Nhà nước đàm phán gắn logo
Theo Bộ NN-PTNT, mặt hàng gạo Việt Nam xuất khẩu trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó thị trường chính là châu Á chiếm 68%, châu Phi gần 15%, châu Mỹ 6%... Tuy xuất khẩu nhiều nhưng hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển thị trường lúa gạo còn thấp; tỷ lệ thất thoát gạo ở mức cao 14% so với các nước Thái Lan, Ấn Độ chỉ 6%. Sau thời gian trì trệ, 2 năm qua giá trị kim ngạch xuất khẩu gạo liên tục tăng cùng với sản lượng xuất khẩu cũng tăng. Hiện nay chất lượng gạo và giá xuất khẩu của Việt Nam không thua kém hạt gạo Thái Lan, đó là thừa nhận của chính báo chí Thái Lan từ đầu năm 2018 khi thị phần gạo của Thái Lan đã bị mặt hàng gạo Việt lấn dần; tỷ trọng gạo thơm, gạo chất lượng cao xuất khẩu của Việt Nam tăng lên khá mạnh thời gian ngắn vừa qua sau thời gian chật vật tái cơ cấu. Vì vậy, khi có logo thương hiệu, vốn là mặt hạn chế, hạt gạo Việt còn có điều kiện phát triển vững chắc hơn.
Với bề dày xuất gạo trong nhiều năm, ông Phạm Thái Bình, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, nhận định muốn gạo Việt Nam phát triển thì phải có logo thương hiệu. Điển hình thị trường trong nước, từ khi công ty xây dựng logo, đóng bao bì, nhãn mác thì sản phẩm của công ty được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn. Trở lại câu chuyện xuất khẩu, theo ông Phạm Thái Bình, muốn gạo Việt Nam có chỗ đứng cũng phải làm giống doanh nghiệp đã làm thị trường trong nước. Tuy nhiên, hiện nay, gạo Việt Nam phải phụ thuộc thị trường nhập khẩu. Nhiều nhà nhập khẩu không muốn in logo gạo thương hiệu Việt Nam trên bao bì, nếu có cũng chỉ dòng chữ Việt Nam rất nhỏ trên bao bì, thậm chí có nước không có bất kỳ thông tin nước sản xuất. Để logo thương hiệu gạo Việt Nam có mặt trên các bao bì gạo xuất khẩu đòi hỏi các cơ quan bộ ngành phải thực hiện đàm phán với các nước nhập khẩu. Đặc biệt, sau khi có logo thương hiệu gạo Việt Nam hướng tới xuất khẩu hàng chất lượng, giảm dần kiểu xuất khẩu gạo xá. Vừa qua, nhiều đối tác Trung Quốc đang làm việc với công ty hướng đến việc đóng từng gói 5 - 10kg với nhãn mác, bao bì của đơn vị nhập khẩu; đồng thời có logo của đơn vị sản xuất trên bao bì. Đây là điểm mới, về lâu dài, người tiêu dùng nước nhập khẩu sẽ biết đến sản phẩm của công ty sản xuất.
Vui mừng sau nhiều năm chờ đợi logo thương hiệu gạo Việt, đại diện một công ty cho biết, các bộ, ngành và hiệp hội cần phải ngồi lại với nhau để thỏa thuận hợp đồng với các nước nhập khẩu phải buộc đóng logo lên thương hiệu. Về lâu dài, người tiêu dùng nước nhập khẩu nhận biết nhà sản xuất thông qua logo thương hiệu và sẽ lựa chọn nếu chất lượng tốt. Song song đó, các doanh nghiệp sẽ được đóng logo của mình cùng với logo thương hiệu gạo Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam chú trọng phát triển thị trường trong nước, hướng đến dòng sản phẩm VietGAP hay GlobalGAP và hữu cơ. Bởi, đã hình thành lớp người tiêu dùng sẵn sàng móc “hầu bao” giá cao gấp đôi, gấp ba với gạo VietGAP của doanh nghiệp Việt để mua sản phẩm an toàn từ Nhật Bản, Hàn Quốc.
Gắn logo giúp nâng giá trị
Theo Bộ Công thương, lượng gạo Việt Nam xuất khẩu hiện chiếm 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới. Đặc biệt đã có sự chuyển đổi về giá xuất khẩu và tỷ trọng gạo chất lượng cao một cách tích cực. Từ cuối năm 2017 đến nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng khá. Hiện mức giá đã cao hơn đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan từ 50 - 100 USD/tấn. Giá xuất khẩu bình quân năm 2018 đạt 504,4 USD/tấn, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2017. Đó là nhờ, Việt Nam từ nước chủ yếu xuất khẩu gạo phẩm cấp thấp đã chuyển sang nước có tỷ lệ xuất khẩu gạo chất lượng cao, tỷ trọng gạo thơm tăng lên gần 10%, tỷ trọng gạo nếp, gạo tròn Japonica… đều tăng.
Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT), Việt Nam đã trở thành quốc gia có nhiều nông sản đứng vị trí hàng đầu về xuất khẩu trên thế giới. Năm 2018, nông sản Việt Nam nỗ lực đạt xuất khẩu trên 40 tỷ USD. Trong số đó, lúa gạo là mặt hàng thiết yếu và có ý nghĩa chiến lược cao đảm bảo an ninh lương thực và có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2017 của Việt Nam đạt 5,8 triệu tấn, trị giá 2,6 tỷ USD, tăng 21% về lượng và 22% về giá trị so với năm 2016. Trong tháng 11-2018, khối lượng gạo xuất khẩu đạt 395.000 tấn với giá trị đạt 192 triệu USD, đưa khối lượng gạo xuất khẩu 11 tháng đầu năm đạt 5,6 triệu tấn và giá trị đạt 2,8 tỷ USD. Phấn đấu năm 2018, ngành gạo xuất khẩu giữ vững đà tăng trưởng, kỳ vọng có thể đạt hơn 6,1 triệu tấn, với kim ngạch 3,1 tỷ USD, tăng 5,7% về lượng và 19,6% về giá trị so với năm 2017.
Đổi mới và nâng cao hiệu quả của hoạt động thương mại nông sản, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu để bảo hộ sản phẩm là một trong những định hướng quan trọng của Chính phủ chỉ đạo đối với ngành nông nghiệp thời gian tới. Ông Nguyễn Quốc Toản, Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường, cho biết đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Năm 2017, Bộ NN-PTNT phối hợp với nhiều bộ, ngành đã sáng tác biểu trưng (logo) thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam để nâng cao vị thế. Sau khi công bố logo xong, bộ sẽ đăng ký với tổ chức sở hữu trí tuệ quốc tế và chờ sự đồng thuận của nhiều nước về hiện diện logo thương hiệu gạo Việt Nam. Cuối cùng mới đến câu chuyện thị trường, các bộ, ngành và hiệp hội cùng nhau hoàn thiện quy chế, hướng đến xuất khẩu gạo chất lượng, nhất là thị trường chính ngạch.
Trọng tâm của logo là bông lúa cách điệu. Các lá lúa được biến tấu tạo hình chim Lạc Việt đang tung cánh, cũng là biểu tượng đặc trưng của Việt Nam đã được nhận biết trên phạm vi toàn thế giới; còn gợi ra hình ảnh ruộng lúa với nền văn minh lâu đời. Nền logo màu xanh lá mang thông điệp về Việt Nam là một quốc gia có nền sản xuất nông nghiệp phát triển với sản phẩm sạch, an toàn và thân thiện với môi trường. Bố cục logo vừa là hình hạt gạo, cũng là hình trái đất mang thông điệp gạo Việt Nam đạt chất lượng và uy tín trên phạm vị toàn thế giới.