Vay mượn
Dù đã có những tín hiệu khởi sắc nhất định khi xu hướng làm phim dần dịch chuyển sang hướng chuyên nghiệp nhưng vấn đề kịch bản vẫn đang là bài toán quá khó đối với điện ảnh Việt Nam. Thiếu đi vay mượn có lẽ là điều đang diễn ra một cách ồ ạt ở thị trường điện ảnh trong thời gian này.
Bằng chứng là, trong nửa cuối năm 2017 có ít nhất 6 dự án đã công bố là phiên bản làm lại từ các phim nổi tiếng nước ngoài, trong đó 90% kịch bản Hàn Quốc. Đầu tiên là Yêu đi, đừng sợ của đạo diễn Stephane Gauger làm lại từ Spellbound (2011) đã công bố bộ đôi diễn viên Nhã Phương, Ngô Kiến Huy.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng quyết định làm lại bộ phim Sunny (2011) với tên gọi Ngựa hoang. Ông ngoại tuổi băm được làm lại từ Speed Scandal (2008), chiêu mộ cặp diễn viên Kaity Nguyễn và Hứa Vĩ Văn.
Diễn viên nổi tiếng của Em chưa 18 - Kaity Nguyễn cũng góp mặt trong dự án Cú té trời tính được làm lại từ Key of life (Nhật Bản) sánh đôi cùng Thái Hòa, Kathy Uyên, HuyMe. Hai bộ phim Hàn Quốc quen thuộc khác là Cô nàng ngổ ngáo (My sassy girl) và Sắc đẹp ngàn cân (200 pounds beauty) cũng được các đơn vị trong nước mua bản quyền thực hiện. Tính đến thời điểm này, Sắc đẹp ngàn cân đã lên kế hoạch ra rạp vào tháng 8 trong khi Cú té trời tính vào tháng 12. Các dự án còn lại đều công bố sẽ ra mắt trong nửa cuối năm nay, dù chưa ấn định lịch cụ thể.
Việc làm lại các kịch bản ăn khách nước ngoài xuất phát từ việc trong nước quá thiếu kịch bản chất lượng. Diễn viên Trương Ngọc Ánh từng chia sẻ, có hàng trăm kịch bản được gửi đến hãng phim của cô, nhưng không thể tìm ra một kịch bản để có thể đưa vào sản xuất. Một lý do khác, đó là các kịch bản làm lại thời gian qua đều mang đến những thành công cho các nhà sản xuất. Nếu Em là bà nội của anh tạo doanh thu khủng với 102 tỷ đồng thì gần nhất, Bạn gái tôi là sếp (bản gốc ATM Errak Error) cũng thu về 16 tỷ đồng sau 4 ngày công chiếu, càng tiếp thêm động lực cho các nhà sản xuất.
Một vấn đề muôn thuở là, Việt hóa như thế nào và có hay không việc phải quay giống đến từng khung hình so với bản gốc. Câu hỏi này đã được diễn viên, NSX Thanh Thúy đặt ra tại hội nghị Mạng lưới công nghiệp điện ảnh Việt Nam - Hàn Quốc.
Theo một đại diện đến từ Công ty ShowBT Hàn Quốc, đơn vị phối hợp thực hiện bộ phim Sắc đẹp ngàn cân: “Chúng tôi nghĩ nên có phần chỉnh sửa kịch bản cho phù hợp với văn hóa Việt Nam, kể cả việc đổi tựa đề phim. Các nhà làm phim Hàn Quốc luôn xem xét yếu tố này và hai bên có thể thỏa thuận hợp tác trước khi ký kết”.
Tìm cách mở đường
Một thực tế cho thấy, nếu lĩnh vực âm nhạc luôn sôi động với vô số các cuộc thi tìm kiếm các tài năng ở cả lĩnh vực nhạc sĩ sáng tác và ca sĩ thể hiện thì điện ảnh lại khá trầm lắng. Trong khi đó, dù kịch bản luôn được các đạo diễn, nhà sản xuất khẳng định là yếu tố quan trọng hàng đầu, nhưng lỗ hổng này vẫn chưa thể bù lấp.
Mới đây nhất, lần đầu tiên CGV tổ chức một cuộc thi nhằm tìm kiếm và nuôi dưỡng các tài năng biên kịch, góp phần cho ra đời những bộ phim Việt có chất lượng cao.
Theo đạo diễn Charlie Nguyễn: “Để làm nên một bộ phim hay có rất nhiều yếu tố, trong đó kịch bản hay là yếu tố sống còn. Tôi nghĩ, tìm kiếm và phát triển tài năng cho các nhà biên kịch là một đòi hỏi cấp thiết cho sự phát triển của nền điện ảnh Việt Nam…”.
Một trong những điểm sáng tích cực của cuộc thi này là khi vượt qua vòng một, 24 ý tưởng xuất sắc nhất sẽ được tham gia một khóa huấn luyện với hội đồng thẩm định là các đạo diễn, nhà sản xuất phim uy tín trước khi hoàn thành kịch bản của mình. Đại diện CGV cho biết, họ dự định sẽ tổ chức cuộc thi thường niên.
Nhìn vào thực tế một cuộc thi như trên chưa đủ cho nhu cầu thị trường khi số lượng phim ra rạp trong 2 năm gần đây đều vượt qua con số 40. Đại diện ShowBT Hàn Quốc cho biết, muốn tạo được kịch bản hay và nguồn kịch bản dồi dào không có biện pháp nào khác là phải đào tạo từ gốc.
Trong nghiên cứu để bảo vệ phát triển ngành công nghiệp điện ảnh quốc gia do ông Jakob Kirstein Hogel thực hiện tại Việt Nam cũng nhấn mạnh, việc được học kỹ năng làm phim bài bản trong khi vẫn giữ được đam mê, năng lượng và tinh thần là điều dẫn đến thành công. Đào tạo từ đâu và như thế nào, vẫn còn là câu hỏi chưa thể có lời giải thỏa đáng.