Lò luyện thi Hà Nội đã qua… “thời vang bóng”

Lò luyện thi Hà Nội đã qua… “thời vang bóng”

Cho đến thời điểm này, các lò luyện thi đại học (ĐH) trên địa bàn Hà Nội (HN) rất vắng khách, khác hẳn tình trạng các sĩ tử “chen vai thích cánh” trong mùa luyện thi của những năm trước. Điều này tạo ra sự ngạc nhiên cho không ít người... Vì sao?

“Lò luyện” vắng khách

Những ngày giữa tháng 4, dạo qua các điểm luyện thi nức tiếng nằm quanh các trường ĐH Bách khoa HN, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Xây dựng, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Sư phạm… không khí có thể coi là yên bình, chẳng có vẻ gì một mùa “vượt vũ môn” đầy cam go đã đến rất gần.

Tại phố Tạ Quang Bửu, một trung tâm nổi tiếng với hàng chục lò luyện thi khối A, B giờ này vẫn vắng hoe. Cũng thời điểm này những năm trước, các sĩ tử khăn gói từ các tỉnh về đây luyện thi làm náo nhiệt cả khu phố, bàn đăng ký học của các lò bày ra tận hè phố, nhân viên làm việc luôn tay. Người ta nói, có hôm, số sĩ tử và người nhà tập trung còn đông hơn... xem bóng đá. Còn bây giờ, vẫn có những tấm biển quảng cáo chiêu sinh nhưng số người đến hỏi thông tin rất thưa thớt.

Lò luyện thi Hà Nội đã qua… “thời vang bóng” ảnh 1

Cảnh đìu hiu tại trung tâm luyện thi Bách khoa.

Một nhân viên của lò luyện thi ngõ 30 Tạ Quang Bửu cho biết: “Năm nay, số người đăng ký học giảm mạnh, số lượng học viên các lớp chỉ còn vài chục người. Những năm trước, có khi cả trăm học viên chen chúc trong một lớp.

Lớp nào lớp nấy chật căng như sắp vỡ. Năm nay, kể như đã vào mùa luyện thi, nhưng do ít “khách” nên một số lò luyện nhỏ đã tạm giải thể để chuyển sang hoạt động khác”.

Tại ngõ 336 phố Nguyễn Trãi, cạnh đại học KHXH-NV, các lò luyện thi khối C, D ở đây cũng rất vắng khách.

Mặc dù các lò đã ra sức tiếp thị song có lẽ do “cầu” giảm mạnh nên mọi nỗ lực của lò hầu như không mang lại hiệu quả. Thầy giáo Nguyễn Hữu Tâm, một giáo viên luyện thi, cho biết: “Sự thay đổi này là do cách ra đề của Bộ GD-ĐT. Với cách ra đề mới, thí sinh cảm thấy không cần thiết phải đến các lò luyện thi. Các em chỉ cần học chắc theo chương trình là có thể yên tâm bước vào kỳ thi mà không lo bị thua thiệt so với các học sinh luyện tại các lò danh tiếng”.

Trong số các học sinh theo học tại các lò luyện thi có không ít người là “học sinh lớp 13”, “lớp 14”, nghĩa là đã thi trượt một, hai năm trước. Khoảng từ sau Tết Nguyên đán, đối tượng học sinh này bắt đầu lục tục về thủ đô luyện thi với quyết tâm chinh phục cổng trường ĐH.

Tuy nhiên, năm nay đối tượng học kiểu “trường kỳ” này cũng giảm hẳn mà lý do chính là giá cả sinh hoạt tăng quá cao. Hải Phong, một học sinh quê Nam Định, cho biết: “Nhiều bạn bè em không thể theo đuổi được việc luyện thi tại lò bởi chi phí rất cao. Nếu cộng cả tiền học 3 môn, mỗi tháng gần 800.000 đồng, 400.000 đồng nhà trọ và tiền ăn 600.000 đồng thì chi phí cũng mất ngót 2 triệu đồng/tháng”.

Mất mùa làm ăn của “cò”

Lò luyện vắng khách khiến nhiều đối tượng “ăn theo” cũng bị mất mùa làm ăn. Thua thiệt nhiều nhất là các loại “cò lò luyện” và “cò nhà trọ”. Vào thời kỳ hoàng kim, đội quân này phát triển rất mạnh, mỗi khu vực trung tâm luyện thi đều có vài chục người vừa làm nghề xe ôm vừa kiêm luôn “cò”.

Mỗi khi có khách tay xách nách mang, dáng vẻ từ xa tới là đội quân “cò” ào đến, chỉ trỏ, giới thiệu. “Cò lò luyện” thường là “tay chân” của một lò luyện nào đó, được trang bị đầy đủ thông tin về lò với những lời giới thiệu hết sức thuyết phục, nào là lò này hay, có đội ngũ thầy giỏi, luyện thi hay trúng tủ…

Còn với cò nhà trọ thì lại nắm trong tay hàng loạt các địa chỉ nhà trọ trong khu vực, giá nào cũng có. Người được tư vấn nhiều khi “choáng” vì sự quá nhiệt tình của cò. Họ gần như “áp tải” khách hàng, “lái” khách hàng theo ý đồ của họ và ăn tiền cả hai bên. Tuy nhiên, năm nay các đối tượng này đã ế khách.

Một chủ hàng nước tại phố Tạ Quang Bửu, gần cổng Trường ĐH Bách khoa, cho biết: “Mọi năm cò hoạt động mạnh, lượn như đèn cù quanh khu vực này nhưng năm nay vắng hẳn. Đất làm ăn của cò đã bị thu hẹp lại khiến tình hình trật tự an ninh tại đây cũng yên ổn hơn”.

Anh Việt Hùng, làm nghề xe ôm đứng tại cổng Trường ĐH KHXH-NV, nói: “Mọi năm, vào thời điểm này tôi chạy không hết việc, cả ngày đưa học sinh và người nhà từ quê lên đi tìm lò luyện và nhà trọ. Năm nay, từ đầu năm tới giờ tôi vẫn đứng đây nhưng lượng khách đến với các lò luyện thi rất ít. Nhiều xe ôm trung thành với địa chỉ này mỗi mùa thi tới đã phải chuyển địa bàn hoạt động ra các bến xe, nơi có nhu cầu đi lại lớn hơn”.

Chị Hoàng Thu, nhân viên đăng ký luyện thi tại ngõ 336 đường Nguyễn Trãi, cho rằng, rất có thể, sau kỳ thi tốt nghiệp PTTH tới đây, học sinh về tham dự các lò luyện thi cấp tốc ĐH sẽ tăng lên, nhưng chắc chắn các lò luyện cũng không còn làm ăn thịnh vượng như những năm trước. 

MINH DUY

Tin cùng chuyên mục