Lộc rươi

Không phải ngẫu nhiên người đời gọi con rươi, các món ăn từ rươi là “lộc trời cho”. Bởi, không phải nơi nào cũng có, lúc nào cũng có, ai muốn ăn cũng được. Nhà văn Vũ Bằng, trong Món ngon Hà Nội đã phải thốt lên: “...Đến mùa mà không được ăn thì như một người đàn bà đẹp đã để phí mất tuổi hoa, sau này sẽ nặng một niềm tiếc nhớ…”.
Lộc rươi

Không phải ngẫu nhiên người đời gọi con rươi, các món ăn từ rươi là “lộc trời cho”. Bởi, không phải nơi nào cũng có, lúc nào cũng có, ai muốn ăn cũng được. Nhà văn Vũ Bằng, trong Món ngon Hà Nội đã phải thốt lên: “...Đến mùa mà không được ăn thì như một người đàn bà đẹp đã để phí mất tuổi hoa, sau này sẽ nặng một niềm tiếc nhớ…”.

Lộc “mọc” từ đất

“Rươi mọc, rươi mọc! Có đi rươi về mà đi!”, giọng người nhà vang lên giục giã. Tôi vùng dậy, phóng xe ào ào trong cái rét căm căm. Tới bờ đê sông Lam, địa bàn xã Hưng Lợi (Hưng Nguyên, Nghệ An) đã thấy dưới các bãi bồi như không gian một thành phố mới lên đèn. Tiếng người í ới gọi nhau trên bờ đê, tiếng xe máy, ô tô của các thương lái rươi từ TP Vinh phóng xuống ầm ầm. Chạy xe thêm khoảng 20 phút nữa đến “vựa rươi” ở xóm 1 và xóm 2 xã Hưng Nhân. Ở đây không khí vui hơn hội, đèn đóm sáng rực các thân ruộng, từng lớp người qua lại như mắc cửi, cười nói râm ran. Người già, trẻ em, nam thanh nữ tú… tất thảy đều ào xuống ruộng vớt “lộc trời”. Nhìn sang bên kia sông Lam, địa bàn xã Xuân Hồng, Xuân Lam (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), cũng đầy ánh đèn lấp lóa như sao xa. Vào thời điểm này, trời đất như giao hòa với đồng đất và con người vùng hạ nguồn sông Lam.

Một điểm thu mua rươi tại xã Hưng Nhân (huyện Hưng Nguyên)

Rươi là “con trời”, thế mới có câu đố “Con gì bé tỉ tì ti/ Mình đi dưới đất, bóng đi trên trời/ Một năm mấy bận đi chơi/ Đi thời lở đất long trời mới yên”. Theo một số cụ cao niên ở Hưng Nhân, Hưng Lợi thì rươi sinh trưởng theo con trăng, theo sự lên xuống của nước biển. Mùa rươi “mọc”, thực ra là mùa rươi lên để giao phối. Loài rươi chỉ “mọc” theo quy luật của riêng nó, cứ khoảng tầm 1 giờ sáng mới “mọc” rộ lên. “Mọc” bắt đầu theo các ngày, từ mùng 5, 15, 25 tháng 9 âm lịch, rồi dần lên vào các mùng 1, 5, 15, 25 tháng 10; cao điểm vào các mùng 1, 5, 15 tháng 11 và dần “lặn” vào cuối tháng 11 và đầu tháng Chạp.

Bữa cơm tối dọn ra, vừa cầm đũa lại nghe tiếng bước chân chạy lịch thịch ngoài đường xóm. Cả nhà “quăng” luôn chén đũa, người ôm lưới (để giăng dọc theo bờ ruộng nhà mình “nhốt” rươi), người nháo nhác tìm đèn pin, người cầm vợt, xô chậu… kéo nhau chạy ra ruộng, mới vớt được dăm ba con thì rươi không chịu “mọc” nữa. Ngồi chờ một hồi, không thấy rươi lên lại kéo nhau quay về ăn cơm. Vừa về đến đầu ngõ lại nghe hàng xóm í ới, lại nháo nhào chạy ra đồng… Nửa đêm, dưới cơn mưa lất phất, rét căm căm vẫn phải ngồi canh, nhưng mãi không thấy rươi “mọc”. Mệt. Bỏ về ngủ. Sáng ra mới biết, ngay khi mình vừa về nhà thì rươi “mọc” rộ , có nhà vớt được cả chục kilôgam. Tiếc muốn đứt ruột! Ngay tại một cánh đồng, 3 thửa ruộng liền kề nhau, nước cũng tràn bờ, nhưng đôi khi rươi “mọc” ở ruộng này nhưng không “mọc” hoặc “mọc” rất ít ở ruộng bên cạnh. Trong mỗi làng, thường chỉ có vài nhà như “bén duyên” với rươi nên mùa nào cũng trúng đậm, thu về cả chục triệu, thậm chí trăm triệu đồng. Tuy nhiên, ông trời cũng rất công bằng khi nhà nào cũng có “lộc trời cho”, không khi nào “trắng tay”. Ngay cả giá rươi cũng rất đặc biệt, chưa bao giờ mất giá hoặc bị ép giá.

Bát cơm trắng, bát rươi đầy

Chính con rươi đã “dạy” người vùng rươi biết tôn trọng thiên nhiên, sống hòa mình với thiên nhiên. Người dân các vùng rươi ở hạ nguồn sông Lam vẫn trồng lúa trên các thửa ruộng. Nếu lúa có sâu bệnh, sẵn sàng cắt cho trâu, bò ăn; tuyệt nhiên không dùng thuốc trừ sâu, phân hóa học. Bởi lẽ đơn giản, nếu dùng thì “lộc trời cho” sẽ mất. Khi rươi lên giao phối thì trứng rươi sẽ “lắng” xuống nước, “ngấm” vào đất để đến mùa sau lại “mọc” lên. Tính đơn giản, 1 đêm - 1 người “đi rươi” vớt được 1kg là đã có 450.000 đồng. Năm nay, rươi ở vùng hạ nguồn sông Lam “mọc” rất muộn và ít hơn so với mọi năm. Một số cụ cao niên ở xã Hưng Nhân cho rằng, khí hậu thay đổi là rất rõ ràng và ảnh hưởng lớn đến rươi. Ngày trước rươi chỉ “mọc” vào ban đêm, từ khoảng 1 giờ, rộ lên vào khoảng 2 giờ sáng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, quy luật này dường như đã bị “phá”. Rươi vẫn lên theo mùa trăng, nhưng nhiều khi “mọc” lệch cách 2 - 3 ngày; “mọc” cả khi trời đã sáng thay vì chỉ “mọc” trong bóng đêm.

Có một điều trùng hợp, cứ vào mùa rươi “mọc” là quýt chín và vùng hạ nguồn sông Lam hay râm ran câu ca: “Bao giờ cho đến tháng mười/ Bát cơm thì trắng bát rươi thì đầy”.

Rươi được làm nhiều món, như: chả rươi, rươi hấp, rươi đúc với trứng, rươi nấu măng… Nhưng với người dân vùng rươi Hưng Lợi, Hưng Nhân cơ bản chỉ làm món chả rươi và rươi nấu măng. Rươi nấu măng dành cho người thân ở gần về thưởng thức rươi tươi còn nóng hổi. Còn chả rươi dành để gửi đến những đứa con ở xa (tất nhiên không quá 1 ngày đường). Ngày xưa rươi nhiều nên người dân còn rang rươi hoặc làm mắm. Rang rươi bằng nồi đất. Sau khi lót lá chuối trong nồi thì bỏ rươi vào, lấy một nồi đất khác úp lại, rồi lấy rơm “hun” lên. Còn cách thức làm mắm rươi cũng gần như mắm tép, nhưng đặc biệt không thể thiếu vỏ quýt, gừng, rượu nếp... Hiện nay, người quê rươi chỉ làm hai món này để gửi cho người xa quê và để dành cho người ở xa về quê ăn tết.

DUY CƯỜNG

Tin cùng chuyên mục