tế hiện nay trên thị trường vẫn còn tình trạng chênh lệch lãi suất huy động giữa các ngân hàng đến 2%/năm - mức chênh lệch quá lớn. Chính vì thế, vấn đề là NHNN phải làm sao để những ngân hàng này cải thiện được tình hình khó khăn và thanh khoản, từ đó mới có thể giảm được lãi suất cho vay. Theo tôi, đây là bài toán khó nên năm 2018, nếu quyết tâm thì có thể giảm nhẹ lãi suất nhưng vẫn khó hơn nhiều so với năm 2017”, TS Vũ Viết Ngoạn nhận định. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cũng cho biết, khảo sát mới đây của NHNN cho thấy, hiện lạm phát đang ở mức 3,7%. Tỷ giá có thể giữ ổn định trong năm nay nhưng về lãi suất, kỳ vọng lãi suất tăng là có nhưng không tăng mạnh, còn kỳ vọng giảm rất khó.
Vay vốn tiêu dùng để kinh doanh
Các ngân hàng thương mại cũng nhìn nhận, không còn dư địa để giảm lãi suất trong thời gian tới. Tuy nhiên, tùy từng thời điểm, các ngân hàng thương mại đều có những gói cho vay hỗ trợ khách hàng, đặc biệt là hỗ trợ các DN vừa và nhỏ vay vốn sản xuất kinh doanh. Đại diện NHNN chi nhánh TPHCM cũng cho biết, ngoài chương trình Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp cho vay bình ổn thị trường… nhằm hỗ trợ các DN trong các lĩnh vực ưu tiên và các DN tham gia bình ổn thị trường thì không ít ngân hàng vẫn đang nỗ lực triển khai nhiều chương trình ưu đãi vay vốn, giúp người vay tiếp cận được vốn lãi suất rẻ hơn. Mặc dù những gói ưu đãi này không lớn, nhưng cũng đáp ứng được một phần nhu cầu của các DN khi cần, nhất là các DN không nằm trong các lĩnh vực ưu tiên. Thực tế, nếu so giá trị gói vay thông thường thì DN vay gói ưu đãi được giảm lãi suất khá nhiều. Cụ thể, lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8% - 9%/năm đối với ngắn hạn, 9,3% - 11%/năm đối với trung và dài hạn nhưng các gói vay ưu đãi lãi suất cho vay ngắn hạn mà các ngân hàng triển khai chỉ ở mức 5% - 6%/năm. Tuy nhiên, lãnh đạo một ngân hàng thương mại tại TPHCM cho biết, để có thể tiếp cận được gói lãi suất giảm thì bản thân DN phải chứng minh được sự tin cậy của mình mới nhận gói vay lãi suất thấp. Theo vị này, hiện đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh và minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ áp dụng ở mức 4% - 5%/năm.
Không chỉ mở ra các gói tín dụng phù hợp để DN tiếp cận vốn, các ngân hàng cũng linh hoạt trong cách cho vay. Ông Phan Đình Tùng, Tổng Giám đốc OCB, cho biết hiện một số hồ sơ vay vốn kinh doanh không đủ tiêu chuẩn sẽ được người vay chuyển sang vay tiêu dùng để lấy vốn làm ăn. Trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay, vấn đề cho vay đối với DN vừa và nhỏ hoặc cho vay tiêu dùng không đơn giản. Nếu như cho DN lớn vay vốn, các ngân hàng thương mại chỉ cần dựa vào những quy chế, quy định của NHNN để cho vay. Nhưng đối với 2 đối tượng này, một mặt ngân hàng vẫn phải tuân thủ quy định của NHNN, một mặt ngân hàng còn phải phát triển những công cụ, sản phẩm cho vay phù hợp với từng đối tượng. Theo ông Tùng, hiện ở Việt Nam chỉ có 50% cho vay phục vụ nhu cầu tiêu dùng, 50% còn lại cho vay phục vụ nhu cầu kinh doanh nhóm mà họ chưa đạt chuẩn về hồ sơ để ngân hàng có thể cho vay bình thường. “Đây là cách làm năng động của các ngân hàng. Bởi lẽ nếu không linh hoạt thì DN siêu nhỏ không đủ điều kiện về tài sản thế chấp, không đủ các điều kiện về báo cáo tài chính… nên không có cách nào tiếp cận vốn ngân hàng”, ông Phan Đình Tùng cho hay. Trong bối cảnh kiểm soát chặt nợ xấu, các ngân hàng phải tự nghiên cứu các sản phẩm phù hợp, đảm bảo rủi ro nhưng vẫn “phủ sóng” được nhóm khách hàng này. Đây là thị trường rất tiềm năng và cũng là “cứu cánh” trong việc phát triển sản phẩm và cạnh tranh của các ngân hàng.
Bên cạnh nỗ lực giảm lãi suất cũng như giúp người vay tiếp cận được vốn, từ đầu năm 2018 đến nay, dòng vốn tín dụng vẫn tiếp tục chảy vào sản lĩnh vực xuất kinh doanh. Cụ thể, lãnh đạo NHNN chi nhánh TPHCM, cho hay tín dụng trên địa bàn TP 3 tháng đầu năm 2018 ước đạt khoảng 3%; trong đó, dư nợ cho vay 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên chiếm 62,5% tổng dư nợ tín dụng toàn địa bàn.