(SGGPO).- Nhằm đối phó với các cơ quan chức năng, nhiều người nước ngoài giấu mặt đã “bơm” tiền cho một số người Việt Nam đứng tên mua đất ven biển ở Đà Nẵng trong thời gian qua gây nên tình trạng bất ổn. Điều đáng lo ngại là những khu đất này lại nằm ngay trong khu vực nhạy cảm về an ninh – quốc phòng khiến cho các cơ quan chức năng lo lắng.
Bất thường
Sự việc này lần đầu tiên được công bố công khai tại hội nghị Thành ủy Đà Nẵng mở rộng lần thứ 24 tổ chức vào ngày 24-9 vừa qua. Khi ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TN-MT TP Đà Nẵng đưa ra một số thông tin nhận định việc người nước ngoài (đa số là người Trung Quốc) giấu mặt mua đất ven biển Đà Nẵng thì nhiều cán bộ tỏ ra hết sức bất ngờ và lo lắng. Theo ông Điểu, đây là tình trạng bất thường, rất nguy hiểm đối với vấ đề an ninh, chính trị. Nếu không có biện pháp ngăn chặn thì không biết hậu quả sẽ như thế nào nếu những người mua đất là người nước ngoài có ý đồ xấu.
Đất tại khu vực trước sân bay Nước Mặn được xem là rất nhạy cảm về an ninh quốc phòng nhưng người nước ngoài bỏ tiền ra mua hết (Ảnh: Nguyễn Hùng)
Ông Điểu cho rằng, mặc dù đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là người Việt Nam nhưng sau lưng là người nước ngoài. Những chuyển dịch này thông qua rất nhiều cấp, thực hiện thỏa thuận với nhà đầu tư, các chủ khách sạn, nhà hàng ở ven biển… Thỏa thuận với nhau rồi, chỉ còn làm thủ tục là xong. “Luật pháp của mình đâu cho người nước ngoài đứng tên, nên họ sử dụng người Việt Nam đứng tên. Biết chắc là tiền của người nước ngoài nhưng đứng tên người Việt. Tất cả thủ tục người Việt làm hết, nên rất khó phát hiện, xử lý. Để đối phó với các cơ quan chức năng, người nước ngoài đưa tiền cho người Việt mua đất. Mua xong thì xây dựng khách sạn, nhà hàng, resort…. Xây xong thì họ bắt tay nhau thành lập doanh nghiệp. Sau đó người Việt chuyển dần phần vốn là đất, cơ sở hạ tầng cho người nước ngoài. Thế là toàn bộ nhà, đất đó trở thành của người nước ngoài một cách rất hợp pháp” – ông Điểu lý giải.
Trong khi đó, ông Đào Tấn Bằng, Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn cho hay, việc mua bán đất “nguy hiểm” như trên đang diễn ra chủ yếu trên đoạn đường Võ Nguyên Giáp ngang qua khu vực sân bay Nước Mặn (căn cứ quân sự của QK5). Tình trạng này đã diễn ra 2-3 năm trước và đến nay có khoảng 15 lô đất ven biển do người nước ngoài “bơm” tiền cho người Việt đứng tên mua.
Ghi nhận thực tế cho thấy, khu vực quanh sân bay Nước Mặn nhiều lô đất đã xây dựng nền móng, tường bao; bên cạnh đó cũng đã có nhiều nhà hàng, khách sạn đã được dựng lên hoạt động hết sức rầm rộ.
Bà Nguyễn Thị Anh Thi, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn, tỏ ra lo lắng: “Người nước ngoài hiện cư trú trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn rất nhiều, đặc biệt là người Trung Quốc và số lượng ngày càng tăng lên. Trên tuyến đường Minh Mạng, người trung Quốc thuê hẳn một nhà dân làm khách sạn, toàn người Trung Quốc ở. Cái này thì họ hoạt động kinh doanh bình thường và theo đúng pháp luật nhưng bên trong thì mình không biết họ có làm gì không. Có người bảo không sao nhưng mình vẫn lo ngại. Mình không thể chủ quan được, đặc biệt là đối với người Trung Quốc vì khu vực đó là nhạy cảm về an ninh, chính trị, quốc phòng”.
Khó quản lý
Ông Nguyễn Bá Sơn, Chánh Thanh tra Đà Nẵng, cho biết: “Việc người nước ngoài giấu mặt mua đất ven biển chúng tôi đã biết từ khi mới manh nha. Khi đó, tôi còn làm Giám đốc Sở Tư pháp đã báo cáo với lãnh đạo thành phố, đồng thời yêu cầu các Phòng Công chứng hạn chế tình trạng này bằng cách “tra vấn” gia cảnh những người người đứng tên mua đất tiền ở đâu ra mà mua đất giá hàng tỷ đồng. Tuy nhiên cách làm này cũng chỉ được thời gian đầu, sau đó những người nước ngoài “tư vấn” cho những người Việt mà họ nhờ đứng tên mua bất động sản phản đối các công chứng viên không có quyền truy vấn tiền ở đâu ra mà họ mua nhà, đất. Do vậy, việc người nước ngoài giấu mặt mua đất ven biển Đà Nẵng vẫn tiếp tục diễn ra”.
Một số lô đất được xây dựng bờ bao, tường rào, một số đã xây dựng nhà hàng, khách sạn (Ảnh: Nguyễn Hùng)
Đối với chính quyền địa phương, ông Đào Tấn Bằng, cho rằng: Khi có ý kiến của lãnh đạo thành phố, quận không biết phải quản lý, ngăn chặn bằng các nào. Bởi tất cả hồ sơ, giấy tờ đều đứng tên người Việt. Họ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế cũng như nộp tiền sử dụng đất đúng hạn thì lấy cớ gì để xử lý.
Theo thông tin từ UBND quận Ngũ Hành Sơn, đa số người đứng tên mua đất giúp người nước ngoài là những người nghèo, không có việc làm ổn định. Vì lợi ích trước mắt mà không nghĩ đến những nguy hại về sau cũng như chủ quyền của đất nước. Chính vì vậy, người nước ngoài bỏ ra vài chục triệu, thậm chí vài triệu đồng thì có thể tìm người đứng tên thay.
Về hướng xử lý, ngăn chặn, ông Đào Tấn Bằng, cho rằng chỉ còn cách vận động người dân mình không nên tiếp tay cho những hoạt động mờ ám này. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra hoạt động tại những khu khách sạn, nhà hàng đã xây dựng nhằm kịp thời chấn chỉnh những hoạt động mờ ám, phi pháp.
Trả lời báo chí xung quanh vấn đề này, ông Lê Việt Trường - Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội, cho rằng: Đà Nẵng phải cùng với Bộ Quốc phòng rà soát lại toàn bộ các dự án đã cấp phép, hoặc mua, bán trên địa bàn. Trong trường hợp, dự án thật sự ảnh hưởng tới an ninh quốc phòng hoặc ảnh hưởng tới các phương án tác chiến quốc gia, Đà Nẵng phải thu hồi và chấp nhận bồi thường cho đối tác. Việc này cũng đã có quy định và được pháp luật cho phép.
NGUYỀN HÙNG