Chiến sĩ quê TPHCM ở Trường Sa được đồng đội yêu quý gọi là "lính trí thức", vì nhiều người đã tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp, có tay nghề chuyên môn ở nhiều ngành, lĩnh vực. Cùng với các cán bộ, chiến sĩ đi trước, lớp chiến sĩ trẻ hôm nay đã đóng góp tích cực trong nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng đảo.
Người tạo ấn tượng sâu sắc nhất với chúng tôi trong chuyến công tác ra Trường Sa mới đây là binh nhất Lưu Vĩnh Nhật Triều ở đảo Sinh Tồn Đông. Triều quê ở quận Bình Tân TPHCM, nhập ngũ đợt 1-2013. Trước khi nhập ngũ, Triều là gương mặt khá nổi bật ở địa phương trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên. Ra Trường Sa, anh nhanh chóng trở thành một "nghệ sĩ" thực thụ với vai trò hướng dẫn cho đồng đội những kỹ năng khiêu vũ.
Đi cùng đoàn công tác của Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam có các nghệ sĩ trẻ của Đoàn Văn công Quân khu 5. Trong chương trình giao lưu văn nghệ, Nhật Triều đã làm tất thảy những nữ vũ công Quân khu 5 trầm trồ thán phục bởi những bước nhảy uyển chuyển, điêu luyện, trong đó có màn biểu diễn hip-hop đặc sắc.
Ở đảo Sơn Ca, binh nhất Trần Công Tú, cũng là người TPHCM, là một tấm gương điển hình về tinh thần vượt khó, ý chí phấn đấu. Trước khi nhập ngũ, Tú được ví như "công tử bột". Vậy mà mới ra đảo được gần 1 năm, Tú trở thành điển hình của phong trào thi đua, vinh dự được kết nạp Đảng. Đầu tháng 12-2013, Tú vinh dự được chọn là một trong 50 đại biểu cán bộ, chiến sĩ tiêu biểu của Trường Sa, nhà giàn DK1 về thăm, giao lưu với đồng bào thành phố.
Một trong những đảo có nhiều chiến sĩ quê TPHCM là Song Tử Tây: có đến 6 hạ sĩ quan, chiến sĩ trên đảo, là những gương mặt xuất sắc trong huấn luyện, xây dựng đảo. Binh nhất Đỗ Ngọc Thúy chia sẻ: "Ba của tôi là sĩ quan hải quân đang công tác ở vùng biển đảo Tây Nam. Khi tôi nhận nhiệm vụ ra Trường Sa, ba tôi bảo, ráng lên con nhé. Gia đình mình từ đời bố đến đời con đều làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Đó là niềm vinh dự đặc biệt đó con".
Nhiều chiến sĩ quê TPHCM ở Trường Sa trước khi nhập ngũ đã học qua các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. Là người có kinh nghiệm về điện và đã "lận lưng" tấm bằng Cao đẳng Điện lực, binh nhất Nguyễn Quốc Bình đã tận dụng, phát huy năng lực chuyên môn của mình phục vụ quân dân trên đảo. "Cuộc sống ở đảo, ngoài nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, còn có rất nhiều việc phải làm. Từ những chuyện đơn giản như đóng các vật dụng che chắn cho cây xanh; bảo quản, sửa chữa các loại máy móc, vật dụng; tu sửa, củng cố giao thông hào, trận địa… đều cần đến những bàn tay khéo léo, tinh thần trách nhiệm cao của mỗi người", binh nhất Nguyễn Văn Thương tâm sự .
|
Phan Tùng Sơn