Kiểm tra không xuể
Có mặt tại Nhóm mẫu giáo Thành Nhân (phường Tây Thạnh, quận Tân Phú) vào sáng 12-4, ghi nhận cho thấy cơ sở được cải tạo từ nhà ở, mỗi tầng được bố trí một lớp học nhưng ở 2 phòng khác nhau, gây khó khăn cho giáo viên trong việc quan sát và tổ chức lớp. Đáng nói, khu vực nhà bếp và phòng học chỉ được ngăn cách bằng một cửa kéo mỏng. Nhà vệ sinh lớp mẫu giáo 4 tuổi nằm ngay trong phòng học và không hề có cửa ngăn cách với khu vực sinh hoạt của học sinh.
Lớp giữ trẻ 5 tuổi tại Nhóm mẫu giáo Thành Nhân
Tương tự, Trường Mầm non tư thục Ánh Hồng (phường Tân Thới Nhất, quận 12) cũng được cải tạo từ nhà ở. Sân chơi cho trẻ là tầng trệt của ngôi nhà 1 trệt 4 lầu, toàn bộ sàn lát bằng gạch bông láng, dễ gây nguy cơ té ngã khi trẻ chơi đùa. Một phần diện tích sân chơi được tận dụng làm chỗ để xe máy cho giáo viên nhưng không có hàng rào ngăn cách. Cơ sở được bố trí thành 9 phòng. Năm học 2017-2018 nhận giữ 370 trẻ.
Ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT quận 12, cho biết trong tổng số 71 trường mẫu giáo, mầm non đang hoạt động trên địa bàn quận, loại hình ngoài công lập chiếm hơn 73% với 52 trường, 23.350 trẻ đang theo học.
Ngoài ra, còn có 237 nhóm, lớp tư thục đang hoạt động ở 11 phường nhằm chia sẻ áp lực giữ trẻ trên địa bàn. Từ tháng 11-2017 đến nay, địa phương đã đình chỉ hoạt động 1 trường và 6 lớp mầm non không đảm bảo điều kiện an toàn cho trẻ; UBND ở 11 phường cũng yêu cầu giải thể 3 nhóm lớp mẫu giáo do không đạt yêu cầu về cơ sở vật chất, thiếu giáo viên và xử phạt vi phạm hành chính 40 nhóm lớp nhận giữ số lượng trẻ vượt quá quy định, giữ trẻ không đúng loại hình cấp phép hoạt động, hoặc không đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, địa phương cũng thừa nhận nhân sự quản lý mầm non hiện nay ở Phòng GD-ĐT và UBND phường còn quá ít, chưa có nhân sự riêng phụ trách khối ngoài công lập nên quản lý không xuể hoạt động của các cơ sở.
Đặc biệt, tại quận 7, bà Trần Bích Ngọc, Phó phòng GD-ĐT quận, cho biết một số cơ sở giữ trẻ có yếu tố nước ngoài chưa được cấp phép nhưng hoạt động khép kín, thường xuyên không có người phiên dịch tiếng Việt, nên mỗi khi đoàn kiểm tra đến gặp khó khăn trong việc giao tiếp, không thẩm định được chương trình giảng dạy tại cơ sở. Riêng tại quận Tân Phú xảy ra tình trạng các nhóm lớp thường xuyên di dời, thay đổi địa điểm khi hết hạn hợp đồng nhà, dẫn đến nhiều lỗ hổng trong kiểm tra, quản lý.
Cần thêm hỗ trợ về cơ sở vật chất và đội ngũ
Kết quả các đợt giám sát của Ủy ban MTTQ TPHCM mới đây về tình hình quản lý các cơ sở mầm non ngoài công lập cho thấy, hạn chế lớn nhất hiện nay của loại hình này là đa phần mặt bằng thuê mướn, việc khai thác và sử dụng phụ thuộc nhiều vào chủ nhà khiến yêu cầu cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, nhiều đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến việc thiết kế mảng xanh, trang bị các thiết bị phòng cháy chữa cháy, không có hàng rào an toàn, vệ sinh môi trường không đảm bảo, thiếu nhân viên y tế, thậm chí nuôi chó, mèo gây ảnh hưởng sức khỏe học sinh.
Trong khi đó, theo bà Trịnh Thị Mỹ Lan, Phó Chủ tịch UBND quận 12, chủ trương mở rộng xã hội hóa trường lớp đang gặp khó, nhiều chủ đầu tư có tâm huyết nhưng không mạnh dạn đầu tư vì đất sở hữu nằm trong khu dân cư, không xin được quyết định thành lập trường nếu chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Từ thực tế đó, đại diện quận 12 kiến nghị UBND TP xem xét cho phép chủ đầu tư không phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nhà ở sang kinh doanh giáo dục khi xin phép thành lập trường, để tăng thêm sức hút cho hoạt động đầu tư. Mặt khác, phản ảnh từ cơ sở cho thấy các chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi của TP chưa đến được tay người dân, chế độ hỗ trợ cho giáo viên mầm non ngoài công lập hiện nay chưa có khiến các đơn vị muốn “sống” phải tự “bơi”, khó đảm bảo cùng lúc 2 mục tiêu duy trì hoạt động và nâng cao chất lượng giảng dạy.
Theo ông Vũ Thanh Lưu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM, theo kế hoạch của TP từ nay đến hết năm 2020, khuyến khích tăng tỷ lệ trường mầm non ngoài công lập trên 50% tổng cơ sở mầm non trên địa bàn TP, đồng thời giảm tỷ lệ nhóm trẻ ngoài công lập xuống dưới 10%. Yêu cầu này một mặt kêu gọi các địa phương đẩy mạnh hơn nữa chủ trương xã hội hóa, phát triển có hiệu quả hệ thống trường lớp ngoài công lập, nhưng mặt khác cũng đặt ra nhu cầu cao hơn về công tác quản lý.
“Chúng ta phải chú ý nhiều hơn đến chất lượng hoạt động thay vì chăm chăm phát triển số lượng, bởi nếu mở ra nhiều nhưng không đảm bảo chất lượng thì sẽ gây mất niềm tin cho người dân ”, ông Lưu bày tỏ.