Nghe tiếng kẻng báo động hay lệnh lên đường là các bạn trẻ phóng ngay lên xe. Không cần biết công việc trước mắt là gì. Chinh phục tầng cao đầy lửa khói hay trầm mình trong bóng đen dày đặc, các bạn đều không ngần ngại. Bởi lẽ, ở đâu, làm gì, dù khó khăn gian khổ đến mấy, các bạn trẻ đều xác định cho mình nhiệm vụ “Vì nhân dân phục vụ” mà Bác Hồ căn dặn.
Cứu người là lẽ sống
Đến bây giờ, sau gần chục năm công tác tại Đội Cứu hộ - Cứu nạn chuyên nghiệp, thuộc Phòng Hướng dẫn và chỉ đạo về phòng cháy chữa cháy (PCCC) và bây giờ là Phòng Cứu hộ - Cứu nạn Cảnh sát PCCC TPHCM, các anh lính trẻ vẫn không nhớ mình đã cứu được bao nhiêu người. Thậm chí việc ấn tượng với chiến công nào nhất, các anh cũng khó nghĩ ra. Bởi lẽ, mỗi lần xuất quân, thực hiện nhiệm vụ là mỗi lần mới. Không trường hợp nào giống nhau. Có chăng cái chung nhất của các anh lính trẻ đến với nghề cứu hộ, cứu nạn là trước đó họ chưa bao giờ tiếp cận với xác chết hoặc thấy nhiều máu. Mỗi người đều có một con đường riêng để đến với công việc cao quý nhưng đầy nguy hiểm này. Nhưng, tựu trung là niềm đam mê, “máu nghề” từ các bậc “tiền bối”.
Trung úy Nguyễn Phạm Quốc Dũng (bìa phải) chuẩn bị lặn tìm thi thể nạn nhân trong vụ chìm tàu ở Vũng Tàu
…Vừa chân ướt, chân ráo về đến đơn vị, anh lính nghĩa vụ Trần Thành Phát được lệnh đi cứu một người có ý định tự tử ở một chung cư cao tầng ở quận 4. Trên đường đến hiện trường, kế hoạch được hoạch định nhanh chóng. Thành Phát sẽ cùng anh em thực hiện nhiệm vụ trải nệm hơi ở dưới đất; tốp khác do Đại úy Huỳnh Thanh Tuấn - “Spider man” (người nhện) sẽ leo lên cao, tiếp cận và thuyết phục người có ý định tự tử. Đến nơi, anh em triển khai ngay đội hình. Tòa nhà cao hơn chục tầng, vị trí người có ý định tự tử là tầng 12 và bên dưới là khu vực giếng trời ở lầu 3. Thành Phát bồi hồi kể: “Đó là một người nước ngoài rất to lớn. Ông ta ngồi trên lan can và không biết buồn chuyện gì mà có ý định tự tử rất… quyết liệt! Ông ta luôn tránh mặt và la hét, gào thét với lực lượng đang thi hành nhiệm vụ ở trên cao. Tôi phải luôn chuyển hướng nệm hơi để đề phòng bất trắc. Người dân thấy vậy cũng đưa rất nhiều nệm ra để hỗ trợ anh em chúng tôi. Thời gian rất cấp bách và không khí quánh đặc lại. Đang lui cui chuyển nệm hơi và sắp xếp các nệm của người dân. Tôi nghe anh em kêu to “Phát! Tránh ra!”. Liền đó tôi nghe một tiếng đùng. Ông người nước ngoài gieo mình xuống tấm nệm của người dân và văng ra xa mấy thước. Tôi sựng người mất mấy giây rồi lao nhanh đến sơ cứu, kịp thời cứu được tính mạng ông ấy. Lần đầu tiên trong đời tận mắt chứng kiến cảnh này!”.
Học Bác tinh thần phục vụ dân
Không riêng hoài bão, lý tưởng phục vụ nghề, mỗi người đến với lực lượng cứu hộ - cứu nạn đều có một lý do riêng. Trung úy Nguyễn Phạm Quốc Dũng bồi hồi cho biết: “Em sinh ra và lớn lên trên mảnh đất thành đồng Củ Chi. Vùng đất kênh rạch chằng chịt như vậy, nhiều người thân của em bị đuối nước, phải khó khăn lắm mới cứu được. Do vậy, khi nghe có lực lượng cứu người trên sông là em đăng ký ngay. Mặc dù lúc đó em mới học bơi!”.
Năm tháng dần trôi, các chiến sĩ trẻ ngày nào, hôm nay đã trở thành các sĩ quan xuất sắc, vững tay nghề trong đội hình cứu hộ, cứu nạn của Cảnh sát PCCC TPHCM. Sự trưởng thành của các bạn trẻ gắn liền với hàng trăm vụ ra quân cứu hộ, cứu nạn không chỉ tại TPHCM mà còn chi viện cho công an các tỉnh, thành trong cả nước. Được đào tạo bài bản từ trường lớp và sự dẫn dắt nghiêm khắc nhưng đầy thương yêu của thế hệ đi trước, các bạn trẻ đã đam mê và vững tin hơn với công việc. Trong các câu chuyện miên man mà chúng tôi trao đổi với nhau, các sĩ quan trẻ luôn nhắc đến các bậc đàn chú, đàn anh trong nghề với cả sự trân trọng.
Giải thích đơn giản niềm đam mê với nghề, Trung úy Nguyễn Phạm Quốc Dũng cho rằng: Bác Hồ đã nói mỗi người đều phải tuân theo đạo đức công dân. Quốc Dũng bồi hồi: “Tụi em vào nghề khi đất nước đang chuyển mình phát triển về mọi mặt. So với các chú, các anh ngày trước thì tụi em may mắn hơn nhiều. Bởi lẽ, cùng xuất phát từ mục đích cao cả là sự quyết tâm giành lấy sự sống, cứu được tài sản cho nhân dân, nhưng tụi em giờ đây có đầy đủ trang thiết bị hiện đại để phục vụ công việc. Các chú, các anh ngày trước thiếu thốn trăm bề mà còn lập được những chiến công hiển hách như vậy thì quả là đáng khâm phục. Do vậy, dù trong hoàn cảnh môi trường, không gian có khắc nghiệt gian khó thế nào đi chăng nữa, chúng em vẫn canh cánh lời dạy của các anh, các chú. Đó là ngoài sự phục tùng tuyệt đối mệnh lệnh, kế hoạch của cấp trên, các em còn phải đoàn kết, thương yêu nhau để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ về công an nhân dân”.
ĐOÀN HIỆP