Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, tiền thuốc chiếm hơn 50% chi phí khám chữa bệnh của người dân. Riêng trong năm 2015, số tiền chi cho thuốc đã hơn 30.000 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2016 đã xấp xỉ 18.000 tỷ đồng. Theo cơ quan BHXH, tình trạng lạm dụng thuốc quá lớn, ngay cả thuốc bảo hiểm y tế (BHYT), là do việc chỉ định thuốc vô tội vạ.
Chỉ định cả thuốc không dành cho người
Qua giám định, BHXH TPHCM đã nhiều lần nhắc nhở các bệnh viện (BV) chú trọng đến việc kê toa, cấp phát thuốc cho người bệnh với mục tiêu hiệu quả, an toàn và phù hợp phác đồ điều trị. Tuy nhiên, theo bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc BHXH TPHCM, không ít cơ sở y tế vẫn “thói nào tật ấy”, bác sĩ kê thuốc tràn lan, buộc cơ quan BHYT phải giám định lại, thậm chí tạm dừng thanh toán. “Hồi đầu năm 2016, BHXH TPHCM đã rút một số thuốc ra khỏi danh mục thanh toán BHYT vì không phù hợp”, bà Huyền cho biết. Trong số thuốc đó, theo bà Huyền, có thuốc bị chỉ định sai tràn lan ở các BV tuyến dưới và cả thuốc không dành cho người! Đơn cử như thuốc điều trị loãng xương với hoạt chất Alendronat natri + Cholecalciferol (trong đó có thuốc Aronatboston plus), được chỉ định khi BV đã làm cận lâm sàng chụp X-quang cho bệnh nhân và BHYT chỉ thanh toán thuốc này dạng uống khi điều trị tại khoa cơ xương khớp ở BV hạng 1 trở lên. Thế nhưng, có những BV tuyến quận, huyện không làm X-quang, không có khoa cơ xương khớp nhưng vẫn chỉ định cho bệnh nhân dùng!
Trước đó, BHXH TPHCM đã ngưng thanh toán BHYT đối với thuốc nhỏ mắt Gatifloxacin. Loại thuốc này bị Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) thu hồi vì chứa hoạt chất thuộc danh mục nguyên liệu và thuốc thành phẩm cấm nhập khẩu để làm thuốc dùng cho người. Tại Việt Nam, thuốc nhỏ mắt chứa hoạt chất Gatifloxacin có tên thương mại là Zymar với hoạt chất Gatifloxacin có hàm lượng 3mg/ml. Điều đáng nói, trong một thời gian dài, các cơ sở y tế vẫn chỉ định dùng nhỏ mắt cho người bệnh từ năm 2013, khi thuốc này liên tục trúng thầu vào các BV công lập.
Từ giữa tháng 6-2016 vừa qua, hàng loạt loại thuốc cũng bị ngưng thanh toán BHYT với lý do chỉ định tràn lan hoặc có giá trúng thầu chưa phù hợp giá kê khai và kê khai lại. Lý giải về việc ngưng thanh toán thuốc đã trúng thầu, đại diện lãnh đạo BHXH TPHCM cho rằng do giá thuốc không đúng với giá kê khai và kê khai lại, hoặc chưa có giá kê khai theo quy định công bố của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế). Theo ông Phạm Lương Sơn, Phó Giám đốc BHXH Việt Nam, từ 11-6-2016, các mặt hàng thuốc chưa được Cục Quản lý dược công bố giá kê khai/kê khai lại sẽ tạm dừng thanh toán BHYT. Vì vậy, các BV đã “lỡ dùng” hoặc chỉ định dùng vô tội vạ sẽ… lãnh đủ!
Bệnh nhân lãnh thuốc BHYT tại một bệnh viện ở TPHCM
“Chết” với tiền thuốc!
Thông tư 40/2014 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện danh mục tân dược thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT quy định: quỹ BHYT không thanh toán đối với trường hợp sử dụng thuốc không phù hợp với chỉ định đã đăng ký trong hồ sơ đăng ký thuốc đã được duyệt. Vì vậy, những thuốc được sử dụng không có trong chỉ định có trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc kèm theo hộp thuốc sẽ không được BHYT thanh toán. Tuy nhiên, thực tế các bác sĩ vẫn cứ kê toa. Điều này được một số chuyên gia y tế lý giải là việc đấu thầu tại các cơ sở khám chữa bệnh hiện nay đang thực hiện theo tên hoạt chất. Thuốc được sử dụng trong các phác đồ của Bộ Y tế ban hành, hoặc Dược thư Quốc gia, hoặc các tài liệu y khoa, phác đồ của BV cũng được ghi theo tên hoạt chất.
Trong khi đó, thuốc thành phẩm của các công ty khác nhau mặc dù cùng một hoạt chất nhưng khi thực hiện đăng ký, được Cục Quản lý dược cấp phép với nhiều phạm vi chỉ định khác nhau, có trường hợp không trùng khớp với phác đồ hay Dược thư Quốc gia hoặc các tài liệu y khoa. Để giải quyết vướng mắc này, thống nhất trong thanh toán BHYT, hiện Bộ Y tế đang rà soát, sửa đổi, bổ sung Thông tư số 40 và hướng dẫn giải quyết thanh toán theo hướng: Đối với thuốc đã sử dụng, cho phép thực hiện thanh toán trong trường hợp chỉ định thuốc phù hợp với chỉ định trong hồ sơ đăng ký thuốc đã được cấp phép hoặc theo hướng dẫn của phác đồ điều trị của Bộ Y tế hoặc phác đồ điều trị của BV; đối với những thuốc chưa sử dụng vẫn thực hiện theo đúng hướng dẫn tại Thông tư số 40, chỉ thanh toán với những chỉ định sử dụng phù hợp với chỉ định đã đăng ký trong hồ sơ đăng ký thuốc đã được phê duyệt… Trong khi đó, đối với thuốc trúng thầu vô BV, BHXH Việt Nam cho biết chỉ thanh toán nếu giá trúng thầu đúng với giá kê khai hoặc kê khai lại còn hiệu lực vào thời điểm BV nhập thuốc, nhưng không được vượt giá khi lựa chọn trúng thầu. Nếu thuốc đã được BHYT thanh toán nhưng qua giám sát có giá cao hơn giá kê khai hoặc kê khai lại còn hiệu lực thì BHXH sẽ thu hồi tiền chênh lệch…
Theo BHXH Việt Nam, chi phí cho thuốc điều trị chiếm khoảng 50% tổng số tiền khám chữa bệnh được BHYT chi trả. Năm 2015, tổng chi phí tiền thuốc chiếm khoảng 30.000 tỷ đồng, trong đó một phần rất đáng kể là chi cho thuốc điều trị ung thư, nhất là những thuốc đắt tiền. Hiện tại, danh mục thuốc BHYT của Việt Nam có khoảng 1.000 hoạt chất tân dược.
| |
TƯỜNG LÂM