Tại phiên thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội, đại biểu Quốc hội đề nghị việc đầu tiên cần làm ngay trong năm 2016 là phải loại bỏ bằng được những cán bộ, công chức nhũng nhiễu, trục lợi, yếu kém ra khỏi bộ máy nhà nước. Có ý kiến đề nghị tuyển chọn công chức phải minh bạch, có tính cạnh tranh, thông qua đánh giá sản phẩm công vụ, cống hiến của họ mà xã hội nhìn thấy được; đừng chọn người nói thì hay, làm thì dở, chỉ xoay xở tìm cách làm lãnh đạo. Thế là đã rõ, Quốc hội yêu cầu Chính phủ quyết tâm làm trong sạch bộ máy.
Hiện nay, nếu những ai tâm huyết, theo dõi thường xuyên tình hình nền hành chính nước nhà đều băn khoăn. Thứ nhất, hô hào lâu nay đã quá nhiều mà tình hình thay đổi quá chậm, thậm chí có chiều hướng đáng lo ngại hơn. Hình như con bệnh tham nhũng, nhũng nhiễu đã quá lờn thuốc, có nguy cơ “vi rút” tham nhũng, thoái hóa đã “biến chủng” mà chưa xuất hiện thuốc đặc trị. Thứ hai, quyết tâm hô hào không chưa đủ, lâu nay chỗ yếu của chúng ta là tuy có kế hoạch tổng thể, chương trình này chương trình kia nhưng chưa quyết liệt thực thi, nhất là chưa tổ chức thực hiện dài hơi, khoa học, căn cơ, để đủ sức đẩy lùi, ngăn chặn, xóa bỏ các tệ tham nhũng, quan liêu làm trong sạch bộ máy từ Trung ương đến địa phương.
Để loại được công chức thoái hóa, năng lực yếu kém, trước mắt cần nghiêm túc thực hiện Đề án “Xác định vị trí việc làm”. Qua đó sẽ xác định được rõ, đủ, đúng, cần thiết số người làm việc trong mỗi cơ quan tổ chức, đơn vị. Đồng thời, xác định rõ những vị trí, những người không nhất thiết phải bố trí vào trong các cơ quan đó. Đó là giải pháp để góp phần tinh giản biên chế. Ở đây, không chỉ đơn thuần là giảm về số lượng người, mà còn góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, tuyển vào hệ thống công vụ những người đủ phẩm chất, trình độ, năng lực, đáp ứng yêu cầu của mỗi vị trí việc làm.
Cần khẩn trương xây dựng luật hoặc quy chế cải cách hoạt động công vụ để điều chỉnh hành vi của công chức, góp phần tích cực phòng chống tham nhũng. Một nền hành chính trong sạch, hiệu lực, hiệu quả là nền hành chính trong đó mỗi công chức biết mình phải làm gì, làm như thế nào, quyền hạn tới đâu, chịu sự kiểm tra giám sát của ai, được hưởng quyền lợi gì và bị xử lý như thế nào nếu không hoàn thành công vụ…
Bên cạnh đó cần bổ sung chế định sát hạch định kỳ cán bộ công chức làm cơ sở để đánh giá, đồng thời tăng cường thanh tra công vụ. Có sát hạch, thanh tra nghiêm túc mới làm cơ sở để đánh giá loại bỏ, đề bạt, bổ nhiệm. Cần bãi bỏ quy định biên chế suốt đời, thay vào đó chế độ hợp đồng linh hoạt đối với cán bộ, công chức… Rõ ràng kinh nghiệm các nước và nước ta cho thấy chế độ biên chế, tuyển dụng suốt đời tạo sự ỷ lại, sức ì, trì trệ đối với lực lượng lao động của các cơ quan công quyền. Vì thế rất cần sát hạch công chức định kỳ.
Với những giải pháp quyết liệt, chúng ta hy vọng với quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng, Quốc hội, Chính phủ và toàn dân sẽ nâng cao được chất lượng đội ngũ công chức, đẩy lùi tệ tham nhũng, loại ra khỏi bộ máy những công chức yếu kém thoái hóa biến chất.
DIỆP VĂN SƠN
Các tin, bài viết khác
-
GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng: Với tôi, Quốc hội chính là một trường học lớn
-
Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất thống nhất phân bổ giới thiệu ứng cử ĐBQH 1.076 người
-
Kiện toàn các chức danh trong bộ máy Nhà nước tại Kỳ họp thứ 11 của Quốc hội
-
Giám sát để xử lý ngay việc làm chưa đúng quy định hay hành vi vi phạm pháp luật về bầu cử
-
Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 53
-
Tiễn đưa người con ưu tú “xứ dừa” Trương Vĩnh Trọng về đất mẹ
-
Từ hôm nay 22-2, Sở LĐTB-XH TPHCM phục vụ người dân tại trụ sở ở quận 3
-
Tiếp nhận hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND TPHCM
-
Lễ viếng nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng tại Bến Tre và Hà Nội
-
Lựa chọn ĐBQH đại diện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân