Lỗ hổng giám sát tiêu chuẩn an toàn thực phẩm

Lỗ hổng giám sát tiêu chuẩn an toàn thực phẩm

Theo Thông tư 19/2012 của Bộ Y tế, các tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm phù hợp với quy định an toàn thực phẩm (ATTP) đối với sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; hoặc đối với thực phẩm chức năng, phải được cấp phép công bố chất lượng sản phẩm theo quy định. Đây là một thủ tục bắt buộc trước khi đưa thực phẩm ra lưu thông thị trường. Tuy nhiên, không phải tổ chức, cá nhân nào cũng công bố trung thực, thậm chí có nơi còn làm giả.

Công bố một đằng, sản xuất một nẻo

Trong quá trình thanh tra, kiểm tra đột xuất, giữa tháng 8-2016 vừa qua, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM đã liên tiếp xử phạt nhiều cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm không đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh; trong đó có không ít cơ sở sai phạm về công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chi cục phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM, tỷ lệ cơ sở sản xuất vi phạm về công bố tiêu chuẩn sản phẩm không ít. “Có thể mẫu sản phẩm mà cơ sở mang đi kiểm nghiệm để lấy kết quả tự công bố thì có tiêu chuẩn chất lượng phù hợp ATTP, nhưng chưa hẳn tất cả sản phẩm khi đưa ra thị trường đều đúng tiêu chuẩn đó”, bà Mai băn khoăn.

Mới đây, Cục ATTP (Bộ Y tế) đã ra quyết định tạm dừng lưu thông 2 lô thực phẩm chức năng có kết quả kiểm nghiệm mẫu không đạt chất lượng của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thiết bị y tế Minh Bang Việt Nam và Công ty TNHH MTV Đầu tư và thương mại xuất nhập khẩu Việt Nam Canoves. Cụ thể, lô thực phẩm chức năng Uy mãnh nang và thực phẩm bảo vệ sức khỏe Avena plus của 2 công ty nói trên có chỉ tiêu không đạt theo như tiêu chuẩn công bố đã được cấp (dương tính với chất kích thích Sildenafil).

Thanh tra một cơ sở chế biến thực phẩm tại TPHCM

Điều đáng nói, đã có những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cố tình sử dụng các công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm giả để đánh lừa cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng. Kiểm nghiệm mới đây của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã phát hiện cơ sở làm giấy kiểm nghiệm giả khi thực hiện công bố sản phẩm bảo vệ sức khỏe Trinh nữ hoàng cung và Tam thất; sản phẩm Nhất vương bổ thận Xtramen Gold. Các cơ sở đã dùng phiếu kết quả kiểm nghiệm giả khi thực hiện công bố với sản phẩm là Công ty TNHH Ruta Việt Nam (TP Hà Nội) và Công ty cổ phần Dược liệu và vật tư y tế Hải Phòng (TP Hải Phòng) bị xử phạt mỗi công ty 30 triệu đồng.

Cạnh tranh không lành mạnh

Theo quy định về trình tự công bố phù hợp quy định ATTP, các tổ chức, cá nhân thực hiện kiểm nghiệm sản phẩm tại phòng kiểm nghiệm được chỉ định hoặc phòng kiểm nghiệm độc lập được công nhận hoặc phòng kiểm nghiệm được thừa nhận. Sau đó, đánh giá phù hợp quy định ATTP dựa trên kết quả kiểm nghiệm và quy định chi tiết áp dụng cho từng loại sản phẩm dựa trên các chỉ tiêu về ATTP theo quy định của pháp luật về ATTP. Trong trường hợp Việt Nam chưa có quy định thì áp dụng theo quy định của Codex. Tiếp theo là tổ chức, cá nhân công bố sản phẩm, lập và nộp hồ sơ công bố đến cơ quan tiếp nhận đăng ký theo quy định trước khi đưa sản phẩm ra thị trường.

Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, năng lực kiểm nghiệm thực phẩm của TPHCM rất tốt và hoàn toàn phát hiện được các chất nguy hại có trong thực phẩm. Tuy nhiên, hầu hết cơ sở sản xuất, kinh doanh khi đem mẫu đi kiểm nghiệm đều tốt, nhưng đôi khi sản phẩm ra thị trường lại không đạt tiêu chuẩn ATTP! Trong khi đó, trách nhiệm của cơ quan quản lý là hậu kiểm. Nhưng với hàng chục ngàn cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thì công tác hậu kiểm là một thách thức lớn. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM cho biết, tính từ đầu năm 2016 đến nay đã xử phạt hành chính hàng trăm cơ sở vi phạm ATTP, trong đó có nhiều cơ sở vi phạm về công bố tiêu chuẩn chất lượng. Theo các chuyên gia y tế, lỗ hổng kiểm soát điều kiện, chất lượng thực phẩm còn ở chỗ thiếu sự hiểu biết, lạm quyền của chính quyền cơ sở. Một phó chủ tịch UBND phường ở quận Thủ Đức (TPHCM) vừa bị phát hiện tự ý cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm cho cơ sở kinh doanh thực phẩm. Chưa hết, theo các chuyên gia y tế, việc thiếu giám sát trong công bố tiêu chuẩn sản phẩm thực phẩm đang tạo ra những kẽ hở cho cạnh tranh không lành mạnh.

Nhằm chấn chỉnh tình trạng trên, TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP, đã yêu cầu các địa phương khi thanh tra, kiểm tra ATTP đều phải lấy mẫu tại đơn vị công bố sản phẩm, thực hiện kiểm nghiệm mẫu. “Kiên quyết tạm dừng lưu thông hàng hóa có mẫu không đạt chất lượng, tiến hành thu hồi trên thị trường và sẽ xử lý các cơ sở vi phạm theo quy định”, TS Nguyễn Thanh Phong cho biết.

Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực từ 1-7-2016 nêu rõ: “Việc chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về ATTP…  sẽ bị phạt tiền 50 - 200 triệu đồng hoặc phạt tù 1 - 5 năm.

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục