Năm 2010, Bộ Công thương cấp hạn ngạch nhập khoảng 300.000 tấn đường. Đến thời điểm này, lượng đường trong hạn ngạch thuế quan năm 2010 chưa được nhập vẫn còn khá lớn - mấy chục ngàn tấn. Lượng đường tồn kho của các nhà máy và hiện đang vào vụ thu hoạch mía và chế biến đường cả nước có thể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa, nhất là dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Tuy nhiên cả nước phải nhập khẩu thêm đường để bổ sung lượng thiếu hụt trong nước. Năm 2011 cũng vậy, theo tính toán của Bộ NN-PTNT, sản lượng đường niên vụ 2010 - 2011 khoảng 1 triệu tấn, thiếu khoảng 200.000 - 250.000 tấn so với nhu cầu tiêu dùng trong nước, nên lượng đường cần được cấp phép nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan trong năm 2011 dự kiến vào khoảng 250.000 tấn.
Nhập khẩu đường là cần thiết để cân bằng thị trường, nhưng quan trọng là với phương thức nào. Bởi việc nhập đường không chỉ ảnh hưởng đến các nhà máy chế biến đường mà còn ảnh hưởng đến khoảng 3 triệu nông dân trồng mía cả nước. Nếu cấp quota như hiện nay doanh nghiệp thương mại nhập khẩu là có lợi nhất, chỉ khi giá đường trong nước và thế giới chênh nhau các doanh nghiệp này mới nhập, nên khó giám sát được việc nhập. Đây là “lỗ hổng” nếu không kịp thời điều chỉnh nhà nước không kiểm soát được.
Theo ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối, cục đã kiến nghị với Bộ Công thương về việc thay đổi phương thức cấp quota nhập đường từ cả năm sang thời hạn 3 hoặc 6 tháng. Bộ Công thương cũng đã nhận ra điều này, khi Nhà nước rơi vào thế bị động, vô tình “nhường phần chủ động” cho doanh nghiệp. Phải cấp quota có thời hạn và có thời điểm. Thời điểm nào thấy cần phải nhập thì cấp. Hết thời hạn 1 tháng, 3 tháng hay 6 tháng mà doanh nghiệp không nhập thì không còn hiệu lực. Có ý kiến cho rằng, cơ chế để được cấp quota nên theo kiểu “bỏ thầu”. Hết hạn mà không chịu nhập thì cũng phải chịu trách nhiệm. Bởi xét cho cùng, nhập khẩu đường là để ổn định mặt hàng này trong nước.
ĐĂNG PHONG