Lối hành xử đáng tiếc

Hai năm sáu tháng tù giam là mức án mà TAND quận 11 TPHCM vừa tuyên phạt đối với Phan Bá Dũng (SN 1988) về tội “Cố ý gây thương tích”. Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ nhân viên bảo vệ của Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ Long Hoàng đánh học sinh đã kết thúc nhưng đọng lại nơi người tham dự phiên tòa câu hỏi: liệu sự việc có trở nên nghiêm trọng nếu các bên hành xử bình tĩnh hơn?

Tối 30-5-2011, các em học sinh lớp 12A1 Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa quận 11 tổ chức tiệc liên hoan tại lầu 5 siêu thị Lotte Mart thuộc tòa nhà Everrich tại địa chỉ 968 đường 3 Tháng 2, phường 15, quận 11 TPHCM. Khi xuống tầng hầm siêu thị để lấy xe đi về, phát hiện bị mất nón bảo hiểm nên em Trần Hoàng Ân cãi nhau với anh Hoàng Thế Vinh, nhân viên bảo vệ của Công ty Long Hoàng. Dù chỉ có nhiệm vụ bảo vệ tòa nhà Everrich và bảo vệ vòng ngoài, không có liên quan gì đến khu vực giữ xe nhưng khi nhận được thông tin xảy ra cự cãi qua máy bộ đàm, Dũng đã đến hiện trường và “tham chiến”.

Theo lời khai của Dũng tại tòa, sở dĩ Dũng ra tay là do em Ân có lời lẽ xúc phạm nhân viên bảo vệ và khơi mào ẩu đả. Dù em Ân phủ nhận lời khai này nhưng cáo trạng của Viện KSND quận 11 cũng xác định: em Ân cãi nhau với anh Vinh, dùng nón bảo hiểm đánh anh Vinh nhưng anh né được. Lúc này, bị cáo Dũng dùng chiếc máy bộ đàm đánh vào trán em Ân. Hậu quả là em Ân bị chấn thương đầu gây vỡ sụp thành trước xoang trái phải và phải phẫu thuật nâng xương, chịu thương tật 12% vĩnh viễn.

Bị cáo Dũng đã phải trả giá cho hành vi của mình. Dẫu vậy, bài học về lối hành xử một lần nữa cần được đặt ra. Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ nhưng các bên thiếu kiềm chế đã khiến một người phải vào vòng lao lý, một người bị ảnh hưởng sức khỏe suốt đời.

Thật đáng suy ngẫm về lời của vị hội thẩm nhân dân: “Nếu bị cáo xem các em học sinh này như em của mình thì khi các em có hành động gì chưa đúng, thậm chí có lời lẽ xúc phạm, bị cáo đã từ tốn khuyên bảo chứ không dùng vũ lực như vậy. Đồng thời, nếu em Ân có thái độ tôn trọng các nhân viên bảo vệ như một người anh, nghĩ họ làm công việc này cũng chỉ vì kế mưu sinh, vì cuộc sống để từ đó có cách hành xử đúng đắn thì sự việc đáng tiếc đã không xảy ra”.

Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo vệ. Bởi nếu Công ty Long Hoàng làm tốt công tác sinh hoạt về quy chế làm việc thì nhân viên bảo vệ đã có lối hành xử khéo léo hơn.

Điểm lại từ trước đến nay, không ít vụ việc nhân viên bảo vệ do không được đào tạo bài bản nên có lối cư xử thiếu văn hóa, thay vì góp phần giữ gìn an ninh trật tự lại gây thương tích người dân, như vụ bảo vệ quán cơm Minh Đức ở quận 1 đánh hội đồng thực khách đã được TAND TPHCM xét xử vào cuối tháng 11-2011 vừa qua.

Ái Chân

Tin cùng chuyên mục