Trong khi nhiều hộ dân đổ nợ, phải chặt bỏ hàng chục hécta cây keo lai vì bán không đủ tiền công khai thác, thì huyện Đam Rông (tỉnh Lâm Đồng) vẫn khuyến khích người dân phát triển ồ ạt loại cây này. Hiện đầu ra cho hơn 4.500ha keo lai của người dân Đam Rông vẫn tù mù.
Cho không cũng lỗ
Năm 2003, gia đình ông Nguyễn Tất Đoan đến thôn 3, xã Đạ Rsal (huyện Đam Rông) mua đất và khai phá rừng nghèo kiệt trồng keo lai. Đây là loại cây lấy gỗ để làm nguyên liệu giấy. Do điều kiện đất đai, khí hậu phù hợp, cây phát triển tốt nên trong vòng 2 năm, gia đình ông Đoan trồng được trên 70ha keo lai. Năm 2010, đến kỳ thu hoạch, một công ty ở Vũng Tàu đến đặt mua với giá 26 triệu đồng/ha nhưng sau khi khai thác 8ha thì công ty này lỗ 150 triệu đồng nên ngưng mua. Tiếp đó, một tư thương ở Đồng Nai đến thu mua với giá 200.000 đồng/ster (1 ster tương đương 1,5m³) nhưng khai thác được một thời gian ngắn rồi cũng “bỏ của chạy lấy người” vì lỗ.
Liên hệ nhiều nơi nhưng không có đơn vị nào đến thu mua, gia đình ông Đoan đành phải tự thuê nhân công khai thác, vận chuyển về Vũng Tàu bán (vì nếu để thêm thì cây keo lai quá lứa, không đủ tiêu chuẩn chất lượng làm nguyên liệu giấy). Khai thác được 36ha, tính toán lại thì gia đình ông lỗ mất 48 triệu đồng. Đang định chặt bỏ diện tích còn lại để lấy đất trồng loại cây khác thì một người bà con của gia đình ông Đoan là ông Huỳnh Văn Biến (TPHCM) nhận khai thác giúp. Dù được cho không, chỉ việc khai thác mang đi bán nhưng ông Biến cũng bị lỗ, hiện còn hàng đống gỗ keo bỏ mục giữa rừng.
Ông Nguyễn Tất Đoan cay đắng nói: “Trước đây, gia đình tôi cũng đã trồng keo lai ở huyện Đạ Huoai, có lãi lắm. Nhưng do không tính đến quãng đường quá xa, chi phí vận chuyển và thuê nhân công nên mới “bể” như hôm nay”.
Ông Đoan cho biết, hiện ở Lâm Đồng chưa có nhà máy giấy nên phải chuyển gỗ về tận Vũng Tàu bán với giá 1.050.000 đồng/tấn. Trong khi đó, chỉ làm phép tính đơn giản cũng biết chi phí cao hơn: công khai thác 90.000 đồng/tấn, công gom gỗ 70.000 đồng, lột vỏ 65.000 đồng, bốc lên xe ô tô nhỏ 40.000 đồng, vận chuyển từ rừng ra đường lớn 100.000 đồng, bốc lên xe lớn 45.000 đồng, vận chuyển về Vũng Tàu 550.000 đồng… Đó là chưa tính đến tiền cây giống và công đầu tư, chăm sóc ban đầu khoảng 12 triệu đồng/ha.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ gia đình ông Đoan mà tại Đam Rông còn một số hộ cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
Đầu ra tù mù, vẫn trồng ồ ạt
Trong khi bài học cay đắng còn hiện hữu thì huyện Đam Rông tiếp tục phát triển ồ ạt cây keo lai. Theo ông Bùi Văn Hởi, Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông, trong vòng 3 năm qua, mỗi năm huyện hỗ trợ người dân trồng hơn 1.000ha keo lai (theo Chương trình 30a), dự án Phát triển lâm nghiệp để cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên (FLITCH) hỗ trợ trồng 500ha. Cộng với một số chương trình, dự án khác thì người dân trong huyện trồng khoảng 4.500ha keo lai. Ngoài ra, tại địa phương còn có 7 doanh nghiệp trồng keo lai trước khi triển khai chương trình 30a (bình quân 150ha/doanh nghiệp) và 1.500ha keo lai của Công ty giấy Tân Mai.
Theo những người có kinh nghiệm về trồng rừng kinh tế thì việc trồng cây keo lai chỉ hiệu quả khi có quy hoạch hợp lý, trong đó quan trọng nhất là vấn đề giao thông và nhà máy chế biến. Trong khi đó, tại Đam Rông, có những vị trí trồng keo lai cách xa đường giao thông trên 5km, dự kiến trong thời gian tới còn giao đất trồng rừng ở những vị trí xa hơn. Điều này gây khó khăn cho người dân trong việc trồng, chăm sóc, phòng chữa cháy, đặc biệt là khai thác sản phẩm từ rừng.
Ông Bùi Văn Hởi cho biết đã làm việc với một số đơn vị để bao tiêu sản phẩm cho dân, tuy nhiên mọi thứ mới dừng lại ở biên bản ghi nhớ và hứa hẹn mua theo giá thị trường chứ chưa biết có chắc chắn hay không, mức giá bao nhiêu, có đủ tiền công khai thác hay không. Huyện đang thu hút doanh nghiệp vào đầu tư nhà máy giấy hoặc chế biến thô tại cụm công nghiệp Đạ Rsal, nhưng trên thực tế cụm công nghiệp này còn chưa định hình, chưa xây dựng hạ tầng. Và như vậy, đầu ra cho hàng ngàn hécta keo lai của người dân nghèo Đam Rông vẫn tù mù.
Nam Viên