Vòng đàm phán lần hai về giải pháp hòa bình cho Syria (hội nghị Geneva 2) không có nhiều tiến triển là nhận định chung của giới truyền thông sau khi Geneva 2 đã bước sang ngày làm việc thứ hai tại Thụy Sĩ.
Mâu thuẫn giữa Chính phủ Syria và phe đối lập không thể giải quyết trong ngày đối thoại trực tiếp ngày 11-2. Phe đối lập nhận được sự hậu thuẫn của Mỹ khăng khăng muốn thảo luận ngay về kế hoạch thành lập chính phủ chuyển tiếp mà bỏ qua vai trò của Tổng thống Assad, trong khi phái đoàn Chính phủ Syria thì yêu cầu vấn đề đầu tiên cần đàm phán là cuộc chiến chống khủng bố.
Theo hãng tin AP, vòng đàm phán lần hai này là một “canh bạc” của Tổng thống Assad, bởi ở đây, ông sẽ chứng minh với cộng đồng quốc tế về vai trò của mình trong việc thiết lập lại hòa bình tại Syria. Cứng rắn và không khoan nhượng là chủ trương của phái đoàn Chính phủ Syria từ vòng đàm phán thứ nhất cho đến nay. Những thái độ này xuất phát từ các lợi thế mà ông Assad có được gần đây.
Quân đội Chính phủ Syria đã giành quyền kiểm soát 13/14 thành phố lớn trong đó có Homs, Aleppo và thủ đô Damascus. Trong khi đó thì nội bộ quân nổi dậy có nhiều rạn nứt và sa lầy trong cuộc đấu đá chống lại một nhóm tách ra để ngả theo Al Qaeda. Quan trọng hơn, ông Assad vẫn nhận được sự hậu thuẫn vững chắc từ hai đồng minh Nga và Iran sau khi đồng ý giải giáp kho vũ khí hóa học.
Nếu Geneva 2 diễn ra thành công, cuộc nội chiến tại Syria được giải quyết, chắc chắn kết quả này sẽ tạo ra những tác động sâu rộng tới toàn bộ khu vực: từ tiến trình hòa bình Trung Đông cho đến mối quan hệ Iran - phương Tây; quá trình tái thiết Bắc Phi - Trung Đông thời hậu Mùa xuân Ảrập…
Dù chưa đạt được những tiến triển như mong đợi nhưng hội nghị Geneva 2 vẫn được xem là bước đi đầu tiên sau một thời gian dài bị trì hoãn nhằm khai thông bế tắc của cuộc nội chiến suốt 3 năm qua tại Syria.
Tuy nhiên, một nghịch lý là mặc dù hội nghị Geneva 2 thu hút được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế, nhưng ngay từ khi hội nghị bắt đầu, hầu hết các bên tham gia cũng như chính người dân Syria đều tỏ ra hoài nghi về kết quả sẽ đạt được. Đó là bởi mâu thuẫn lợi ích sâu sắc giữa các bên không thể giải quyết nhanh chóng chỉ qua những cuộc thảo luận.
Chính những mâu thuẫn này là nguyên nhân cơ bản dẫn đến bùng phát cũng như tình trạng giao tranh đẫm máu kéo dài suốt hơn 3 năm của cuộc nội chiến tại Syria. Thỏa thuận chỉ có thể đạt được khi các bên có đủ sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau ở mức độ cần thiết, mà điều này trong vấn đề Syria thì lại cần có thời gian lâu hơn nữa. Bên cạnh đó, việc loại bỏ vai trò của Tổng thống Assad như yêu cầu của phe đối lập trong thời điểm thiết lập lại hòa bình cho Syria là hành động không khả thi.
Ông Mohammad Ballout, nhà phân tích người Lebanon tại báo As-Safir nhận định, cộng đồng quốc tế không còn sự lựa chọn nào khác là phải hợp tác với chính quyền ông Assad nếu không muốn đất nước Syria bị sụp đổ.
Việc loại bỏ ông Assad là một hành động không mang lại tiến trình dân chủ cho Syria. Trái lại, đất nước sẽ hỗn loạn vì không có một chính phủ trung tâm và điều này còn tồi tệ hơn hiện nay. Phe đối lập Syria vẫn chưa đủ khả năng để đảm nhận vai trò quan trọng này.
THANH HẰNG