Khi nhà nhà, người người trên cả nước chuẩn bị đón tết thì những ngư dân dọc dài các tỉnh miền Trung lại lên đường ra biển Đông. Với họ, điều đó cũng đồng nghĩa với việc đón giao thừa trên biển. Nhưng họ không tâm tư, bởi hành trang khi trở về là những khoang thuyền đầy ắp tôm cá.
Được mùa ruốc, cá cơm
Những ngày trước và sau Tết Canh Dần, nhiều vùng biển trong tỉnh Quảng Ngãi ruốc bỗng xôn xao kéo về, ngư dân vui như tết. Bởi lâu lắm rồi, họ lại mới được nhận lộc xuân từ biển. “Ruốc về... ruốc về...!”, tiếng của bà con con ngư dân gọi nhau râm ran cả một bến cá. Không khí rộn ràng, nhộn nhịp chẳng khác nào ngày hội.
5 giờ, trời chưa kịp hừng sáng, hàng trăm tàu khai thác ruốc của ngư dân Phổ Quang, huyện Đức Phổ đã vội vã ra khơi cho một ngày đánh bắt. Ngư dân Nguyễn Văn Sết, xã Phổ Quang cho biết, ruốc chỉ nằm cách bờ khoảng chừng 2-3 hải lý, nhưng các tàu đánh bắt phải đi từ sáng sớm để tìm luồng ruốc đi. Phần lớn chỉ dựa vào kinh nghiệm để xác định vùng biển nào có ruốc nhiều và hướng đi để đón đầu đánh bắt.
Mỗi chuyến ra khơi, các tàu có thể đánh bắt nhiều mẻ ruốc. Nếu ruốc quá nhiều thì sau khi đánh bắt đầy khoang, các tàu tranh thủ chạy nhanh vào bờ để cân rồi tiếp tục ra khơi cho chuyến đánh bắt mới. Xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ có trên 100 tàu khai thác ruốc. Hiện trung bình mỗi chuyến ra khơi mỗi tàu đánh bắt được 3-5 tạ, nhiều tàu trúng cả tấn ruốc.
Với giá trung bình 10.000 đồng/kg ruốc tươi, 40.000 đồng/kg ruốc khô thì sau 1 chuyến ra khơi mỗi tàu thu về từ 30-50 triệu đồng, có tàu thu cả trăm triệu đồng/chuyến/ngày và mỗi ngư dân kiếm được ít nhất từ 1 - 1,5 triệu đồng.
Năm nay, ngư dân Định Tân (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) đã đi lưới chuồn cồ sớm hơn một phiên so với năm 2009. Mỗi phiên biển kéo dài hơn 20 ngày, tết rơi vào đúng phiên thứ 3.
Anh Trần Luận, Thuyền trưởng tàu QNG 90306 TS cho biết: “Tôi đã đón giao thừa trên biển mấy lần rồi. Tết Kỷ Sửu, đúng 14 Tết, thuyền mới từ Hoàng Sa chạy vào, chở theo 7 tấn cá chuồn trong tâm trạng vui sướng của anh em. Nhưng 2 bữa sau thuyền lại tiếp tục nhổ neo...”.
Theo anh Luận, vào dịp tết, cá được giá, sau khi trừ chi phí mỗi thuyền còn lãi được gần 40 triệu đồng. Cộng tiền cá câu làm ngoài giờ, mỗi ngư dân cầm về cho vợ con được 7 - 8 triệu đồng.
Biển được mùa! Khắp các ngõ ngách các thôn Lý Chánh, Lý Lương, Lý Hưng, Lý Hòa, phường Nhơn Lý, TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) đều nhộn nhịp.
Mấy ngày trước và trong tết, tại vùng biển TP Quy Nhơn và các huyện Hoài Nhơn, Phù Cát (Bình Định)… cá cơm Hoa Lái xuất hiện dày đặc. Đây là loại cá cơm dùng chế biến xuất khẩu và muối để chế biến nước mắm.
Trung bình một đêm, mỗi thuyền khai thác được 1 - 3 tấn cá cơm. Với giá bán hiện nay 5.000-8.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí mỗi thuyền lãi 4-5 triệu đồng, có thuyền thu lãi cả 10 triệu đồng.
Ngược về các vùng bãi ngang của huyện Núi Thành, Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam), phường Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đi trên những con đường của những làng chài, những cảng cá tấp nập người bán mua, người xách giỏ đứng đợi tàu về, trên khuôn mặt ai cũng ánh lên niềm vui đầu năm.
Trúng đậm cá ngừ đại dương
* Ông Đào Duy Hội, Chủ tịch UBND xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, cho biết: Từ đầu tháng 11 Âm lịch năm ngoái, ngư dân ở địa phương đã khai thác được gần 1.000 tấn cá ngừ đại dương, bằng 1/2 sản lượng khai thác hàng năm và gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước. Trung bình mỗi tàu trong vòng 18 – 20 ngày khai thác được 1,5 – 2 tấn cá, thu lợi bình quân 50 – 70 triệu đồng/chuyến. “Trúng cá ngừ, có nguồn thu, ngư dân ăn tết to lắm” - ông Hội cho biết. |
Huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) mấy ngày tết xôn xao chuyện tàu ông Đinh Văn Trọng (ở thôn Đông, xã An Hải, huyện Lý Sơn) dùng lưới vây rút đã trúng đậm mẻ cá ngừ hơn 7 tấn. Sau khi trừ chi phí, thu lợi gần 170 triệu đồng.
Ông Võ Xuân Huyện, Chủ tịch UBND huyện đảo này cũng ngạc nhiên không kém các ngư dân. Bởi như ông nói bao năm nay sống trên đảo, đây là lần đầu tiên ở Lý Sơn ngư dân hành nghề ở ngư trường gần bờ lại được mẻ cá ngừ lớn.
Bởi thông thường mỗi mẻ cá ngừ khai thác được chừng 5 tạ, cao nhất là 3 tấn. Mùa cá ngừ đại dương năm nay, khoảng 70% ngư dân tỉnh Phú Yên câu được khoảng 2.700 tấn cá. Chỉ riêng từ ngày 4 đến 13-2 (tức từ 21 tháng chạp đến 30 tháng chạp) có 88 tàu thuyền ngư dân cập bến ăn tết với sản lượng hơn 160 tấn.
Trong đó tàu của ông Võ Đường đạt sản lượng 2,9 tấn. Dự kiến, trong vài ngày tới sẽ có 35 tàu câu cá ngừ đại dương cập bến và mang theo nhiều tấn lộc từ biển cho ngư dân. Nhiều tàu mang theo lộc xuân vẫn đang trên đường trở về.
Ấy vậy mà theo Trưởng trạm biên phòng cảng cá phường 6 TP Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên), trung úy Nguyễn Ngọc Ry, đến ngày 17-2 (tức mùng 4 Tết) đã có hàng chục tàu đăng ký xuất bến. Trong số các tàu trên có tàu ông Ngô Ty mang biển hiệu PY 92214 TS trước Tết Canh Dần đã câu được 1,2 tấn cá ngừ đại dương. Chính vì vậy, tất cả các ngư dân đều đang rất náo nức ra khơi.
Do tập tục hôm qua (mùng 6 Tết) khoảng 140 chiếc tàu của ngư dân phường 6 sẽ đồng loạt ra khơi mang theo nhiều niềm hy vọng ngày đầu xuân. Các tàu đã chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước uống và nhiên liệu cho một chuyến biển câu cá ngừ đại dương thời gian gần 1 tháng.
Chỉ riêng tiền nhiên liệu, trung bình mỗi tàu sử dụng 4.500 lít dầu diesel và 600 cây đá, chi phí gần trăm triệu đồng, tương đương khoảng 1,1 tấn cá ngừ đại dương.
Như là quy luật, cứ một năm phải gồng mình chịu bão, lũ ngư dân miền Trung lại được nhận lộc từ biển. Năm nay, lộc đã đến sớm kéo dài từ trong ra sau tết.
Hà Minh