Lộ Diêu lướt sóng

Lênh đênh với nghề
Lộ Diêu lướt sóng

Từ bao đời nay, vùng biển Lộ Diêu vẫn tồn tại nghề đánh bắt hải sản thủ công. Dù đã chứng kiến bao phen ‘’giận dữ” của biển, nỗi vất vả khôn cùng của nghề chài lưới, nhưng bà con ngư dân vẫn bám biển từ đời này sang đời khác.

Người dân Lộ Diêu luôn bám biển vì kế sinh nhai.

Người dân Lộ Diêu luôn bám biển vì kế sinh nhai.

Lênh đênh với nghề

Từ thành phố Quy Nhơn (Bình Định) đi theo quốc lộ 1A đến huyện Hoài Nhơn, dọc theo đường Hoài Mỹ sẽ đến được thôn Lộ Diêu. Bao quanh thôn là các dãy núi và biển, phải vượt qua hai con đèo có tên Lộ Diêu và Hà Ra. Từ trên đèo chúng ta có thể nhìn thấy ngôi làng như lọt thỏm trong thung lũng bạt ngàn núi rừng, bên dưới xa xa là những cánh đồng lúa vàng ươm, những mái nhà nho nhỏ, cùng với bãi cát trắng trải dài.

Người dân Lộ Diêu mưu sinh chủ yếu bằng nghề biển, cả thôn có hơn 100 chiếc ghe, thúng lớn nhỏ. Nơi tập kết nằm gần những bãi ghềnh, bởi ghềnh đá có tác dụng che chở cho những chiếc thuyền ra vào bờ trước những con sóng lớn. Hàng ngày từ 4 giờ sáng, từng chiếc thuyền lần lượt ra khơi, đến khoảng 8 - 9 giờ sẽ có những chiếc ghe, thúng nhỏ đầu tiên cập bờ mang vào đủ loại cua, tôm, cá lên nhóm chợ ngay tại bến. Chợ diễn ra đến khoảng trưa là vơi dần, bãi biển trở nên vắng vẻ hoang sơ, chỉ còn lại lác đác vài người phụ nữ đan lưới và những chiếc thuyền được sắp xếp ngay ngắn.

Phải qua mấy lần hẹn, anh Nguyễn Văn Kỳ, một ngư dân ở đây, mới thu xếp được cho tôi theo anh một chuyến ra khơi. Người đàn ông có nước da đen sạm, trông già hơn so với cái tuổi 31 của mình, nói lý do: ‘’Phải đợi qua đợt biển động mới dám rủ anh đi cùng đấy’’.

Từ bãi thuyền cách thôn vài trăm mét, tờ mờ sáng đã có hàng trăm người dân kéo ra để đưa thuyền xuống biển. Tài sản của gia đình anh Kỳ là chiếc thuyền gỗ có gắn máy, lướt trên ngọn sóng hướng về bãi ghềnh, cách bờ chừng 20 phút. Vùng biển này quanh năm đều có các loại cá và ghẹ. Đợi cho đợt sóng yếu dần, anh Kỳ bắt đầu thả lưới một cách đều đặn, nhịp nhàng. Việc thả lưới không hề đơn giản. Nếu đi bằng tàu ván thì phải thả từ mũi tàu, nếu di chuyển ở thuyền nhỏ thì thả từ chỗ tay lái. Những người có kinh nghiệm thường đi ngược chiều sóng để thả lưới, giúp lưới có độ chùng nhất định để giữ được ghe. Một tấm lưới dài khoảng 4.000m, chia làm nhiều đoạn trước khi thả, nhưng vẫn giữ liền mạch. “Cái nghề này cơ cực lắm, nhưng chẳng biết làm nghề gì khác. Nghề này được truyền lại từ thời cha ông nên khó bỏ được’’, anh Kỳ tâm sự trong lúc thả lưới.

Cách đó không xa là thuyền của ông Lê Hữu Công (60 tuổi). Dù bị teo chân từ nhỏ, nhưng ông đã có gần 40 năm với nghề biển. Lúc nhỏ ông theo các cụ đi biển xa bờ, đến khi lấy vợ thì sắm chiếc thuyền đánh bắt gần bờ, rồi từ đó đến nay vợ chồng, con cái ông Công gắn với biển như cái nghiệp “cha truyền con nối’’. Tuy tàn tật, nhưng lão ngư này lại là một tay đi biển có hạng, được nhiều đồng nghiệp kính nể. Trời phú cho ông cái đầu thông minh và đôi tay nhanh nhẹn, để bù cho đôi chân yếu. Ông có thể “ngửi’’ được đoạn nào có cá mà không cần thử lưới, lượng hải sản ông đánh bắt được thường nhiều hơn những người khác. Vì vậy tuy không giàu với nghề nhưng ông Công vẫn có nhà ở đàng hoàng...

Thả lưới xong đến khoảng 7 giờ là thu lưới lại, anh Kỳ kéo mẻ lưới đầu tiên lên, những chú cá vùng vẫy như muốn cắt bỏ đám lưới đang bện vào thân chúng. Kỳ nhanh chóng gỡ cá, tôm, ghẹ ra rồi thả lưới xuống. Anh nhoài người ra ngoài mũi thuyền, men theo dây lưới mà nhấc dần từng đoạn lên khỏi mặt nước. “Mùa này ghẹ không nhiều, chủ yếu là các loại cá, mỗi ngày được khoảng 5-6 cân là may lắm rồi” - miệng nói tay gỡ, từng động tác của Kỳ thể hiện sự thành thục với nghề. Anh gỡ rất nhanh mà không hề để vây cá làm rách lưới. Bàn tay đầy những vết sẹo cứ thoăn thoắt gỡ, dễ dàng như người ta bứt nấm vậy. ‘’Những ngày này làm chỉ đủ chi tiêu sinh hoạt thôi anh ạ! Có hôm còn âm cả tiền dầu nữa ấy chứ!’’ - Kỳ nói...

Kỳ là con thứ 6 trong gia đình làm nghề chài lưới. Trước đó thì không biết, nhưng cả ông bà nội, đến bố mẹ đều gắn với cái nghề quanh năm lênh đênh trên biển. Đến mùa nào có gì bắt nấy, có ghẹ thì rủ nhau đi lưới ghẹ, hết mùa thì lại chuyển sang đánh cá. Từ xưa đến nay vẫn vậy, chỉ khác là bây giờ có thuyền gắn máy, lưới không phải tự đan.

Sau chuyến đi, lúc này những ngư dân đã xong phần việc của mình. Nở nụ cười tươi nhưng họ không giấu được vẻ mệt mỏi trên gương mặt sạm đen vì nắng gió. Ông Nguyễn Lai (42 tuổi), một ngư dân, cho biết: “Tui theo nghề này gần 20 năm rồi, hồi trước theo thuyền lớn ra khơi xa, mỗi năm về nhà một lần, nhớ nhà cũng không về được. Bây giờ muốn được ở gần vợ con nên sắm thuyền nhỏ để đánh bắt gần bờ”.

“Hy sinh đời bố củng cố đời con”

Tuy chứa đầy nguy hiểm, vất vả nhưng biển vẫn là miếng cơm, manh áo của ngư dân. Họ bám vào biển mà sống. Ở thôn Lộ Diêu này, các ngư dân mỗi tháng kiếm được khoảng 4-5 triệu đồng, nếu trúng khoảng 9-10 triệu đồng. Ông Lai cho biết thu nhập từ nghề đi biển của mình dùng để nuôi sống cả gia đình, lo cho con cái ăn học. “Trời yên biển lặng không nói gì, trời gió bão cũng bất mãn lắm. Làm bây giờ là để có tiền cho con cái ăn học, để nó “giải nghệ” cái nghề này, hy sinh đời bố củng cố đời con mà. Ba mẹ ráng làm thì con cái phải ráng học”.

Động lực để những ngư dân ra biển là kiếm tiền nuôi bản thân và gia đình. Họ sống nhờ vào biển nhưng lại muốn các con mình thoát ly cái nghề vất vả và hiểm nguy này. Ông Minh, một ngư dân đã “nghỉ hưu” cho biết: “Ở quê tui thanh niên đi biển từ rất sớm, có đứa mới lớp 6, lớp 7 đã nghỉ học để đi biển. Tụi nó thấy làm có tiền nên xài không biết tiết kiệm, chỉ 2, 3 đêm là tiêu hết. Riêng tui chỉ mong sao 2 đứa con học hành giỏi giang để sau này không phải khổ như cha nó”.

Lộ Diêu là địa phương bao quanh là biển, nghề nghiệp chủ yếu là đánh bắt hải sản. Người dân từ bao đời nay chỉ gắn bó với biển vì biển là nguồn sống mang lại miếng cơm manh áo cho người dân. Tuy nhiên, nghề đi biển cũng lấy đi những mất mát, đau thương không thể bù đắp bằng vật chất. Song vị mặn mòi của biển khơi đã thấm vào từng thớ đất, con người nơi đây nên việc bám biển sống là niềm tin bất di bất dịch. Ngoài bãi thuyền lộng gió, cái nắng của buổi trưa gay gắt, nhiều ngư dân đang hối hả thu dọn để trở về nhà, chuẩn bị cho ngày mai, một chuyến đánh bắt mới.

Chuyến đi nào cũng chứa đựng nhiều lo toan, là cơm, áo, gạo, tiền; là gia đình, vợ con. Nó như động lực giúp ngư dân vượt qua khó khăn trong những ngày bám biển. Bởi giữa thời buổi kinh tế thị trường, một phần do không chọn được nghề nào khác, một phần muốn níu giữ cái nghề của cha ông để lại. Dẫu vậy mặc lòng, Kỳ đăm đắm nhìn đứa con trai nhỏ đang chơi mấy thứ đồ chơi, hình như anh cũng không muốn nó nối cái nghiệp sông nước như cha thì phải.

LƯƠNG SƠN

Tin cùng chuyên mục