Loạn triển lãm ô tô

Loạn triển lãm ô tô
Loạn triển lãm ô tô ảnh 1

Một góc triển lãm AutoPetro 2007 chỉ vài mẫu xe tải.  Ảnh: H.T.

Cùng với sự phát triển của thị trường ô tô trong nước, các triển lãm cũng vì thế mà ngày càng nở rộ. Riêng trong năm 2007, theo đăng ký có tới 5 triển lãm diễn ra ở TPHCM và Hà Nội, kéo dài từ tháng 6 đến tháng 10-2007. Triển lãm nhiều, nhưng số lượng không đi cùng chất lượng, điểm chung nhất của các triển lãm gần đây toàn là hàng... Trung Quốc!

Triển lãm là cần thiết

Có thể nói, trong số 5 triển lãm này, có 3 từng ít nhất một lần diễn ra và 2 mới đang trong kế hoạch. Đầu tiên là triển lãm AutoTech vào tháng 6 tại Hà Nội, tiếp theo là AutoPetro vào đầu tháng 8 ở TPHCM. Chưa đầy 20 ngày sau, một triển lãm khác lại diễn ra tại Hà Nội là AutoExpo. Năm nay, hai triển lãm “mới toanh” là AutoWorld và SaigonTech sẽ diễn ra vào tháng 9 và 10 tại TPHCM.

Như vậy, chỉ trong 2 tháng, người dân Sài thành có thể dự 3 triển lãm liền, một dấu hiệu tăng trưởng tốt của thị trường ô tô năm nay chăng?

Trước hết, cần phải nói rằng việc các triển lãm mở ra là dấu hiệu tốt cho thị trường. Bởi chỉ có tăng trưởng, nhu cầu mua xe của người dân cao thì các hãng mới cần một nơi để giới thiệu sản phẩm của mình. Còn nếu cứ ảm đạm như năm 2006, thì ngay tại showroom cũng chẳng có khách đến chứ nói gì đến triển lãm. Vì thế mà cả AutoTech, AutoPetro và AutoExpo năm ngoái đều vắng bóng các liên doanh của Hiệp hội Các nhà sản xuất lắp ráp ôtô Việt Nam (VAMA). Trong khi đó, tại AutoTech 2007, Ford Việt Nam đã tham dự và khá thành công sau màn ra mắt chiếc bán tải Ranger mới.

Sự nở rộ triển lãm cũng là cơ hội để những người sử dụng xe tiếp cận các dịch vụ sau bán hàng, tìm mua các thiết bị phụ trợ. Trong khi đó, các nhà kinh doanh có chỗ để gặp đối tác. Bằng chứng cho những chuyển biến này là tại AutoPetro diễn ra đầu tháng 8, số doanh nghiệp phụ trợ Thái Lan tăng lên đáng kể, khoảng 23 so với năm 2006. Đây là xu hướng chứng tỏ các hãng phụ trợ Thái Lan đã nhìn thấy trước tiềm năng của thị trường ô tô Việt Nam.

“Lượng” nhiều nhưng... thiếu “chất”!

Tuy nhiên, bên cạnh những cái được của các triển lãm, khách tham quan vẫn thấy có những thiếu sót không dễ gì bù đắp. Chẳng hạn, tại AutoTech 2007, khách đến xem cảm thấy gần như không có điểm nhấn nào ngoài 2 gian hàng hoành tráng của Trường Hải và Ford, còn các nhà sản xuất phụ trợ nằm “lép” phía sau, không có cơ hội tiếp cận khách hàng. Việc bố trí các gian hàng không phù hợp khiến khách chỉ tới ngắm xe xong lục tục kéo về. Trong khi đó với những người đã có xe, muốn mua một bộ linh kiện nào đó đều rất khó khăn, đó là chưa kể tới việc thiết bị hầu hết là xuất xứ từ Trung Quốc, Đài Loan hoặc Malaysia. Các doanh nghiệp Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Đến AutoPetro tại TPHCM, có lẽ thông tin về xe giá rẻ JRD và chiếc BMW serie 3 độ mang từ Đức sang là nguyên nhân kéo khách tới thăm. Lifan trung thành với 520, Kymco với những mẫu xe tay ga mà ít người biết hết tên. Dường như các doanh nghiệp tham gia mà không có nhiều sự đầu tư. Họ chỉ đơn thuần là có mặt, còn có hấp dẫn khách hay không lại là chuyện khác.

May mắn là các doanh nghiệp phụ trợ góp phần giúp AutoPetro đỡ phần buồn tẻ vì được tổ chức khá bài bản và nhận được nhiều quan tâm của khách. Đến AutoExpo, sự trớ trêu đã thể hiện ngay từ ngày khai mạc, khi mà gian hàng Kia bỗng vắng hẳn so với mấy chiếc xe Trung Quốc nhập khẩu. Khách đến bàn tán, xem xe Trung Quốc như nêm vì cái giá CIF (chưa tính thuế) hấp dẫn. Điều này chứng tỏ người tiêu dùng vẫn đang mong chờ mua được xe với giá phải chăng. Không cần phô trương, xe Trung Quốc tự nó thành “điểm nóng” vì đánh đúng vào tâm lý khách.

Các chuyên gia đánh giá AutoExpo năm nay là lời cảnh báo của xe nội địa Trung Quốc với thị trường Việt Nam. Dù chưa bằng xe liên doanh nhưng với cái giá hấp dẫn và chất lượng tạm được, khó khăn gì để Brilliance hay Zotye xâm nhập?

Như mọi triển lãm khác, thiết bị phụ tùng ô tô là nơi dành riêng cho hàng Trung Quốc, Đài Loan, Thái và Malaysia. Đi khắp các triển lãm, người ta dễ có cảm giác đây không phải triển lãm tại Việt Nam vì các tên hiệu đều là tiếng Hoa phiên âm. Các nhân viên bán hàng đối thoại với nhau bằng tiếng mẹ đẻ. Thế nhưng, mỗi khi có khách, họ đặc biệt nhiệt tình, xin đủ thứ thông tin để liên hệ dù nói tiếng Việt còn bập bẹ. Rõ ràng, họ tới đây là có mục đích và làm mọi cách để đạt được.

Sắp tới, thêm hai triển lãm nữa, người xem tự hỏi liệu có gì khác không hay vẫn chỉ là câu truyền miệng của mọi người: “Triển lãm có thế thôi à? Triển lãm gì mà năm nào cũng mấy mẫu xe cũ nhạt thếch. Vậy ở nhà cho xong”. Thiết nghĩ với chi phí khá lớn cho một triển lãm, tại sao các đơn vị không tập hợp lại để tạo nên một sự kiện lớn hơn, chuyên nghiệp hơn và mang tầm quốc tế hơn?

PHÚC ANH

Tin cùng chuyên mục