Chuyện kinh doanh

Lỡ cơ hội

Theo Tiến sĩ Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam (TACN), chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội nhập nguyên liệu chế biến TACN (khô dầu đậu nành, bắp…) giá thấp vào những tháng đầu năm, khi suy thoái kinh tế đã kéo giảm giá dầu thô cùng nhiều mặt hàng nguyên vật liệu và thiết bị xuống thấp.

Nguyên nhân chủ yếu là do đa số các doanh nghiệp (DN) chế biến TACN trong nước đều là DN nhỏ và vừa, không có nhiều vốn để mua hàng dự trữ. Ngoài những “đại gia” trong ngành như Cargill, CP, Proconco… nhờ có thừa tiềm lực đã hưởng lợi lớn từ đợt sụt giảm này.

Để có vốn nhập khẩu, các DN vừa và nhỏ trong nước phải vay ngân hàng, nhưng do nguyên liệu TACN không thuộc nhóm mặt hàng ưu tiên như phân bón và lương thực nên trong việc vay, đổi ngoại tệ nhập nguyên liệu, nên các DN chế biến TACN gặp vô cùng khó khăn. Hiệp hội đã nhiều lần kiến nghị nhưng vẫn chưa được xem xét giải quyết. Đó là lý do vì sao việc nhập khẩu nguyên liệu chế biến TACN những tháng đầu năm giảm rất mạnh, gần 40% so cùng kỳ, chỉ khoảng 430 triệu USD. Năm 2008, cả nước nhập nguyên liệu TACN đến 1,517 tỷ USD, trong đó, riêng mặt hàng khô dầu đậu nành đã chiếm 1,06 tỷ USD.

Gần đây, giá nguyên liệu TACN thế giới biến động mạnh, có loại tăng rất mạnh như khô dầu đậu nành Ấn Độ giá đến cảng TPHCM đã lên đến 450 USD/tấn, trong khi những tháng trước chỉ ở mức 350 USD/tấn, đẩy giá khô dầu đậu nành trong nước từ 4.500 đồng/kg lên 8.000 – 8.700 đồng/kg, có nơi đã lên 10.000 đồng/kg.

Ông Lê Bá Lịch dự báo, tới đây giá khô dầu đậu nành có thể lên đến 550 USD/tấn. Giá bắp đã lên 4.200 – 4.500 đồng/kg. Như vậy chỉ với 2 mặt hàng này, giá hiện nay cao hơn cuối năm 2008 là 40%-45% và 30%-32%, đẩy giá TACN trong nước tăng trở lại. 

Ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội TACN VN, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thành Bình (Đồng Nai) còn dự báo, với tình hình này, đến cuối năm giá TACN có thể tăng đến 20% thay vì khoảng 5% như tháng qua.

Tại cuộc họp toàn thể Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản mới đây, nhiều ý kiến đề nghị nhà nước cần xem xét đưa TACN, ít nhất là khô dầu đậu nành vào mặt hàng được ưu đãi về giá để giúp sức cho nhà chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

Ông Lê Việt Tiến, Giám đốc Công ty cổ phẩn Thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức (VD Food) cho biết, DN nào khép kín từ nuôi, sản xuất TACN và chế biến cá tra nếu có vốn mạnh để nhập khẩu và dự trữ dù chỉ riêng khô dầu đậu nành thì giá thành mỗi ký lô cá tra sẽ rẻ hơn khoảng 700 đồng/kg. TACN cùng với phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… là những vật tư nông nghiệp cần thiết với bà con nông dân. Vì thế bỏ mất cơ hội như nói trên, không chỉ DN mà cả bà con nông dân cũng chịu thiệt thòi.

Điều nghịch lý, dù Việt Nam là cường quốc về xuất khẩu nông sản, số 1 thế giới về hồ tiêu, nhân điều, số 2 thế giới về gạo và cà phê… nhưng nguyên liệu để chế biến TACN (đậu nành, bắp…), chúng ta lại phải nhập khẩu, kể cả cám gạo…

Đăng Lãm

Tin cùng chuyên mục