Có thể nói, TPHCM là địa phương quản lý và kiểm soát tình trạng giết mổ, vận chuyển và kinh doanh gia cầm, gia súc được đánh giá là tốt nhất cả nước. Động vật đưa vào TP tiêu thụ đều phải đi theo những con đường quy định để kiểm soát, phun xịt thuốc diệt trùng tại các phương tiện vận chuyển ở cửa ngõ trước khi vào lò giết mổ. Cách làm này được cả nước học tập. Tuy thế, cũng còn những lỗ hổng.
TPHCM có khoảng 1.200 quán thịt chó, tiêu thụ khoảng 1.500 con/ngày nhưng những con vật này vẫn chưa được ngành chức năng đưa vào diện phải kiểm soát và quản lý. Nguồn cung cấp chó cho các quán từ nhiều nguồn như chó bị đánh bả (bắt chó), chó bệnh… Đó là chưa kể tình trạng chó bị “bơm nước”.
Theo bà con tại xã Bình Chánh (huyện Bình Chánh), cứ khoảng 3-4 giờ chiều hàng ngày, “đội quân” chở chó dừng lại con kênh ven đường (vốn bị ô nhiễm) để bơm nước vào từng con chó, như cách làm với con heo.
Việc bơm nước đã diễn ra vài năm nay tại đoạn đường nông thôn nối đường Đinh Đức Thiện với QL 1A. Nguồn gốc chó như thế nào, việc vệ sinh ra sao, tất cả đều ngoài tầm kiểm soát của nhà quản lý.
Khi kiểm tra cửa hàng thịt chó vào loại lớn nhất trên đường Cách Mạng Tháng Tám (Tân Bình), Thanh tra Sở Y tế phát hiện các mẫu thịt chó và rau sống ở đây đều nhiễm vi sinh.
Theo Chi cục Thú y TPHCM, sở dĩ xảy ra tình trạng trên là do chưa có cơ sở pháp lý để hướng dẫn, kiểm tra, xử lý riêng loại thực phẩm này. Chi cục Thú y TPHCM kiến nghị lên Cục Thú y về những bất cập trong quản lý giết mổ chó từ mấy năm qua, nhưng vẫn chưa có phản hồi.
Trong lúc gia súc ngày càng xuất hiện nhiều loại dịch bệnh, thì chó nuôi với bệnh dại vẫn đang đe dọa sức khỏe của không ít người dân. Đây là điều cần nhanh chóng được khắc phục.
ĐĂNG LÃM